LTS: Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, hợp tác xã (HTX) luôn đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Từ tháng 7.2013, Luật HTX sửa đổi có hiệu lực đã tạo ra những cơ chế, động lực mới để HTX tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, theo thống kê, đến nay chỉ có 10% trong tổng số hơn 10.000 HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả. Thời gian gần đây, khái niệm về HTX nông nghiệp kiểu mới đã được nhắc đến nhiều. Vậy “HTX kiểu mới” là gì và hiệu quả của nó ra sao? Loạt bài của NTNN sẽ giúp giải đáp câu hỏi này.
Từ 1 triệu đồng...
Năm 2003, HTX Anh Đào ra đời với mục tiêu sản xuất rau sạch, an toàn, không thuốc trừ sâu, không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. “Ngày đầu thành lập, HTX có 7 thành viên, mỗi người góp 1 triệu đồng vốn điều lệ cùng vài ba ha đất trồng rau. Ai cũng hăm hở bởi cứ tưởng với tiêu chí trồng rau sạch như thế chắc sẽ đắt hàng lắm đây. Ai ngờ…” – Chủ nhiệm HTX Nguyễn Công Thừa nhớ lại.
Một lần tình cờ biết được người đứng đầu hệ thống siêu thị Co.opmart đang tham quan chợ Đà Lạt, ông Thừa liền mạnh dạn đến làm quen, mời về tham quan mô hình sản xuất rau an toàn của HTX mình. Sau khi lấy mẫu đi xét nghiệm, hệ thống siêu thị Co.opmart đã đồng ý đặt hàng các loại rau của HTX Anh Đào bước đầu với số lượng là 500kg/ngày, giá thu mua cao hơn giá bên ngoài thị trường 10 - 15% và còn hứa hẹn nếu cung ứng tốt sẽ tăng lên nữa.
Thấy thời cơ đã đến, các xã viên bàn bạc và đưa ra quyết định tăng vốn đầu tư. Năm 2004, 7 thành viên sáng lập ban đầu đồng ý nâng vốn điều lệ lên 500 triệu đồng, người góp ít 20 triệu, người nhiều 120 triệu đồng. HTX cũng kết nạp thêm 10 thành viên, nâng tổng số diện tích trồng rau của HTX lên gần 40ha. Sản phẩm của HTX cũng trồng đa dạng và phong phú hơn với trên 50 chủng loại như bắp cải, cải thảo, súp lơ, khoai tây, cà rốt, dưa leo, cà chua, lô lô xanh, ớt ngọt, bí ngòi, đậu que, đậu Nhật…
Mọi việc từ đó bắt đầu thuận lợi hơn, đơn đặt hàng các nơi gửi về ngày một nhiều, HTX cũng bắt đầu “phình to”, xã viên tham gia ngày một đông. Nhu cầu vật tư đầu vào cũng tăng lên. Song cũng từ đây, việc quản lý chất lượng bắt đầu khó khăn hơn. Để việc sản xuất rau đúng quy củ, Ban lãnh đạo HTX quyết định… làm dịch vụ và nâng cấp tiêu chuẩn sản xuất rau từ rau an toàn lên VietGAP.
Làm dịch vụ và xây dựng thương hiệu
Do quy mô tăng lên, HTX bắt đầu sắm xe tải, từ 1 chiếc ban đầu tăng lên 6 rồi 10 và đến nay đội xe đã là 16 chiếc loại 16 tấn. Đội xe ban đầu chỉ là chở rau các xã viên trồng về HTX sơ chế rồi chở đến bán cho khách hàng, hệ thống siêu thị Co.opmart. Sau đó, từ nhu cầu phát triển của HTX, đội xe bắt đầu làm dịch vụ chở thêm các loại vật tư đầu vào như hạt giống, phân bón, thuốc BVTV… cho xã viên. Rồi đội xe kiêm luôn cả việc chở mướn cho bên ngoài. Mỗi năm HTX thu từ dịch vụ này khoảng 4 - 5 tỷ đồng.
Ngoài ra HTX còn làm dịch vụ cung cấp giống rau chất lượng, phân bón, thuốc BVTV cho xã viên và bà con bên ngoài; mấy năm gần đây còn kiêm thêm dịch vụ thu hoạch rau cho bà con nông dân. “Nói chung bất cứ cái gì có thể làm dịch vụ được là HTX làm tất” – ông Thừa nói. “Chúng tôi lấy hàng từ đầu nguồn, ngay tại nơi doanh nghiệp sản xuất, không qua trung gian nên đảm bảo hàng thật, chất lượng, giá lại rẻ hơn giá bán lẻ bên ngoài từ 10 – 15%. Chính vì thế bà con, xã viên rất ủng hộ, đem đến một nguồn thu không nhỏ cho HTX”. Ông Thừa tiết lộ, riêng doanh thu từ mảng dịch vụ năm 2014 của HTX đã đạt được hơn 80 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, HTX cũng chủ động hướng dẫn cho nông dân trồng, chăm sóc, thu hoạch rau củ theo tiêu chuẩn VietGAP và hình thành quy trình khép kín từ khâu canh tác, thu hoạch, sơ chế đến phân phối. Chưa tới một năm sau, HTX Anh Đào đã lấy chứng nhận VietGAP. Ông Thừa cho hay: “Sau khi chúng tôi lấy chứng chỉ này xong, đơn đặt hàng liền gửi về tới tấp từ các công ty lớn và cả các siêu thị Metro, Vitimax, Maximark… Không chỉ bán trong nước, các doanh nghiệp còn đặt hàng xuất khẩu ra nước ngoài, uy tín nhờ đó tăng lên gấp bội”.
Bắt đầu từ năm 2009 HTX Anh Đào đã bắt đầu xuất rau sang thị trường Singapore, Đài Loan, rồi Hàn Quốc, Nhật Bản. Lúc đầu là 1.000 tấn/năm, sau tăng lên 2.000 tấn, rồi 4.000 tấn/năm hiện nay. Bước đầu xây dựng thương hiệu, HTX đã đi đăng ký quyền sở hữu nhãn hiệu. Tháng 9.2011, HTX được trao chứng nhận nhãn hiệu “Rau Đà Lạt” do Cục Sở hữu trí tuệ cấp độc quyền trên phạm vi toàn lãnh thổ Việt Nam.
Không khác công ty lớn
Nhu cầu tiêu thụ tăng cao, HTX Anh Đào bắt đầu triển khai liên kết, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với cả trăm cá nhân, đơn vị khác bên ngoài. Ngoài 132 xã viên với 272ha đất trồng rau, củ, HTX hiện đang liên kết thêm với 150 hộ nông dân bên ngoài với diện tích 80ha nữa. Tất cả đều trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện mỗi năm HTX Anh Đào cung cấp ra thị trường gần 50.000 tấn rau, củ quả ôn đới các loại (trong đó hệ thống Co.opmart chiếm 30%) và xuất khẩu ra nước ngoài từ 4.000 – 5.000 tấn rau củ.
HTX cũng bắt đầu mở thêm chi nhánh, showroom ở TP.HCM và Hà Nội. Doanh thu theo đó cũng tăng lên vùn vụt, từ vài tỷ trong mấy năm đầu, năm 2008 HTX vượt qua con số 100 tỷ đồng rồi 180 tỷ đồng năm 2013 và 223 tỷ đồng năm 2014 (hơn 10 triệu USD). Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm hơn 20%.
Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, HTX Anh Đào là một trong những HTX làm ăn hiệu quả nhất tỉnh, do có mô hình hoạt động, sản xuất và quản lý chuyên nghiệp, không thua gì một công ty lớn. Ngoài các xã viên, HTX hiện có đầy đủ các đội ngũ từ quản lý, marketing, kỹ sư tư vấn kỹ thuật trồng trọt, kế toán… đến sale (bán hàng), phân phối, lao động phổ thông. Tổng cộng khoảng 170 nhân viên và tất cả đều được trả lương, bảo hiểm y tế, xã hội đầy đủ.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn