Tàu vỏ thép bị hư hỏng sẽ vươn khơi vào cuối tháng 8/2017
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám tại Hội nghị tổng kết việc thực hiện Nghị định 67 vừa tổ chức tại Hà Nội.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Tính đến ngày 30/6/2017, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 993 tàu (593 tàu vỏ gỗ, 333 tàu vỏ thép và 67 tàu vỏ vật liệu mới), chiếm 92% tổng số hồ sơ đề nghị vay vốn của chủ tàu. Tổng số tiền cam kết cho vay là 9.814 tỷ đồng; giải ngân cho vay theo tiến độ đóng mới, nâng cấp tàu đạt 8.928 tỷ đồng, dư nợ đạt 8.762 tỷ đồng, tăng 14% so với 31/12/2016. Với nguồn vốn này, tính đến 31/7/2017 đã có 761 tàu cá đóng mới đi vào hoạt động, trong đó có 301 tàu vỏ thép, 53 tàu composite, 407 tàu vỏ gỗ đóng mới và 105 tàu cá nâng cấp đi vào hoạt động sản xuất.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng thừa nhận, trong quá trình thực hiện Nghị định 67, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần được khắc phục.
Cụ thể, các hạng mục đầu tư từ nguồn vốn NSNN cho cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão chưa đồng bộ; do lần đầu triển khai đóng tàu vỏ thép nên ngư dân còn lúng túng chọn chọn cơ sở đóng tàu, tư vấn thiết kế và công tác giám sát thi công; công tác đăng kiểm còn thiếu về nguồn lực, yếu về trình độ. Một số tàu vỏ thép của ngư dân bị rỉ sét nặng phần vỏ, máy tàu bị hư hỏng, trang thiết bị khai thác, hàng hải hoạt động kém, gây thiệt hại cho ngư dân, ảnh hưởng lớn đến chính sách của Đảng và Nhà nước. Theo thống kê, đã có 40 tàu đóng mới theo Nghị định 67 của ngư dân Bình Định, Phú Yên, Thanh Hóa, Quảng Nam,... bị hư hỏng.
“Hiện, các tàu vỏ thép bị hư hỏng đã được các cơ sở đóng tàu, ngư dân và các đơn vị liên quan tiến hành khắc phục, sửa chữa theo quy định, dự kiến đến cuối tháng 8/2017 hoàn thành và tiếp tục đi vào hoạt động”, ông Tám khẳng định.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu: "Các bộ, ngành và các địa phương phải khắc phục ngay những hạn chế tại Nghị định 67 diễn ra thời gian qua. Đồng thời, sớm hoàn thiện sửa đổi Nghị định cho phù hợp, triển khai dễ dàng hơn, hiệu quả hơn... để có thể ban hành ngay trong quý IV này áp dụng được vào đầu năm 2018".
Long An: Khẩn trương bảo vệ vụ hè thu do lũ sớm
Long An đang khẩn trương cứu lúa hè thu.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Long An, nước lũ về sớm hơn mọi năm đe dọa hơn 100.000 ha lúa hè thu, chủ yếu ở các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường; trong đó, khoảng 20.000 ha lúa hè thu có nguy cơ mất trắng hoặc giảm năng suất. Địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất là ở Tân Hưng khoảng 5.000 ha, Vĩnh Hưng gần 8.000 ha, Mộc Hóa hơn 5.000 ha và Kiến Tường trên 2.000ha.
Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Long An, cho biết, Sở phối hợp chặt chẽ với chính quyền huyện và thị xã thuộc vùng Đồng Tháp Mười thực hiện biện pháp cấp bách bảo vệ hơn 100.000 ha lúa hè thu. Cơ quan này tham mưu UBND tỉnh Long An yêu cầu UBND các huyện và thị xã thuộc vùng Đồng Tháp Mười rà soát diện tích sản xuất lúa hè thu và thu đông, có kế hoạch thi công, gia cố khẩn trương tuyến đê bao lửng bảo vệ lúa. Về lâu dài, vận động nông dân không gieo sạ tại những nơi không có đê bao an toàn để tránh thiệt hại...
Ông Phạm Văn Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An chỉ đạo, các huyện và thị xã Kiến Tường thuộc vùng Đồng Tháp Mười kiểm tra các trạm bơm tiêu úng bảo vệ khu dân cư, các tuyến đê bao, bờ bao ngăn lũ; tiến hành gia cố, duy tu, sữa chửa kịp thời các khu vực xung yếu để bảo vệ sản xuất và người dân. Các huyện và thị xã đẩy nhanh thi công các công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai và có phương án bảo đảm an toàn công trình và người dân trong đợt lũ này. Dòng chảy được khơi thông, phá bỏ chướng ngại vật cản trở việc tiêu thoát lũ trên các dòng kênh, rạch để không bị úng nước cục bộ gây lũ tràn đồng ruộng.
Xuất khẩu gạo nếp sang Trung Quốc có dấu hiệu chững lại
Theo thông tin từ các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo ở ĐBSCL, xuất khẩu gạo nếp sang Trung Quốc đang có dấu hiệu chững lại, do nước này thay đổi chính sách thuế nhập khẩu lương thực.
Bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực - Thực phẩm Long An, cho biết, gần một tuần nay xuất khẩu gạo nếp của các doanh nghiệp sang thị trường Trung Quốc bắt đầu chậm lại. Giá gạo nếp cả về xuất khẩu và nội địa đều đang có xu hướng giảm. Cụ thể, cách đây một tuần, giá gạo nếp bán giá 460 - 470 USD/tấn thì nay chỉ còn từ 420-430 USD/tấn. Giá gạo nếp nội địa theo đó cũng có xu hướng giảm mạnh từ 10.800-11.200 đồng/kg xuống còn 10.400 đồng/kg.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, sở dĩ xuất khẩu gạo nếp sang Trung Quốc chậm lại là do nước này thay đổi chính sách nhập khẩu đối với loại gạo này, khiến gạo nếp của Việt Nam lại bị ép giá và ít doanh nghiệp hỏi mua. Theo ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Cty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), trước đây, gạo nếp nhập khẩu vào Trung Quốc được áp dụng hạn ngạch (quota) nhập khẩu đối với loại gạo hạt ngắn ở mức 20 USD/tấn, cộng với 1% thuế lương thực. Tuy nhiên, mới đây nước này lại ra quy định gạo nếp nhập khẩu phải mua quota hạt dài, lên mức 110 USD/tấn và vẫn đóng thuế 1%. Trong trường hợp doanh nghiệp không mua quota thì phải đóng 65% thuế nhập khẩu.
Sẽ cấm dùng kháng sinh trong chăn nuôi theo lộ trình. Ảnh: nongnghiep.vn.
Trao đổi với chúng tôi bên lề Hội nghị chính thức triển khai kế hoạch hành động quốc gia về quản lí sử dụng kháng sinh và phòng chống kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản do Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp USAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ) và Tổ chức Nông - Lương Liên hợp quốc (FAO) tổ chức chiều 2/8 tại Hà Nội, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương chia sẻ, sau khi ngành chăn nuôi ra quân thanh, kiểm tra xử lí chất cấm đạt được kết quả to lớn khi cơ bản chấm dứt vấn nạn nan giải này, thì giai đoạn tiếp theo chính là quản lí kháng sinh trong chăn nuôi.
“Quản lí kháng sinh cũng quan trọng không kém gì quản lí chất cấm. Bởi đây là nhiệm vụ quan trọng quyết định đến chất lượng cũng như sự an toàn của sản phẩm chăn nuôi nước ta trong tương lai. Bởi một trong những điều kiện vô cùng quan trọng là, nếu muốn xuất khẩu được sản phẩm chăn nuôi sang các nước phát triển nhất thiết phải quản lí, kiểm soát được dịch bệnh, các chất kháng sinh”, theo ông Nguyễn Xuân Dương.
Kết quả của một nghiên cứu tại Đan Mạch cho thấy, nếu dừng sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi để kích thích sinh trưởng sẽ giảm nguy cơ vi sinh vật kháng thuốc. Đặc biệt, Mỹ công bố phát hiện một loại vi khuẩn trên người kháng Colistin, là một trong những kháng sinh được cho là mạnh nhất. Do đó, Ngày sức khỏe thế giới năm 2011, WHO đã chọn chủ đề liên quan đến việc dùng kháng sinh.
"Châu Âu chính thức cấm sử dụng kháng sinh trong TĂCN từ tháng 1/2006. Trước khi cấm các danh mục kháng sinh dùng chung cho cả vật nuôi và con người, các cơ quan chức năng của châu Âu có lộ trình cảnh báo cũng như đưa ra một số định hướng thay thế kháng sinh để các doanh nghiệp và người chăn nuôi không rơi vào thế bị động. Nói cách khác cấm hoặc hạn chế cần theo lộ trình, chứ không thể đột ngột.
Với nước Mỹ, họ bắt đầu bằng việc có lộ trình giảm dần số loại thuốc kháng sinh rồi tiến tới cấm toàn bộ. Hiện, Mỹ chỉ còn cho phép sử dụng các loại kháng sinh không thuộc nhóm kháng sinh con người sử dụng. Do đó, việc Việt Nam bắt đầu hạn chế kháng sinh từ năm 2018 và tiến tới chấm dứt sử dụng kháng sinh vào 2020 theo tôi là thời điểm rất thích hợp", TS.Phạm Kim Đăng, Khoa Chăn nuôi (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) nhấn mạnh.
Khánh Nguyên (tổng hợp)/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn