Do thời tiết rét đậm vào đúng thời điểm nông dân miền Bắc xuống đồng gieo sạ và cấy, nên ở nhiều nơi đã xảy ra hiện tượng mạ chết, buộc nông dân phải làm đất gieo cấy lại.
Nhà cấy 1 mẫu ruộng, anh Bùi Văn Thuần ở thôn Hạ, xã Hồng Phong (Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết: Diện tích lúa mới cấy của thôn bị chết rét khá nhiều, có nhiều hộ cấy mạ non bị chết đến 50 - 60%. Riêng nhà tôi, lúa bị chết rét cũng đã lên đến 3 sào. Anh Thuần cho biết, theo thông báo của xã thì còn hơn 10 ngày nữa mới hết đợt cấy, nên anh đã tìm mua hơn 4kg lúa giống về để ngâm ủ, chuẩn bị gieo mới, hy vong sẽ cấy kịp vụ.
Bà con nông dân ở huyện Phù Cừ (Hưng Yên) phải gieo lại, cấy lại những diện tích lúa bị chết.
Ghi nhận của phóng viên NTNN tại một số xã như Văn Tố, Tiên Động, Quang Trung… của huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) cho thấy, tình trạng lúa mới cấy bị chết rét tương đối nhiều. Anh Đặng Văn Hưng ở Tứ Kỳ (Hải Dương) cho biết: Vụ chiêm xuân năm 2014, nhà tôi cấy xong 5 sào, nhưng do thời tiết rét quá đã làm chết mất 40%, đang không biết lấy mạ đâu mà cấy bù vào đây...
Cùng thôn với nhà anh Hưng, anh Trần Văn Hậu cho hay: “Thời tiết năm nay khắc nhiệt, làm khổ nông dân chúng tôi quá, nhà tôi đã cấy xong gần 3 mẫu, đang mừng thì giờ ra kiểm tra ruộng thấy nước trắng băng, còn lơ thơ vài cây lúa nữa mà như đứt từng khúc ruột”. Anh Hậu cho biết thêm: Diện tích lúa chết của nhà tôi đã lên đến 1,4 mẫu, chiếm 50% diện tích. Hiện, tôi đang tính sẽ đi mua lúa giống về vãi bù lên những chỗ lúa bị chết.
Tại Hà Nam, diện tích thiệt hại ước khoảng 10 - 15%, tương đương vài nghìn ha, chủ yếu là diện tích gieo sạ và cấy mạ nhổ trước tết. Trong đó huyện Bình Lục, Lý Nhân, Kim Bảng… có số thiệt hại lớn. Ông Tống Đức Du - Trưởng phòng NNPTNT huyện Bình Lục cho biết: “Huyện gieo cấy khoảng 8.100ha lúa chiêm xuân, hiện có khoảng 15% diện tích bị ảnh hưởng, chết do rét, tương đương hơn 1.000ha”.
Tại tỉnh Bắc Giang cũng có khoảng 3.000 - 4.000ha lúa bị ảnh hưởng, chết do rét, hiện tỉnh đã liên hệ với các công ty lúa giống để cung cấp hạt giống cho người dân gieo mạ cấy lại. Ông Nguyễn Thế Huy - Trưởng phòng NNPTNT huyện Tân Yên thông tin, do đa số diện tích lúa của huyện được cấy trước tết, sau tết gặp đợt rét đậm, rét hại nên ảnh hưởng rất lớn, với khoảng 1.000ha.
Ông Trần Xuân Định- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay, là hầu hết các công ty giống đều đã hết thóc giống, vì vậy người dân buộc phải dùng thóc thịt để gieo cấy vào những diện tích bị thiệt hại. “Tình huống bất khả kháng là phải dùng thóc thịt làm thóc giống, nhưng thóc thịt bây giờ cũng tương đối thuần, nên cũng đỡ lo...” - ông Định nói.
Theo danviet.vn