Mô hình chăn nuôi của gia đình anh Phạm Văn Hải (Thái Hồng - Thái Thụy). |
Chúng tôi đến thăm trang trại chăn nuôi lợn của anh Phạm Văn Hải, thôn Vị Dương, xã Thái Hồng (Thái Thụy) một trong những trang trại có quy mô lớn nhất huyện. Trên tổng diện tích 2ha, anh Hải xây dựng 2 khu trang trại riêng biệt: 1 trại lợn nái, 1 trại lợn thịt, nuôi trung bình 1.000 đầu lợn/năm. Năm 2012, dịch tai xanh xảy ra, thị trường tiêu thụ gặp khó khăn. Thông tin về việc một số nông trại sử dụng hoóc-môn tăng trưởng trong thức ăn đã khiến cho nhiều người tiêu dùng e ngại và hạn chế dùng thịt lợn. Tiếp xúc với chúng tôi, anh Hải buồn rầu kể: “Giá lợn giảm, biết lỗ nhưng lợn đủ tuổi vẫn phải xuất vì càng nuôi càng tốn cám. Chỉ chưa đầy 1 năm, đàn lợn của gia đình tôi giảm xuống còn 600 con.
Với 600 con lợn, chỉ riêng tiền cám, thuốc thú y, chưa kể nhân công, tiền điện mỗi tháng lỗ 30 triệu đồng. Gần 1 năm qua, tháng nào tôi cũng phải cố xoay xở để duy trì đàn lợn và trả lãi ngân hàng”. Đến nay, gia đình anh đã vay ngân hàng hơn 1 tỷ đồng cộng với số vốn đầu tư vào trang trại lên tới 6 tỷ đồng. Thị trường khó khăn nhưng gia đình anh Hải vẫn cố duy trì sản xuất. Vì với số vốn đầu tư lớn, nếu anh không tiếp tục chăn nuôi đồng nghĩa với vỡ nợ, phá sản. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài không chỉ trang trại của gia đình anh Hải mà nhiều trang trại chăn nuôi khác cũng khó tránh kết cục buồn ấy.
Cùng chung hoàn cảnh của anh Hải, gia đình anh Nguyễn Văn Huận, thôn Yên Thuận cũng đang gặp phải hoàn cảnh hết sức khó khăn. Xuất thân từ gia đình nông nghiệp, cuộc sống khó khăn, anh Huận vay mượn đầu tư chăn nuôi với quyết tâm thoát nghèo. Năm 2005, gia đình anh nuôi 5 con lợn nái, 35 con lợn thịt. Hy vọng sớm thu lại vốn, thế nhưng gần đây tình hình khó khăn, không đủ vốn duy trì chăn nuôi anh Huận đành ngậm ngùi chịu lỗ, bán lợn chuyển qua chăn nuôi gà, vịt và chim bồ câu. Anh Huận chia sẻ: “Chúng tôi vốn mỏng, chăn nuôi với số lượng ít nên đành chấp nhận chịu thua lỗ bỏ chăn nuôi lợn chuyểân sang nuôi gà, vịt và cá, tuy lợi nhuận không nhiều nhưng so với chăn nuôi lợn thì độ rủi ro thấp hơn”.
Vào thăm gia trại của anh Lê Văn Diệp, chị Nguyễn Thị Minh thôn Vị Dương đúng vào lúc xuất bán lợn. Vừa đếm những đồng tiền từ bán lợn, chị Minh vừa chia sẻ: 3 tháng trời dày công chăm bẵm vậy mà bán 7 con lợn lỗ gần 3 triệu đồng. Anh Diệp cho biết thêm: “Tôi dự tính xuất bán hơn nửa đàn lợn, chỉ giữ lại một ít cho vợ ở nhà chăn nuôi, còn tôi lên Hà Nội kiếm việc làm lấy tiền trả lãi ngân hàng”. Được biết gia đình anh Diệp nuôi lợn từ hơn 10 năm nay. Những năm đầu, chăn nuôi nhỏ lẻ, sau nhân rộng đàn lợn lên tới hàng chục con, những tưởng có thêm tiền nuôi con học đại học nhưng may mắn vẫn chưa mỉm cười với gia đình anh.
Trước những khó khăn như vậy, người chăn nuôi đã tìm nhiều cách khắc phục như: Tự nấu cám, sử dụng bột ngô, gạo thay thế thức ăn công nghiệp… Tuy nhiên, những biện pháp này đều chưa mang lại hiệu quả. Không riêng gia đình anh Diệp, anh Huận, anh Hải mà nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ của xã Thái Hồng nói riêng và huyện Thái Thụy nói chung do không còn vốn để tái đàn nên đã chọn giảm đàn, chuyển sang nuôi con khác hoặc ngừng chăn nuôi. Đặc biệt, các hộ vay vốn ngân hàng điêu đứng vì lãi và nợ gốc đến hạn trả, nhiều hộ không đủ tiền trả nợ phải bán cả đất. Anh Diệp cho biết thêm: trước đây gia đình anh nuôi 50 lợn thịt và 5 con lợn nái, do dịch bệnh, giá lợn thấp mà giá thức ăn tăng 10-15% nên anh đã phải giảm số lượng còn 10 con lợn thịt và 2 lợn nái.
Trao đổi với chúng tôi, anh Hải vẫn chưa hết hy vọng: “Mong muốn trước mắt của chúng tôi là làm sao hạn chế thấp nhất thua lỗ và duy trì được trang trại. Tôi mong Nhà nước tạo môi trường cạnh tranh công bằng giữa doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi và trang trại, gia trại. Thực hiện giảm thuế đối với thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ vốn để duy trì sản xuất và hỗ trợ thêm vắc-xin tai xanh ở lợn. Tăng cường kiểm soát chất lượng và giá thuốc thú y”. Bên cạnh đó, anh cũng mong muốn Nhà nước tăng cường kiểm soát dịch bệnh, hàng nhập lậu qua biên giới, thị trường lưu thông phân phối; thực hiện chính sách kích cầu một số mặt hàng thực phẩm chính, trong đó có thịt lợn, gà, vịt...
Trước những khó khăn trên, bên cạnh sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước thì người chăn nuôi cũng phải chủ động, sử dụng nội lực của bản thân, tạo nguồn nguyên liệu tại chỗ để giảm chi phí đầu vào.
Bài, ảnh: Bích Liễu (baothaibinh.com.vn)