Vải thiều Việt Nam đã được phía Mỹ cho phép xuất sang nước này.
Nông dân hồ hởi
Sáng 9.9, ông Võ Đông A ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre tỏ ra rất vui mừng khi biết tin nhãn và vải được phép xuất vào Mỹ: “Mấy năm nay chúng tôi trồng nhãn chủ yếu bán cho thương lái nên giá cả rất bấp bênh. Có lúc nhãn thu hoạch rộ mà bị thương lái ép giá còn có 8.000 - 9.000 đồng/kg, trong khi bình thường phải là 20.000 đồng/kg nhãn xuồng cơm vàng. Nay nghe tin nhãn được xuất vào Mỹ, chúng tôi rất mừng vì có thêm một kênh tiêu thụ, giá sẽ ổn định hơn, lợi nhuận từ đó cũng sẽ cao hơn”.
Hiện tại ĐBSCL có trên 41.000ha nhãn các loại, tập trung trồng nhiều ở các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp… với sản lượng bình quân hàng năm trên 615.000 tấn. Ngoài ra nhãn còn được trồng ở khắp cả nước ra từ Nam ra Bắc với nhiều loại nổi tiếng như nhãn lồng Hưng Yên, nhãn xuồng cơm vàng Bà Rịa – Vũng Tàu, nhãn Huế, nhãn tiêu, nhãn da bò...
Ông Thomas P. Sutton - chuyên gia cao cấp về kiểm dịch thực vật của Bộ Nông nghiệp Mỹ, từng chia sẻ với phóng viên báo NTNN là mặc dù ở Mỹ cũng có trồng và nhập về nhãn, vải của các nước khác nhưng ông vẫn mê nhất trái nhãn của Việt Nam vì nó ngon hơn hẳn nhãn của các nước khác.
“Ngoài thanh long, chôm chôm, nhãn và vải thì quả vú sữa sẽ có tiềm năng rất lớn trong việc thâm nhập vào thị trường Mỹ. Vì nó chưa được trồng ở Mỹ cũng như chưa có một nước nào xuất khẩu loại trái này vào đất nước chúng tôi. Trái vú sữa ăn rất ngon, tôi và các bạn Mỹ của tôi đều công nhận như thế. Tôi tin chắc nó sẽ hấp dẫn được công chúng Mỹ. Ngoài ra, trái xoài của các bạn cũng rất có tiềm năng” – ông Thomas đánh giá.
Theo TS Nguyễn Hữu Đạt - Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (thuộc Cục Bảo vệ thực vật), sau khi Mỹ cho phép thì phía Cục Bảo vệ thực vật đang gấp rút hoàn thành các khâu cuối cùng để 2 loại trái cây nhãn, vải nhanh chóng vào đất nước hiện có hơn 300 triệu dân này. Cụ thể là hoàn tất bản đồ liều lượng chiếu xạ cho từng loại trái và xây dựng, lên danh sách vùng trồng, nhà máy đóng gói đạt chất lượng cho phía Mỹ cấp mã số vùng trồng và nhà máy đóng gói.
“Điều kiện để được cấp mã số vùng trồng xuất đi Mỹ cũng giống như chôm chôm, thanh long là tối thiểu phải có tiêu chuẩn VietGAP. Vải thiều chỉ tập trung ở phía Bắc, còn nhãn có khắp đất nước ta nên chúng tôi sẽ xem xét kỹ những vùng trồng đạt chất lượng để đề xuất cho phía Mỹ cấp mã số” – ông Đạt cho biết.
Vải thiều đã sẵn sàng sang Mỹ
Tuy nhiên để nhãn, vải đạt đủ tiêu chuẩn xuất sang Mỹ không phải là điều dễ dàng. Bộ Nông nghiệp Mỹ đã liệt kê 16 loại sâu, côn trùng, nấm có thể có trong vải tươi và 17 loại có thể có trong nhãn tươi mà phía Việt Nam phải loại bỏ thông qua phương pháp chiếu xạ. Mỗi lô hàng khi xuất đi phải có giấy chứng nhận của Cục Bảo vệ thực vật, đảm bảo là không có dịch bệnh.
Trao đổi với NTNN, ông Trần Quang Tấn - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, cho biết: “Chúng tôi cũng rất phấn khởi khi nhận được thông tin vải thiều được xuất sang Mỹ. Dù biết là những yêu cầu của Mỹ rất khắt khe nhưng khó đến mấy cũng phải quyết tâm làm cho bằng được, bởi nếu xuất được vào thị trường khó tính này sẽ mở ra cơ hội tiêu thụ sản phẩm vải ổn định với thu nhập cao hơn cho bà con. Hiện người dân Lục Ngạn đã xác định vải là cây trồng chủ lực nên trình độ canh tác và ý thức sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng được nâng cao”.
Theo ông Tấn, hiện huyện Lục Ngạn có 8.500/16.000ha vải thiều áp dụng quy trình VietGAP và phấn đấu đến năm 2015 sẽ đạt 10.000ha có VietGAP. Mới đây huyện Lục Ngạn cũng xuất 10 tấn vải sang Nhật Bản để phía Nhật Bản nghiên cứu công nghệ tế bào, giúp vải thiều đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mà vẫn giữ được mẫu mã, màu sắc trong vòng 2 năm. Tiêu chuẩn này nếu thành công cũng đảm bảo xuất khẩu vào thị trường Mỹ thuận lợi hơn.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Lực – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà (Hải Dương) cũng cho biết, vải thiều Thanh Hà đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, huyện đang đẩy mạnh phát triển diện tích vải trồng theo tiêu chuẩn VietGAP để tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ…
“Chúng tôi đang phối hợp với Sở KHCN, Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương triển khai thí điểm hỗ trợ người dân với diện tích 1.000ha từ khâu sản xuất đến thu hoạch, chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính như Mỹ” - ông Lực nói.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn