Giúp đồng bào thoát nghèo bền vững
Là một trong những hộ đi đầu trong sản xuất tại địa phương, ông Danh Sóc Kha (dân tộc Khmer, ấp Phônô Camphôt, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ: “Nhờ được Nhà nước cho vay vốn, tôi có điều kiện xây chuồng, đầu tư bò giống. Từ chỗ chỉ biết canh tác manh mún, đời sống khó khăn, giờ đây tôi đã tiếp cận kỹ thuật nuôi bò, thu nhập gần 100 triệu đồng/năm”.
Mô hình nuôi bò sữa giúp giảm nghèo bền vững ở huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng. Ảnh: C.L
Theo số liệu thống kê từ Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn vùng còn 3,54%; tỷ lệ nghèo trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2011-2015 giảm từ hơn 33% xuống còn 13%.
|
Còn anh Danh Điều (ấp 10, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) phấn khởi: “Bà con chúng tôi ở đây luôn được địa phương quan tâm, được hỗ trợ trâu để phát triển chăn nuôi, được cán bộ ở địa phương hướng dẫn mô hình làm ăn có hiệu quả. Nhờ đó, cuộc sống cũng từng bước ổn định hơn… Năm 2015, gia đình tôi đã được công nhận thoát nghèo bền vững”.
Theo ông Nguyễn Văn Thể - Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, phát huy lợi thế về đất đai và khí hậu, Sóc Trăng đã triển khai và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả, đã tạo thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ, trong đó, không ít hộ vươn lên làm giàu. Nhờ thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, mỗi năm, Sóc Trăng có gần 3.000 hộ thoát nghèo bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh xuống còn dưới 16%.
Cần làm tốt bài toán chính sách
Dù tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể qua nhiều năm, song nhiều chuyên gia và lãnh đạo các địa phương vùng Tây Nam Bộ cho rằng, phần lớn hoạt động sản xuất của bà con còn nhỏ lẻ, mặt bằng dân trí và chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; các chính sách hiện nay có thời gian triển khai ngắn, không phù hợp với trình độ dân trí và đặc điểm vùng nên thiếu tính bền vững.
Theo ông Trần Quốc Thẻo - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Kết quả đạt được từ việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh vẫn chưa bền vững khi nhiều hộ thoát nghèo nhưng còn ở ngưỡng cận nghèo, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Tốc độ giảm nghèo các địa phương không đồng đều, có nơi tỷ lệ giảm nghèo rất thấp, một số xã chỉ giảm 0,1-0,2%...”.
Ông Thạch Mu Ni - Phó vụ Trưởng Vụ Dân tộc - Tôn giáo, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đánh giá: “Nhìn chung công tác phối hợp tổ chức thực hiện ở các cấp đôi lúc chưa được thường xuyên, nhất là công tác kiểm tra, giúp đỡ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc”.
TS Võ Công Nguyện - Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ đề xuất: Để thực hiện tốt bài toán chính sách thì vấn đề cơ bản vẫn là triển khai thực hiện những kế hoạch, dự án nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ người dân tộc Khmer hiện có và tạo nguồn cho tương lai. Quan trọng nhất là nâng cao nhận thức của đồng bào về vai trò của tri thức, của khoa học công nghệ trong cuộc chiến chống đói nghèo…
Ngọc Quyên
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn