Vườn lan huyền thoại của “Người đẹp quý bà” giữa Sài Gòn
Với vẻ đẹp dịu dàng, vóc dáng khả ái nên nhiều người gọi là chị với cái tên mĩ miều là “Hoa hậu quý bà”. Còn giới trồng lan trong nước đều biết đến người phụ nữ trẻ có biệt danh Huyền “lan” ở Sài thành. Mọi người biết đến chị - tên đầy đủ là Đặng Lê Thị Thanh Huyền - không chỉ vì sự thành công trong nghề trồng lan, thu bạc tỷ mỗi năm, mà còn cảm phục vì sự quyết tâm, yêu nghề của chị lại dựng nên một “Vườn lan huyền thoại” rộng đến 8ha.
Chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền – Chủ nhân vườn lan Huyền thoại. Ảnh: T.Đ
Chục năm trước, chị Huyền chỉ biết “cát, đá và xi măng”. Nhưng cái nghề bán vật liệu xây dựng không cản nổi sự đam mê hoa lan và ước mơ sở hữu một vườn lan của chị. Sau một buổi tiếp cận vườn lan từ sự giới thiệu của ngành nông nghiệp địa phương, chị bắt đầu khởi nghiệp trồng lan với hơn 1.000 gốc lan mokara.
Kiến thức, kinh nghiệm về “cát, đá và xi măng” không thể giúp chị Huyền thắng được căn bệnh thối rễ, thối đọt và đốm lá trên hoa lan ở những ngày đầu bước vào nghề trồng lan. Nhìn những luống lan chết hàng loạt, chị bảo “không cầm được nước mắt”.
Ấy vậy mà, việc liên tiếp những luống lan ngã gục vẫn không hạ gục quyết tâm và sự đam mê của người phụ nữ nhỏ nhắn. 4 năm đánh vật với các căn bệnh quái ác trên hoa lan, chị Huyền “lan” đã nắm vững kiến thức trị các căn bệnh này.
Bằng tình yêu và sự đam mê kì lạ với loài hoa lan đến nay chị Huyện đã gây dựng nên “Vườn lan Huyền thoại” với diện tích 8ha. Ở giữa Sài Gòn phồn hoa, đây một diện tích đất mà nhiều người trồng lan nghe đến đã phát choáng. Tại vườn lan Huyền thoại, có khoảng 200.000 gốc lan mokara và hơn 10.000 gốc lan Denrobium. Theo tính toán của chị Huyền, bình quân mỗi năm doanh thu của trang trại lan này khoảng vài tỷ đồng.
Không chỉ bán lan cắt cành, vài năm nay chị Huyền “lan” đã triển khai dịch vụ trang trại lan kết hợp du lịch. Trang trại hoa lan Huyền thoại cũng đã trở thành điểm thực nghiệm cho bà con nông dân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc hoa lan. Chị Huyền sẵn sàng hỗ trợ các hộ nông dân về kỹ thuật, giống và kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc loài hoa này.
Chỉ nuôi gà thành thành tỷ phú nghìn đô
Đó là bà Nguyễn Thị Thêu ở Vĩnh Phúc. Với trang trại chăn nuôi gà thịt, gà giống rộng 9ha, doanh thu năm 2016 của bà Thêu đạt 45 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 10 tỷ đồng. Bà Thêu cũng là nữ Nông dân Việt Nam xuất sắc 30 năm Đổi mới có thu nhập cao nhất.
Bà Nguyễn Thị Thêu, ở xã Bình Định (Yên Lạc – Vĩnh Phúc) thăm kiểm tra chuồng gà bố mẹ. ảnh: VT
Bà Thêu cho biết, năm 1998, cuộc sống gia đình bà gặp rất nhiều khó khăn, đất đai chật hẹp. Sau nhiều đêm bàn bạc, vợ chồng bà đã quyết định rời xã Bình Định lên xã Kim Long thuê đất làm trang trại. Lúc đầu gia đình bà thuê một quả đồi hơn 10ha, sau một thời gian chăn nuôi, tích lũy được ít vốn, gia đình bà đã mua lại toàn bộ diện tích này.
“Khi về đây, điều kiện tài chính còn hạn hẹn, nên gia đình chỉ dám nuôi 2.000 con gà đẻ trứng và vài chục con gà thịt. Lãi được lứa nào, tôi lại đầu tư vào đàn thêm. Cứ vậy sau vài năm, gia đình đã có đàn gà đẻ trứng lên đến 30.000 – 40.000 con” – bà Thêu cho biết.
Trang trại đang phát triển thì tỉnh Vĩnh Phúc triển khai xây dựng Khu công nghiệp Tam Dương và trang trại của gia đình bà đã không may “dính” vào quy hoạch. Thế là trang trại của bà Thêu bị thu hồi. Gia đình loay hoay đi thuê khắp mơi để gửi gà. Sau khi đàm phán, huyện, tỉnh đồng ý cho bà Thêu thuê lại một quả đồi, cách trang trại cũ khoảng 1km, rộng khoảng 9 ha.
“Gia đình tôi lại bắt tay vào san đồi, hạ mặt bằng để làm chuồng. Lúc đầu gia đình xây 4 khu chuồng, mỗi chuồng khoảng 1 vạn gà, để “đón” đàn gà đang gửi về. Được cái khu đồi này tách biệt với khu dân cư, nên việc kiểm soát dịch bệnh cũng tốt hơn…” – bà Thêu chia sẻ.
Mỗi năm, gia đình bà Nguyễn Thị Thêu san ủi và làm thêm vài chuồng nuôi gà và đến nay đã có tới 16 chuồng kín và 6 chuồng hở. Trung bình mỗi chuồng chi phí đầu tư khoảng 900 – 1 tỷ đồng, với tổng đầu gà bố mẹ lên đến 9 vạn con. Theo bà Thêu, gia đình bà xây dựng chuồng trại theo mô hình của Đức. Từ hệ thống làm mát, quạt gió, cho đến hệ thống lọc nước đều theo đúng quy chuẩn của Đức.
Hiện trung bình mỗi tháng trang trại cung cấp ra thị trường khoảng 5 vạn con gà giống và khoảng 10.000 quả trứng. Trang trại tiêu thụ khoảng 9,5 tấn cám/ngày và đang tạo việc làm cho 66 lao động phổ thông, với lương 4 – 6 triệu đồng/người/tháng và 4 kỹ sư chăn nuôi, lương 10 – 12 triệu đồng/người/tháng.
Từ 2 con lợn làm làm vốn, phụ nữ người Tày thành đại tỷ phú, cho con du học Úc
Bỏ nghề giáo viên đi nuôi heo
Tỷ phú heo” hay “Triều tỷ phú” là biệt hiệu mà bà con thân thương gọi bà Lành Thị Triều (SN 1961, xã Bảo Quang, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai), người phụ nữ gây dựng nên trang trại heo VietGAHP quy mô nhất, nhì tỉnh Đồng Nai từ tay trắng.
Năm 2014, trang trại của bà Lành Thị Triều được công nhận trang trại VietGAHP đầu tiên của tỉnh Đồng Nai.
Bà Triều cho biết, mình là người dân tộc Tày, làm giáo viên ở tỉnh Bắc Giang nhưng thường xuyên phải “vọng phu” khi chồng bà công tác tận Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Năm 1989 bà quyết định dắt con theo chồng vào Nam lập nghiệp, “dù lúc ấy mình không muốn bỏ nghề” - bà Triều nhớ lại.
Gần chồng nhưng cuộc sống chật vật hơn với 4 miệng ăn khi lương công nhân ba cọc ba đồng của chồng không đủ nuôi gia đình. Tình thế buộc “cô giáo Triều” ngày nào phải bươn chải. “Tôi nhớ, năm 1992, tôi mua về 2 con heo nái cùng chồng tận dụng khoảng trống ở nhà bếp quây thành chuồng để nuôi. Nhà ở tập thể nên nhiều lúc rất sợ mùi phân heo phiền đến hàng xóm, hai vợ chồng thường xuyên ngồi canh khi heo thải phân là dội nước quét ngay. Cực nhất là mỗi lần xuất chuồng bán heo, phân heo rải từ bếp ra tới nhà, tiếng kêu eng éc vang cả xóm. Nhưng bà con cũng thông cảm vì cùng chung cảnh nghèo” - bà Triều kể lại thời khắc khổ.
Nhờ sự cần cù, từ hai con heo ban đầu, dần dần bà xuất chuồng mỗi năm được 4 tấn heo thịt. Đến năm 2001, bà dồn toàn bộ tiền đầu tư lên chuồng nuôi heo nái với 150 con và 300 con heo thịt. Cứ thế, lãi mùa trước lại dồn đầu tư mở rộng chuồng trại, tăng đàn cho mùa sau khiến trang trại của bà ngày càng “phình to” về quy mô và số lượng.
Đến năm 2014 trang trại của nông dân Lành Thị Triều là trang trại đầu tiên ở Đồng Nai được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAHP. Nhờ chứng nhận này mà heo của bà đã được thương lái mua với giá cao và ổn định. “Những năm giá cao, tôi xuất chuồng bán heo thịt và cả heo giống thu về lợi nhuận khoảng 7,2 tỷ đồng/năm sau khi đã trừ chi phí. Những đợt khủng hoảng giá heo thời gian gần đây thì giá bán của tôi vẫn thu về đủ vốn nhờ vào thương hiệu heo sạch VietGAHP và uy tín của mình” - bà Triều cho biết.
Làm từ thiện, cho con du học nhờ nuôi heo
Với diện tích trang trại 10 ha, nuôi 300 heo nái, 3.000 heo thịt, Bà Triều nhẩm tính theo giá thị trường hiện nay, trang trại trị giá 50 tỷ đồng. Để trở thành tỷ phú với khối tài sản 50 tỷ đồng hôm nay, ít ai được biết ngoài những bươn chải đầy khó khăn, nông dân Lành Thị Triều từng suýt buông xuôi tất cả khi dính phải căn bệnh ung thư vú.
Với những thành tích nổi bật, Bà Lành Thị Triều là 1 trong 87 Nông dân Việt Nam xuất sắc 30 năm Đổi mới được tôn vinh trong chương trình "Tự hào Nông dân Việt Nam 30 năm Đổi mới" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì tổ chức tối ngày 14.10, tại Hội trường Bộ Quốc phòng, Hà Nội.
“Năm 2009 tôi bị phát hiện ung thư vú phải đi hóa trị ở TP.HCM. Khi đó, cả nhà bỏ hết việc ở trang trại để lên chăm lo cho tôi. Mọi việc ở trang trại giao hết cho em gái, nhưng nằm bệnh mà lo ngay ngáy cho đàn heo khiến nhiều khi chồng con phật ý “người chưa lo lại đi lo cho heo”. Đó là lúc tôi nghĩ khó vượt qua, muốn buông xuôi. May mà tai qua nạn khỏi” - bà Triều thổ lộ.
Cùng với thăng trầm của nghề nuôi heo, cũng như từng trải qua những ngày tháng nghèo khổ, bà Triều luôn đồng hành và chia sẻ với người nghèo, không may.
Nói về việc làm từ thiện, bà không tự hào mà coi như là nghĩa tình xóm làng. Còn điều bà tự hào nhất là cô con gái út (SN 1994), đang theo du học ở Úc. “Cháu tốt nghiệp đại học ngành thiết kế nội thất, nhưng lại bỏ nghề để quyết định theo giúp mẹ trong việc chăn nuôi. Trước cháu theo học tiếng Anh ở Singapore. Giờ đang đi Úc học về lĩnh vực dinh dưỡng chăn nuôi. Mục đích mà cháu nói với tôi là để sau này về giúp tôi trong việc chế biến thức ăn gia súc cho trang trại. Như vậy là tôi yên tâm khi đã có người nối dõi nghề của mình” - bà Triều khoe với niềm hân hoan.
Theo Đức Thịnh (Danviet.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn