Năm nay bước vào tuổi 65, tỷ phú Phan Kiếm Hiệp nổi tiếng trong vùng là lão nông “gàn” nhưng nuôi, trồng cây, con gì cũng thành công.
Làm đâu thắng đó
Chúng tôi tìm đến nhà ông Hiệp khi gia chủ vừa hoàn thành căn biệt thự kiểu cổ, trị giá trên 6 tỷ đồng. Cạnh đó, gia đình ông còn có ngôi nhà xây kiên cố 3 tầng. Ông hồn hậu nhắc chuyện truân chuyên làm ăn của đời mình: “Năm 1976, tôi rời quân ngũ về quê cưới vợ. Rồi con cái nheo nhóc, khó khăn đủ đường. Đêm nằm suy nghĩ, tôi thấy không thể khá nổi với mấy sào lúa, con heo, bầy gà. Thế là tôi nung nấu tìm cách thoát nghèo”.
Tỷ phú nông dân Phan Kiếm Hiệp chăm sóc gà chọi. Ảnh: HÙNG PHIÊN
Tận dụng mặt bằng và nông sản giá rẻ tại chỗ, ông Hiệp bắt đầu chăn nuôi heo số lượng lớn. Sau ngày đất nước giải phóng, vùng Mỹ Thắng thật hiếm nhà nào như nhà ông, lúc nào trong chuồng cũng có trên 20 heo nái và hàng trăm heo thịt. Chạy vạy kết nối, ông cung cấp heo giống và thịt cho cả tỉnh Bình Định và nhiều tỉnh lân cận. Tiếp đó, dân địa phương lại tròn mắt khi thấy ông “đốt tiền” vào cồn cát ven biển quê nhà để nuôi tôm. Ngày ấy, nuôi tôm trên cát còn khá xa lạ, vậy mà ông nuôi đến 10ha. Quần quật trên cát nóng vừa làm vừa học, kết hợp môi trường sạch, ông thắng liền nhiều vụ và phất lên trông thấy. Kế đó, ông xây dựng hồ để nuôi cá nước ngọt, cá nước mặn; rồi đầu tư vào trang trại cung ứng gà chọi để xuất bán khắp nơi. Không dừng lại, ông lại vác rựa lên rừng làm tiếp 10ha rừng trồng cây lấy gỗ nguyên liệu giấy.
“Cách đây mười năm, giá gỗ nguyên liệu giấy đang xuống thấp. Nhưng tôi hỏi han các đầu mối thấy lĩnh vực này đang có hướng rộng mở. Có cơ hội là tôi làm tới, mặc ai nói gì thì nói. Làm kinh tế phải nhìn cho ra thế mạnh của mình và nhu cầu thị trường. Tôi tự thấy mình như giống gà nòi đất võ, đã xáp trận là chiến đấu tới cùng…” - ông Hiệp cười hào sảng.
Thích chinh phục cái khó
" Cái nổi trội của ông Hiệp là có gan quả quyết, tiên phong làm những mô hình kinh tế khi chưa mấy ai dám làm. Người đi trước thường “5 ăn, 5 thua”, nhưng ông Hiệp luôn thắng nhờ tinh thần cầu tiến, dám bám trụ, kể cả trong những thời điểm tưởng chừng mong manh nhất”.
|
Hỏi ông Hiệp vì sao không thỏa mãn với thành công, mà cứ khổ công đi làm mô hình mới? Ông thật thà thổ lộ: “Cũng do mình có cái máu muốn chinh phục chuyện khó. Với lại ban đầu khi địa phương bàn bạc đưa ra chủ trương phát triển kinh tế, nhiều người cứ ngại khó, cực nhọc…Vậy là tôi xung phong làm trước để khẳng định mình, bà con lấy đó làm theo rồi đời sống khấm khá lên. Đối với nông dân, mình dám làm thì nói mới linh!”.
Theo ông Trần Văn Phá - Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Thắng, với chất “thanh niên tính”, ông Hiệp có mặt nơi nào là nơi đó sôi nổi hẳn lên, nhất là chuyện học hành, phát triển kinh tế. Ở Hội Nông dân xã, ông là hội viên gương mẫu, luôn nhiệt tình chỉ vẽ cho hội viên làm ăn tấn tới. Ở hội khuyến học địa phương, ông xốc vác kêu gọi xây dựng quỹ học bổng; bản thân ông hàng năm đều đóng góp hàng chục triệu đồng. Nhiều năm qua, ở địa phương có ai gặp hoàn cảnh khó khăn, ông Hiệp đều mau mắn giúp đỡ, cho mượn vốn làm ăn.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn