Khi ngư dân thờ ơ với bảo hiểm
Gia đình ông Lê Hồng Ngọ (xóm Hội Thủy, Xuân Hội, Nghi Xuân) hiện có 10 chiếc tàu công suất trên 300 CV thường xuyên hoạt động cách bờ biển 60 hải lý (khoảng 110 km). Điều đáng nói là hơn 50 thuyền viên và tất cả các tàu cá đều không tham gia một loại bảo hiểm nào.
Theo ông Ngọ, mặc dù biết nghề đi biển rất nguy hiểm và nhiều rủi ro, nhưng tất cả ngư dân vẫn không muốn mua bảo hiểm vì chưa thấy lợi ích. Theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn xã Xuân Hội hiện có 123 tàu cá, trong đó 27 tàu có công suất trên 320 CV, với khoảng 1.000 lao động. Tất cả số tàu thuyền này đều không mua bảo hiểm thân, vỏ và bảo hiểm tai nạn thuyền viên.
Đi biển là một nghề nguy hiểm, rủi ro cao, trong khi đó, các chính sách, chế độ hỗ trợ ngư dân vẫn còn hạn chế. |
Việc không tham gia các loại bảo hiểm đối với nghề đi biển cũng đã làm nhiều gia đình trở nên khốn đốn khi không may gặp nạn. Gia đình anh Nguyễn Văn Trọng (xóm Phú Mậu, xã Thạch Bằng, Lộc Hà) là một ví dụ điển hình. Để giải quyết việc làm cho các thành viên trong gia đình và tăng nguồn thu nhập, gia đình anh mạnh dạn đầu tư gần 500 triệu đồng để sắm sửa tàu đánh cá với công suất 16 CV. Trong một lần ra khơi gần đây, vì trời sương mù, tàu va phải đá ngầm, gây thiệt hại khá lớn về kinh tế. Tuy vậy, khi được hỏi về việc tham gia các loại bảo hiểm nghề đi biển để giảm thiểu rủi ro cho ngư dân thì anh Trọng vẫn quả quyết: “Nếu cứ tiếp tục thế này thì chúng tôi không muốn tham gia các loại bảo hiểm, dù biết là rất cần thiết, nhưng thủ tục hồ sơ quá phức tạp và rườm rà, khó nhận được tiền hỗ trợ từ công ty bảo hiểm nếu xảy ra sự cố. Thực ra, chúng tôi rất ít nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Chúng tôi rất cần những chế độ, chính sách hỗ trợ cho ngư dân”.
Không riêng Xuân Hội hay Thạch Bằng mà tất cả các xã ven biển trên địa bàn các huyện: Nghi Xuân, Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh thì tình trạng ngư dân thờ ơ đối với các loại bảo hiểm nghề đi biển là khá phổ biến.
Cần một chính sách hỗ trợ tốt hơn
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tông Thắng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hà Tĩnh cho biết: “Ở tỉnh ta, các tàu cá chủ yếu nhỏ, đánh bắt gần bờ nên ngư dân còn chủ quan. Người dân thấy chi phí bảo hiểm khá cao nên không muốn đóng. Lao động tại các tàu thuyền chủ yếu làm tự do, giữa chủ tàu và các thuyền viên không có hợp đồng lao động nên các chủ tàu cũng không mua bảo hiểm cho các thuyền viên. Mặt khác, khi xảy ra sự cố đáng tiếc thì người dân khó nhận được bảo hiểm. Họ đang lênh đênh trên biển thì làm sao có những hình ảnh, bằng chứng chứng minh là họ đang gặp sự cố. Ngoài ra, các tàu cá ở tỉnh ta thường được đóng theo kiểu dân gian, truyền thống, hay sử dụng máy cũ nên để thẩm định được chính xác rất khó khăn”.
Chế độ, chính sách của Nhà nước hỗ trợ còn hạn chế cũng đang là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngư dân thờ ơ đối với các loại bảo hiểm nghề đi biển |
Theo tìm hiểu của PV thì các chế độ, chính sách của Nhà nước hỗ trợ còn hạn chế cũng đang là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngư dân thờ ơ đối với các loại bảo hiểm nghề đi biển. Trước đây, theo Quyết định số 289 (ngày 18/3/2008) của Thủ tướng Chính phủ, người dân mua mới, đóng mới tàu đánh bắt hải sản có công suất máy từ 90 CV trở lên hoặc chuyển đổi máy tàu cũ sang loại máy mới tiêu hao ít nhiên liệu hơn đối với loại tàu từ 40 CV trở lên sẽ được hỗ trợ tiền. Một trong những điều kiện để nhận được hỗ trợ là tàu phải có bảo hiểm thân, vỏ, thuyền viên làm việc trên tàu phải có bảo hiểm tai nạn rủi ro... Thời điểm đó, khoảng 80% ngư dân trong tỉnh tham gia các loại bảo hiểm. Tuy nhiên, từ khi quyết định này hết hiệu lực thì những chính sách hỗ trợ ngư dân cũng không còn nên họ không mua bảo hiểm nữa.
Tính đến nay, Hà Tĩnh có 3.916 tàu cá lắp máy đã đăng ký. Trong đó gần 1.000 tàu trên 20 CV, 125 tàu có công suất trên 90 CV và gần 14.000 lao động đang trực tiếp khai thác trên biển nhưng hầu như rất ít trong số đó mua bảo hiểm thân, vỏ và bảo hiểm tai nạn thuyền viên. Chỉ có một số tàu cá của ngư dân đánh bắt ở các tỉnh khác thì họ bắt buộc phải mua bảo hiểm để hoạt động.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, trong năm 2013, tỉnh ta xảy ra 11 vụ tai nạn tàu cá trên địa bàn các huyện, làm chết 2 người, 1 người mất tích. Sau bão số 10, số 11 vừa qua, tỉnh ta có 31 tàu cá bị hư hỏng nặng. Ước tính thiệt hại tài sản khoảng 3,9 tỷ đồng, đây thực sự là gánh nặng của nhiều ngư dân.
Việc người dân thờ ơ với các loại bảo hiểm và các địa phương chưa tích cực tuyên truyền, phổ biến đã vô hình trung làm giảm tầm quan trọng của các loại bảo hiểm đối với nghề đi biển. Mong rằng, các cơ quan chức năng sớm có biện pháp nhằm nâng cao nhận thức cho ngư dân trong vấn đề này để bảo hiểm trở thành cứu cánh cho họ mỗi lần ra khơi không may gặp nạn.
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn