Lấy mẫu bệnh phẩm để phác họa kháng sinh đồ tại một trại chăn nuôi heo ở Đồng Nai.
Ngành chăn nuôi Việt Nam những năm gần đây đã có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực con giống, dinh dưỡng, kỹ thuật quản lý chăm sóc nuôi dưỡng cũng như phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi. Trong đó, gia cầm và chăn nuôi heo chiếm tỷ trọng lớn trong toàn ngành, đồng thời được tiếp cận với nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật hơn. Tuy nhiên, chăn nuôi heo ở Việt Nam hiện nay vẫn còn rất lạc hậu về năng suất so với thế giới, thể hiện trong tương quan về số lượng heo nái và sản lượng heo thịt xuất chuồng những năm qua.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Hải - Khoa Chăn nuôi (Trường Đại học Nông lâm TP.HCM) cho biết, xu hướng của các nước trên thế giới là giảm đàn heo nái nhưng tăng số lượng heo thịt xuất chuồng, Việt Nam lại đang phát triển theo hướng ngược lại: Tăng đàn heo nái nhưng số heo thịt xuất chuồng lại giảm. Từ năm 2009 – 2011, sản lượng heo thịt xuất chuồng/nái/năm đã giảm gần 100kg, từ 537kg/nái/năm 2009 xuống còn 439/nái/năm 2011. “Điều này mâu thuẫn hoàn toàn với sự du nhập ào ạt những tiến bộ khoa học kỹ thuật, những sản phẩm “mới” của ngành chăn nuôi, thú y vào Việt Nam những năm qua” - ông Hải băn khoăn.
Cũng theo ông Hải, bên cạnh việc năng suất chăn nuôi giảm thì tình trạng dịch bệnh lại gia tăng, liên tục gây hại trên đàn vật nuôi nên tỷ lệ sử dụng thuốc, vaccin phòng, trị bệnh trong chăn nuôi đã tăng lên rất nhiều. “Để giải bài toán lợi nhuận, người chăn nuôi không chỉ lo giảm khâu đầu vào như thức ăn, thuốc… mà còn phải điều chỉnh lại kỹ thuật chăn nuôi, kỹ thuật sử dụng các nguyên liệu đầu vào để tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất” - ông Hải chia sẻ.
Không nên lạm dụng kháng sinh
Trong điều kiện phải chống chọi với nhiều loại dịch bệnh gây hại, nhiều người chăn nuôi đã lạm dụng thuốc thú y, trong đó có các loại kháng sinh để phòng bệnh cho vật nuôi. Việc này không chỉ làm tăng chi phí sản xuất một cách không đáng có, mà còn làm ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm chăn nuôi, do lượng tồn dư kháng sinh cao.
Sử dụng kháng sinh, thuốc thú y đúng cách giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất.
Ông Trần Phú Cường - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bình Dương cho biết, trộn kháng sinh vào thức ăn của vật nuôi có tác dụng phòng bệnh và góp phần tăng trọng cho gia súc, nhiều cơ sở chăn nuôi đã thực hiện phương pháp này trong thời gian dài. Lợi ích từ phương pháp mang lại chưa thấy đâu nhưng hậu quả là góp phần làm tăng chi phí sản xuất và gây hại cho người sử dụng do tồn dư kháng sinh trong sản phẩm, thậm chí tạo ra tình trạng “kháng kháng sinh” rất nguy hiểm.
Tại diễn đàn “Khuyến nông @ Nông nghiệp” với chủ đề Tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất và sử dụng thuốc, vaccin phòng trị bệnh cho vật nuôi, các chuyên gia thuộc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khuyến cáo nông dân tuân thủ hướng dẫn của nhà chuyên môn khi sử dụng thuốc, vaccin, vừa giúp tăng hiệu quả sử dụng thuốc, vừa giảm chi phí giá thành, tăng năng suất sản xuất.
“Khi sử dụng thuốc hay vaccin, người chăn nuôi phải tuyệt đối tuân thủ khuyến cáo của nhà chuyên môn. Các trại chăn nuôi lớn thì phải tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ thuật tiêm, chích, sử dụng thuốc cho vật nuôi. Có như vậy mới giảm thiểu những chi phí vô ích trong chăn nuôi” - ông Hải nhấn mạnh.
“Không chỉ các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ, lẻ lạm dụng kháng sinh mà các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn cũng đang mắc vào lỗi này”. PGS-TS Nguyễn Ngọc Hải |
Còn Giáo sư Vũ Duy Giảng cho biết, nước ta có một nguồn thảo dược dồi dào, phong phú, có tác dụng phòng, trị nhiều bệnh ở vật nuôi như cây bạch tật lệ, gừng, nghệ, atiso… Tuy nhiên, công tác nghiên cứu, sản xuất thuốc thú y từ các loại thảo dược này chưa được chú trọng. Ngoài ra, gần như 100% các phụ gia dùng trong sản xuất TACN trong nước cũng phải nhập khẩu từ nước ngoài. Đây là một sự thiếu sót lớn trong ngành chăn nuôi.
Trao đổi tại diễn đàn, ông Nguyễn Kim Đoán – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, nhiều bà con tin rằng, phải sử dụng thuốc tăng trọng, thuốc kích thích hoặc sử dụng nhiều kháng sinh thì heo nuôi mới đẹp dáng, vai, mông nở, nạc nhiều. “Tuy nhiên, heo nở vai, nở mông một phần là nhờ giống tốt. Kế đến là chế độ dinh dưỡng hợp lý kết hợp những biện pháp kỹ thuật như cho heo thư dãn, phòng, trị bệnh kịp thời chứ không hẳn phải nhờ vào thuốc kích thích” - ông Đoán giải thích.