Ông Vọng chăm sóc đàn vịt của gia đình.
Dẫn chúng tôi tham quan một vòng trang trại rộng 2 mẫu của mình, ông Vọng nhớ lại: “Năm 2003, tôi đổi hết 1 mẫu ruộng của gia đình dồn về khu đồng trũng của thôn. Đồng thời, tôi nhận đấu thầu 1 mẫu đất thùng lầy công ích của xã để đào ao thả cá, trên bờ quây chuồng nuôi lợn, gà, vịt”.
Thời đó, ai cũng cho ông là gàn. Người làng thấy vợ chồng ông rời bỏ chốn đông người dắt nhau vào chốn hoang hóa làm trang trại ai cũng ái ngại, khuyên can đủ đường.
Bỏ ngoài tai mọi “lời ra tiếng vào” ông động viên vợ con quyết tâm thực hiện ước mơ đổi đời. Sau bao ngày mưa nắng vất vả, trang trại của ông dần hình thành với 3 ao cá, trên bờ ông quây chuồng nuôi ngan, vịt.
Không chỉ vậy, vợ chồng ông còn xây chuồng trại kiên cố nuôi lợn nái và lợn thịt để tận dụng nguồn lương thực có sẵn như sắn, ngô, góp phần giảm chi phí đầu tư trong chăn nuôi.
Để chắc chắn thành công, bên cạnh kiến thức chăn nuôi vốn có, ông Vọng còn tích cực tham gia các lớp tập huấn do Hội ND huyện, xã tổ chức.
“Nắm chắc kỹ thuật chăn nuôi nên hơn 10 năm làm trang trại, tôi chưa bao giờ để dịch bệnh xảy ra với vật nuôi của mình” - ông Vọng cho hay.
Nhờ biết cách làm ăn, đến nay gia đình ông Vọng đã có cuộc sống ổn định, kinh tế phát triển bền vững. Mỗi năm ông xuất bán 4 tấn cá, 3.000 con vịt thịt và 10 tấn lợn hơi, trừ chi phí gia đình ông có khoản lãi hơn trăm triệu đồng.
Chia sẻ bí quyết thành công, ông Vọng cho hay: Muốn làm giàu ngoài cần chăm chỉ, kiên trì thì phải có “cái đầu” biết tính toán làm ăn, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong chăn nuôi
Không chỉ chú tâm phát triển kinh tế gia đình, ông Vọng rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội do địa phương phát động, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, trao đổi kinh nghiệm làm ăn với các hội viên hội ND và bà con lối xóm. Ông được nhiều người trong thôn tin yêu, quý trọng.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn