Thương lái giở quẻ, ngao ế ẩm
Với diện tích bãi ươm và đồng ngao thành phẩm trên 1.500 ha, Giao Thủy là huyện nuôi ngao lớn nhất của tỉnh Nam Định. Tại bãi nuôi ngao ven biển địa phận xã Giao Xuân, Giao Hải (huyện Giao Thủy), những ngày này, nhiều người nuôi ngao thẫn thờ trước đồng ngao bát ngát, nhưng ế ẩm. Theo ông Nguyễn Văn Cửu, Chủ tịch Hiệp hội nuôi nhuyễn thể huyện Giao Thủy, nguyên nhân chính khiến việc nuôi, kinh doanh ngao trở nên khó khăn do thị trường Trung Quốc đang “làm khó”.
“ Trung Quốc là một thị trường tiêu thụ ngao lớn, và hiện chưa rõ vì sao họ lại ngừng mua ngao của ta. Hiện chúng tôi đang cho tìm hiểu để nắm rõ vấn đề này. Nếu họ chuyển hình thức nhập khẩu, từ tiểu ngạch sang chính ngạch thì có những yêu cầu gì, để mình còn điều chỉnh, đáp ứng”. Phó Tổng Cục trưởng Thủy sản
|
Sau cơn bão số 8 xảy ra cuối năm 2012, hầu hết các chòi, lều đổ nát, tàu bè, phương tiện đánh bắt, nuôi ngao bị hư hỏng. Để có tiền khắc phục hậu quả do bão gây ra, người dân ồ ạt nạo ngao bán. Lúc đó, các thương lái Trung Quốc bắt đầu chuyển việc mua bán tiểu ngạch sang chính ngạch. Toàn bộ ngao từ Việt Nam muốn xuất sang Trung Quốc bắt buộc phải chấp hành những quy định khắt khe về chứng nhận xuất xứ, chất lượng… Thay vì nhập ngao thành phẩm, thương lái Trung Quốc chuyển sang mua ngao giống giá 25-30 nghìn đồng/kg, mỗi kg ngao giống trung bình 1.000 ngao con.
Trong khi đó, thị trường trong nước cũng đang trải qua giai đoạn giá cả thất thường. Lượng ngao bán cho các thương lái, các cơ sở chế biến tại thành phố Hồ Chí Minh cũng giảm mạnh. Trước đó, hoạt động mua bán đều có hợp đồng ràng buộc nhau, nhưng hiện không còn. Càng ngày giá ngao càng giảm. Có thời điểm, giá thay đổi 5 lần/ngày.
“Mới đây, phía Hiệp hội nuôi nhuyễn thể huyện Giao Thủy đã đề xuất UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường Nam Định xin diện tích đất hiện đang sử dụng làm cảng neo đậu tàu thuyền đánh bắt cá tại thị trấn Quất Lâm, huyện Giao Thủy để làm nhà máy chế biến”, ông Cửu nói.
Tình trạng ế ẩm kéo dài, việc tiêu thụ ngao luôn trong thế bị ép giá; tiền để duy trì hoạt động liên tục tăng giá, lãi và nợ ngân hàng đều đến hạn phải trả; người nuôi ngao phải nạo ngao, mang bán lẻ tại chợ trên địa bàn huyện với giá từ 9-11 nghìn đồng/kg (trước đây, giá 25 nghìn đồng/kg). Nhiều hộ nuôi ngao không nỡ bán “rẻ như cho” đã tự đóng gói, vận chuyển vào các nhà máy chế biến phía Nam.
Chiều 12/8, trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, Nam Định là một trong những vựa nuôi ngao lớn nhất nhì cả nước. Những năm trước, do có bộ giống năng suất tốt (tới 60-70 tạ/ha), thị trường Trung Quốc tiêu thụ khá tốt, nên diện tích nuôi ngao mở rộng khá nhanh. Tuy nhiên, năm nay giá ngao sụt giảm mạnh, nhiều người nuôi thua lỗ, nguyên nhân chính là tắc đầu ra.
Sạt nghiệp
Năm ngoái, bão số 8 ập vào Nam Định đã “xới tung” toàn bộ diện tích đầm bãi nuôi ngao trên địa bàn. Năm nay, ảnh hưởng của mưa bão liên tiếp, phần lớn số ngao thương phẩm bị dồn đống dưới bãi. Số ngao chết lên tới 30% tổng sản lượng, ở những bãi cao lượng ngao chết lên tới 60-70%. Những hộ nuôi ngao chịu thiệt hại lớn nhất sau bão, với số tiền lỗ hàng chục tỷ đồng.
Sở hữu hơn 2,5 ha ngao giống, những ngày gần đây, ông Đỗ Như Điến (Giao Hải) đau xót nhìn những con ngao giống chết trắng bãi, giá ngao giống từ 70-80 nghìn đồng giờ giảm chỉ còn 30 nghìn đồng/kg. Tuy thế, cũng chẳng ai hỏi mua. Ông Điến cho biết số tiền lỗ lên đến 1,2 tỷ đồng. “Ba hôm trước vừa có khách mua từ Thái Bình sang, ngã giá 30 nghìn đồng/kg, họ hẹn sẽ sang lấy, nhưng đến nay vẫn mất hút”, ông Điến nói. Tiền lãi hàng tháng ông Điến phải trả cho Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn là 170 triệu đồng, nhưng do thường xuyên quá hạn, nên hầu như tháng nào cũng mất 200 triệu đồng.
Ngao xuống giá một nửa, số ngao chết nằm dưới đầm vẫn chưa ước tính được bao nhiêu (trong khi chi phí duy trì đầm bãi ngày một tăng), ông Hoàng Văn Thế đã cắt giảm người trông coi bãi. “Trước đây, bãi ngao rộng 10 ha có 5 người coi, nhưng hiện cắt giảm chỉ còn 2 người, bằng cách này sẽ tiết kiệm được hơn chục triệu mỗi tháng”, ông Thế chia sẻ.
Làm ngao được hơn 10 năm, lúc khởi nghiệp ông Trần Văn Duẩn (xóm Xuân Trung, xã Giao Xuân) và ông Phạm Văn Thắng (xóm Thị Tứ, xã Giao Xuân) phải mượn cả sổ đỏ của người thân, họ hàng để cầm cố vay ngân hàng trên chục tỷ nuôi 30 ha. Tiền thu về vừa đủ để trả nợ, bây giờ lại tiếp tục đối mặt với lỗ, ông Duẩn thẫn thờ nhìn đồng ngao không biết sẽ đi đâu về đâu.
Mới đầu tháng 8, Nam Định đã là vùng ảnh hưởng của nhiều trận bão, áp thấp nhiệt đới, có thể sẽ thêm nhiều người nông dân mất trắng hàng chục tỷ đồng nếu gặp trận bão lớn.
P.V (theo TPO) |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn