TS. Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia (Bộ NN&PTNT) cho rằng, trong sản xuất nông nghiệp, để tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, gắn kết giữa người sản xuất và người tiêu thụ đòi hỏi sự liên kết theo chuỗi. Người nông dân không thể đối thoại với doanh nghiệp trong khi bản thân người nông dân đó chỉ sản xuất 1 vài sào ruộng. Do đó, phải tổ chức thành hợp tác xã, câu lạc bộ đại diện cho nông dân cùng với doanh nghiệp để xây dựng chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến thu mua, chế biến, xuất khẩu hoặc cung cấp cho người tiêu dùng.
Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp và Thương mại Mỹ Linh (Cao Đức, huyện Gia Bình, Bắc Ninh) được thành lập năm 2014 với 16 thành viên có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất tham gia. Sản xuất trên diện tích 93 ha, HTX Mỹ Linh có nhiều loại cây trồng như: Cà rốt, hành Bado, ngô đang trong giai đoạn sinh trưởng và thu hoạch.
Hiện nay, Hợp tác xã Mỹ Linh là mô hình đầu tiên áp dụng hình thức chuỗi giá trị sản phẩm tại xã Cao Đức, liên kết sản xuất với Nhật Bản. Toàn bộ giống, quy trình canh tác, sản phẩm bảo đảm theo chất lượng Nhật Bản và được doanh nghiệp Nhật Bản thu mua. Quá trình canh tác đều có sự giám sát, kiểm tra định kỳ từ phía doanh nghiệp, người nông dân lo khâu phân bón và chăm sóc. Tất cả sản phẩm nông sản đều đạt tiêu chuẩn khi tiến hành chăm sóc bằng phân vi sinh, phân hữu cơ. Nước tưới tiêu sử dụng hệ thống tự động lấy từ sông Đuống, xa khu chăn nuôi nên bảo đảm vệ sinh môi trường.
Năm 2016, HTX xuất khẩu khoảng 23.000 tấn cà rốt đạt tiêu chuẩn sang Nhật Bản do công ty An Điền phụ trách. Sau khi trừ chi phí, mỗi vụ cà rốt cho thu hoạch khoảng 4 triệu đồng/ sào, dưa hấu khoảng 2,5 triệu đồng/ sào. Thu nhập bình quân của một số hộ gia đình đạt khoảng hơn 300 triệu đồng/ năm.
Thực hiện mục tiêu phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị theo lộ trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vụ đông xuân 2014-2015, huyện Hậu Lộc và Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Công ty CP Nông nghiệp quốc tế An Việt thực hiện mô hình liên kết sản xuất khoai tây Marabel, với quy mô chỉ 20 ha. Tuy là mô hình mới, nhưng do là mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, theo phương thức công ty cung cấp vật tư đầu vào, trực tiếp hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho bà con nông dân; đồng thời, thu mua toàn bộ sản phẩm về chế biến, tiêu thụ, nên hiệu quả kinh tế vượt trội so với những mô hình sản xuất thông thường, với lãi trung bình đạt từ 120 đến 200 triệu đồng/ha/vụ. Bởi vậy, mô hình nhanh chóng được nhân rộng ra nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Và chỉ sau 2 năm thực hiện mô hình, đến vụ đông 2016-2017 năm nay, trên cơ sở Công ty CP Nông nghiệp quốc tế An Việt ký hợp tác mở rộng diện tích liên kết sản xuất và tiêu thụ với các huyện trên địa bàn tỉnh, diện tích liên kết sản xuất khoai tây Marabel theo chuỗi giá trị đã được mở rộng lên tới 1.200 ha.
Cách trung tâm thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam vài km là trang trại của Tổ hợp tác chăn nuôi gà thả vườn Mười Tín. Khu trang trại nuôi gà Mười Tín do 6 hộ dân địa phương góp vốn đầu tư. Từ mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, được sự hỗ trợ của Trung tâm chất lượng Nông- lâm - thủy sản Vùng 2, các hộ dân nơi đây đã biến vùng cát trắng hoang hóa thành mô hình Tổ hợp tác chuyên nuôi gà ta, diện tích hơn 10 ha, đàn gà có lúc lên hơn 40.000 con. Tháng 10/2014, Siêu thị Co.op Mart Tam Kỳ đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Tổ hợp tác. Thành phố Tam Kỳ cũng đã hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng lò mổ tập trung để các hộ dân chủ động trong việc giết mổ, kiểm dịch và tiêu thụ sản phẩm.
Ông Đàm Văn Hưng - chủ cơ sở Hương Miền Tây, huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre cho biết, với sự hỗ trợ tích cực từ Nhà nước, cơ sở đã xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ với nông dân từ năm 2011 đến nay. Hiện cơ sở đã bao tiêu cho 27 Tổ hợp tác, trong đó có 3 Tổ hợp tác sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ đó, cơ sở phát triển nhanh thị trường xuất khẩu và dần dần ổn định thị trường nội địa. Tuy nhiên, số lượng, chất lượng sản phẩm có giới hạn nên mỗi tháng cơ sở phải từ chối 10 - 30 container từ các đơn đặt hàng. Cơ sở Hương Miền Tây xác định chỉ có tham gia tốt vào chuỗi giá trị hợp tác mới có thể tồn tại, phát triển bền vững. Nhưng cái khó, phần lớn nông dân chưa ý thức được sự quan trọng của việc tham gia chuỗi giá trị liên kết. Theo ông Hưng, trái bưởi da xanh Bến Tre đang mất dần thương hiệu trên thị trường do nhiều nguyên nhân. Hiện nhu cầu của cơ sở từ 2.000 - 3.000 tấn bưởi theo chuẩn GAP trong năm nhưng chỉ thu mua được 200 - 300 tấn.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp và các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị; khuyến khích tích tụ ruộng đất để doanh nghiệp có điều kiện đầu tư sản xuất quy mô lớn; chuyển đổi hình thức tổ chức sản xuất với quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm, phát triển hàng hóa đáp ứng hội nhập, cạnh tranh quốc tế và phát triển bền vững.