Mặc dù chính quyền địa phương ra sức ngăn chặn nhưng hàng trăm hộ dân ở xã Mỹ Thành (Phù Mỹ, Bình Định) vẫn lén lút đào đất vườn nhà để nuôi tôm.
Sau vài vụ làm ăn kha khá, bây giờ hầu hết người nuôi tôm “xé quy hoạch” ở đây bị thua trắng tay do môi trường nuôi ô nhiễm.
Ông Lương Sĩ Hoài (51 tuổi) ở thôn Hưng Lạc, xã Mỹ Thành có 2 ao tôm ngay trong vườn nhà với tổng diện tích khoảng 1.000 m2 được đào cách đây 4 năm.
Mấy năm đầu, ông Hoài nuôi tôm vụ được vụ thua, vụ được thì kiếm chừng năm ba chục triệu, vụ thua thì huề vốn. Thế nhưng từ năm ngoái đến nay, chẳng hiểu sao thả vụ nào thua vụ nấy, ông Hoài đang gắng gượng bám các ao tôm để gỡ gạc, nhưng xem ra chẳng hy vọng gì.
Ông Hoài cho biết: “Vụ vừa rồi tui thả giống vào tháng Chạp với 25 vạn tôm giống. Nuôi được 2 tháng tôm bỗng biếng ăn, chậm lớn. Trong 2 tháng đầu mỗi ngày chúng ăn 3 lần, mỗi lần 20 kg thức ăn nhưng sau đó mỗi lần ăn chỉ 15 kg thức ăn nhưng vẫn còn thừa. Đến 2 tháng rưỡi thì tôm bắt đầu chết. Mỗi ngày tôm chết đến vài chục kg, chỉ trong vòng 10 ngày đã chết mấy tạ tôm”.
Dù đã nuôi đến 2 tháng rưỡi nhưng do tôm chết nên chỉ bán được 50.000 đ/kg. Hoảng quá, ông Hoài vớt tất bán hy vọng gỡ vốn. Nhưng tôm sống cũng chỉ bán được 80.000 đ/kg nên gỡ vốn không kịp.
“Của đổ hốt lại, khi biết ao tôm của mình bị dính bệnh thương lái lập tức ép giá. Họ nói bao nhiêu mình bán bấy nhiêu chứ không bán cũng bỏ đi. Đợt ấy bán hết 2 ao tôm chỉ có 100 triệu đồng, trong khi đó chi phí hết 130 triệu đồng, vị chi còn lỗ 30 triệu đồng. Vậy là còn may, nhiều ao tôm chỉ mới 1 tháng đã “rớt”, chủ nuôi trắng tay.
“Đến nay ít nhất đã có 36 trường hợp nuôi tôm trái phép tại Mỹ Thành bị xử lý hành chính. Nhưng khi ngành chức năng làm việc với các chủ hộ nuôi, họ cứ cãi chày cãi cối rằng họ đang làm mô hình “vườn ao chuồng” chứ nhất định không chịu hiểu ra vấn đề nuôi tôm kiểu này là sẽ tự làm ô nhiễm nguồn nước, tự mình giết mình”, ông Ngô Đình Ba, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ.
Thua vụ ấy, tui thả ngay vụ khác, mới xuống giống vào ngày 24/4 vừa qua, nhưng chỉ thả 20 vạn giống vì môi trường nước nuôi thấy bấp bênh quá, sợ lại thua tiếp”, ông Hoài kể.
Phía sau lưng nhà ông Hoài là 4 ao tôm của người láng giềng còn thua thê thảm hơn. Anh Võ Ngọc Tuấn (38 tuổi) và anh Trần Quốc Việt (33 tuổi) hùn nhau nuôi 2 ao tôm, 1 ao rộng 800 m2 và 1 ao 700 m2. Thấy người trong làng đổ xô đào vườn nuôi tôm, 2 anh cũng làm theo.
Chi phí cả xe đào, làm bờ lát bạt, chạy ống, kéo điện, mua mô tơ, quạt gió… mỗi ao chi phí hết 100 triệu đồng. Vào nghề nuôi tôm đã 2 năm nay, mấy vụ đầu vụ được gỡ vụ thua, chưa dư dả gì. Từ tháng 6 năm ngoái đến nay thì bị thua liên tiếp 3 vụ liền, nhìn tiền vốn “chết” theo lũ tôm mà nóng mặt.
Anh Võ Ngọc Tuấn kể: “Với 2 ao nuôi, mỗi vụ bọn tui thả từ 35 - 40 vạn giống. Vụ thua đầu tiên tôm mới nuôi được 1 tháng 20 ngày thì “rớt”, bắt bán non chịu lỗ 40 triệu. Thả tiếp vụ khác cũng bị lỗ thêm 40 triệu nữa.
Đầu năm nay bọn tui thả giống vào mùng 9 tháng Giêng, mới nuôi được 2 tháng thì tôm lại rủ nhau lăn ra chết. Đành phải bán non, 1 ao bán được 80 triệu đồng, 1 ao bán được hơn 30 triệu, cộng cả 2 ao bọn tui lại bị lỗ 50 triệu nữa. Lỡ “leo lưng cọp” rồi, bọn tui vừa thả tiếp 1 ao, ao kia đang cho nước vào chuẩn bị thả giống”.
Ông Ngô Hải, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành cho biết: “Địa phương chỉ quy hoạch vùng nuôi tôm với diện tích 70 ha thuộc vùng ven đầm hạ triều. Những ao tôm tự phát đào trong vườn nhà và trên đất SXNN như hiện nay là không phù hợp, vì nằm về phía cao triều, khó lấy nước mặn, cũng không có đường thoát cho nước thải. Tuy nhiên, vì cái lợi trước mắt mà họ nhắm mắt làm bừa, bất chấp sự ngăn cản từ chính quyền địa phương”.
Theo: nongnghiep.vn