Hễ nhắc đến IR1820 là người ta nghĩ ngay đến Xuân Lộc, Quang Lộc (Can Lộc), Xuân Trường, Xuân Hội (Nghi Xuân), Thạch Mỹ, Phù Lưu, Mai Phụ, Tân Lộc (Lộc Hà).
Chúng tôi có mặt tại cánh đồng thôn Văn Thịnh, Mỹ Yên ở xã Xuân Lộc (Can Lộc) đúng vào thời điểm bà con xuống cấy giống lúa IR1820. Không khí khá rầm rộ, đồng trên ruộng dưới, những cánh đồng lúa IR1820 nối dài.
Bất chấp chủ trương, IR1820 vẫn tồn tại mặc định trên cánh đồng xã Xuân Lộc
Bà Nguyễn Thị Định, thôn Vân Thịnh cho biết: “Mạ IR1820 được bắc vào cuối tháng 10 âm lịch, đây là giống dài ngày nên cấy trước tiên so với tất cả các loại giống. Nhà tôi làm 5 sào thì sản xuất 2 sào IR1820 còn 3 sào là Thiên ưu 8”.
Khi được đặt câu hỏi có biết chủ trương của tỉnh là xóa bỏ giống lúa dài ngày IR1820 ra khỏi cơ cấu đã nhiều năm nay không, bà Định không hề ngạc nhiên: “Biết chứ, nhưng ở đây người ta làm như thế cả”.
Theo tay bà chỉ, cả vùng đồng mênh mông dễ có đến mấy héc ta đều đã được bà con cấy hoàn thành hoặc đang ra sức đẩy nhanh tiến độ. Cách ruộng nhà bà Định không xa, sào ruộng đầu tiên giống lúa IR1820 cũng được cha con ông Đậu Văn Hường (thôn Mỹ Yên) cấy được nửa phần. Từ bao nhiêu năm nay, nhà có 4 sào ruộng thì cả 4 ông đều sử dụng IR1820 và không có ý định đổi sang loại giống khác.
Ông Hường cho biết: “Năm nào cũng tự để giống để sản xuất, vì ruộng ở đây chua phèn, sâu trũng, gieo giống khác xuống làm sao có ăn được. Với lại, bây giờ chẳng thấy chính quyền nhắc nhở nữa nên cứ thế chúng tôi làm thôi” (?!).
Cứ “đến hẹn lại lên”, giống lúa này vẫn được coi là “bảo bối” của nhiều địa phương…
Ở Thạch Mỹ, Phù Lưu, Mai Phụ (Lộc Hà), thời vụ xuống giống cho trà lúa xuân sớm IR1820 đã bắt đầu từ hơn một tuần trước. Tập quán của địa phương này thường sản xuất sớm hơn lịch thời vụ của tỉnh, nhiều hộ nông dân “đánh lận" IR1820 với trà lúa xuân trung. Nhưng cũng không ít nông dân thật thà khẳng định: “Nếu là thời điểm này (cách đây khoảng hơn 1 tuần - PV) mà cấy thì chỉ có IR1820 thôi. Nhà tôi có vài sào ruộng nằm ở vùng “tử địa”, hôm nay nhiều nước thế thôi chứ ít ngày nữa là khô rang, thế nên phải cấy sớm. Ở khung lịch thời vụ này thì chỉ có cấy lúa xuân sớm.” - ông Lê Tiến Đoan, thôn Hà Ân, Thạch Mỹ cho biết.
Lý giải cho việc “cố thủ” với giống lúa được nhà chuyên môn xét vào diện “bỏ đi” như IR1820, hầu hết bà con đều "viện cớ" là vùng canh tác đặc thù, hoặc sâu trũng, chua phèn, hoặc khô hạn. Thậm chí, một số bà con ở Can Lộc còn biện minh: gạo được thị trường ưa chuộng, giá cao hơn các loại lúa khác… (!?).
Trong khi đó, quan điểm của ngành chuyên môn vẫn nhất quán loại IR1820 ra khỏi cơ cấu. Ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Toàn tỉnh hiện còn khoảng vài chục ha IR1820. Trên thực tế, đối với những đồng đất đặc thù thì không phải chỉ duy nhất giống lúa này mới có thể sản xuất được. Hiện tỉnh không cơ cấu giống lúa này vào bộ giống chủ lực vụ sản xuất vụ xuân, việc tồn tại giống lúa này là do tư duy tập quán của bà con nông dân và sự vào cuộc không quyết liệt của chính quyền địa phương”.
Để làm nên được cuộc cách mạng “nói không với IR1820”, tỉnh đã hao tốn nhiều tỷ đồng, công sức và kể cả sự đánh đổi mất mát. Thế nhưng, sự tồn tại cả IR1820 trên cánh đồng không chỉ là vấn đề đi ngược với chủ trương, mà còn thể hiện sự non yếu trong công tác chỉ đạo và cách làm “đánh trống bỏ dùi” của các địa phương cơ sở!
Theo PV/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn