11:12 EST Thứ tư, 25/12/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Nhà nông cần biết


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Nông dân sáng tạo, sản phẩm độc đáo

Thứ ba - 29/01/2013 22:39
Tình trạng “mất mùa, được giá”, “trúng mùa, rớt giá”, khiến nhiều nhà nông bế tắc trong phát triển kinh tế. Gần đây, nhiều nông dân ĐBSCL tự sáng kiến, tạo ra những mặt hàng nông sản “độc, lạ”, để phục vụ thị trường, nhất là trong dịp Tết, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa nông nghiệp.

 

Dưa hấu hình vuông, thỏi vàng, xe hơi

Với óc sáng tạo và nỗ lực không ngừng, một nông dân đã cho ra đời những trái dưa hấu hình vuông, hình thỏi vàng độc đáo. Dưa sản xuất có hình lạ “bắt mắt” này có số lượng không nhiều nên thường không đủ để cung ứng cho thị trường Tết.

Chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Quý Tỵ, ông Trần Thanh Liêm, khu vực 7, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy (TP.Cần Thơ), tung ra thị trường 200 cặp dưa hấu hình thỏi vàng. Năm nay, ông mạnh dạn sản xuất số lượng dưa có hình dạng “hấp dẫn” tăng gấp đôi so với Tết năm trước. Giá đặt hàng tại ruộng là 3,5 triệu đồng/cặp. Các thương lái ở khắp nơi đến tận nhà ký hợp đồng hết sạch nên ông không phải bận tâm lo chuyện bán lẻ làm gì.


Ông Trần Thanh Liêm với những trái dưa hấu hình xe hơi Mercedes-Benz

Mấy chục năm trước, gia đình ông Liêm chuyên trồng lúa và rau màu, chỉ đủ tiền mua gạo. Đến năm 2000, ông quyết định chuyển qua trồng dưa hấu, vì ông nghĩ dưa hấu trồng được quanh năm. Đến năm 2004, tình cờ xem được một tài liệu về trái dưa hấu vuông ở Nhật, ông Liêm tự hỏi trong lòng: sao mình không thực hiện ý tưởng đó mà trồng bán phục vụ cho bà con chưng dưa trong ba ngày Tết. Qua nhiều ngày tháng mày mò, nghiên cứu, ông chế tạo được cái khuôn hình vuông, rồi cho trái dưa còn nhỏ vào để khi phát triển, dưa sẽ định hình theo.

Nhưng để thành công, ông cũng phải nhiều lần thất bại. Có điều, qua thất bại ông Liêm cũng đúc kết được nhiều kinh nghiệm và Tết năm 2005, dưa hấu vuông do ông sản xuất được bán tại siêu thị Metro với giá khá cao. Những năm tiếp theo, ông cải thiện khuôn để dưa đẹp và to hơn với hình thức, mỗi cặp dưa hấu vuông của ông đều hình tiên đồng, ngọc nữ và câu “Chúc mừng năm mới”, “Vạn sự như ý”.

Không dừng lại, ông suy nghĩ thêm kiểu dáng khác cho trái dưa. Cuối cùng, ông chọn hình thỏi vàng để làm. Năm mới, ai cũng mong phát tài, phát lộc nên làm hình thỏi vàng là hợp lý và ý nghĩa. Tết năm 2008, ông bắt tay vào sản xuất thành công 5 cặp dưa hấu hình thỏi vàng đầu tiên. Mỗi cặp được bán với giá 550.000 đồng. Tết năm 2012, ông tăng lên, sản xuất 100 cặp, nhưng chẳng mấy chốc lượng dưa lạ của ông cũng bán hết sạch.

Năm 2013 tuy số lượng tiếp tục tăng nhưng vẫn không đủ hàng để đáp ứng thị trường. Ở thời điểm cuối năm, thương lái vào nhà đặt cọc tiền mua hết rồi. Lúc đầu, ông chỉ chọn dưa trên 1kg để thử nghiệm. Dần dần, ông nâng trọng lượng của dưa lên và mấy năm nay ổn định ở mức mỗi trái dưa nặng từ 2,2-2,4 kg. Để ngày càng hoàn thiện sản phẩm dưa hấu thỏi vàng, ông thay thế khuôn bê tông bằng khuôn nhựa composite.

Từ năm 2011 đến nay, ông Liêm bắt đầu sử dụng khuôn nhựa để sản xuất những loại sản phẩm độc đáo phục vụ Tết. Ông Liêm cho biết: “Đơn đặt hàng rất nhiều, nhưng tôi không dám nhận, vì tỉ lệ thành công chỉ từ 50-55%. Năm nay, không những tôi tạo hình trái dưa hấu hình thỏi vàng, dưa vuông như mọi năm mà tôi còn tạo thêm chữ “Phước” nổi và chìm trên trái dưa”. Ông Liêm cho biết thêm chi tiết thú vị để biết được trọng lượng dưa mà ông sản xuất, nếu dưa thỏi vàng có trọng lượng từ 2 kg trở lên, phần chữ sẽ chìm xuống dưới vỏ dưa; ngược lại, đối với dưa thỏi vàng nặng từ 1-1,3 kg, phần chữ sẽ nổi lên cao so với bề mặt vỏ trái dưa.

Chuyện bán dưa, ông không phải bận tâm. Thông thường, dưa thỏi vàng của ông vào 18-20 Tết các mối lái và Cty xuống nhà tự thu hoạch đóng gói. Còn ông thì chỉ tính dưa, đếm tiền. Năm nay, vườn nhà ông Liêm cũng đang sở hữu hơn 200 cặp dưa hấu hình thỏi vàng cho thị trường Tết. Hiện số dưa ông đang trồng được đặt hàng toàn bộ với giá từ 4-4,5 triệu đồng/cặp và 100 cặp dưa hấu vuông giá bán từ 1-1,5 triệu đồng/cặp. Tết này, dưa hấu thỏi vàng bán tại TP.HCM ước giá khoảng 6-7 triệu đồng/cặp, nhưng vẫn được thị trường chấp nhận.

Với ý nghĩ, dưa hấu hình vuông là mình bắt chước ý tưởng của Nhật; còn dưa hình thỏi vàng là do mình nghĩ ra nên ông Trần Thanh Liêm chỉ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và kiểu dáng công nghiệp dưa hấu hình thỏi vàng. Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa và kiểu dáng công nghiệp cho dưa hấu hình thỏi vàng của ông Trần Thanh Liêm.

Không chỉ sản xuất dưa hấu thỏi vàng, dưa vuông, Tết năm nay, ông Liêm còn sản xuất 50 cặp dưa hấu hình xe hơi Mercedes-Benz bốn chỗ ngồi, có in chữ “Phước” nổi trên mui xe. Ông Liêm cho biết: “Dưa hấu hình xe hơi do ông mày mò gần 3 năm nay mới tạo được khuôn. Loại dưa này được trồng từ giống dưa Bảo Quán có màu xanh sọc. Hiện đám ruộng “dưa hấu xe hơi” đang phát triển rất tốt, hứa hẹn sẽ cho thu hoạch trái vào ngày 24 Tết (âl). Dưa xe hơi có trọng lượng mỗi trái từ 1,7-2kg. Hiện loại dưa này được thương lái ở TP.HCM xuống tận nhà đặt hàng trước với giá tại ruộng là 10 triệu/cặp. Mặc dù, mới chỉ năm thứ 2 trồng dưa hấu tạo hình xe hơi để bán, ông Liêm cũng gặt hái được thành công khoảng 50%.

Bưởi, dưa hấu hồ lô

Bưởi hồ lô mang chữ “Tài” và “Lộc” được người dân Hậu Giang sản xuất từ năm 2008, nhưng mãi cho đến cuối 2010 mới có thể thành công. Thành quả này là sự sáng tạo không mệt mỏi của người dân miệt vườn Hậu Giang. Người cho ra hình hài trái bưởi hồ lô đầu tiên chính là ông Võ Trung Thành, nông dân xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Hậu Giang).

Ông Thành cho biết: “Hồi trước tui là giáo viên tiểu học, không đủ sống nên về quê trồng bưởi Năm Roi. Một bữa nằm võng coi tivi thấy chiếu phim Tây Du Ký, các nhân vật đeo trái hồ lô, trên nhỏ dưới to, tự dưng nảy ra ý tưởng phải ép trái bưởi Năm Roi thành hình dáng hồ lô. Sau đó mấy hôm, vô tình thấy một trái bưởi bị kẹt giữa hai nhánh cây; đoạn giữa trái bị ép nhỏ nhưng hai đầu phình to. Tôi hái trái bưởi này, xẻ ra thì thấy ruột bưởi vẫn bình thường. Từ đó càng nung nấu ý định làm bưởi hồ lô. Đầu tiên tôi dùng ống hút nước bằng nhựa buộc ngang 1/3 thân trái bưởi, hy vọng khi lớn nó sẽ có ngấn thành hình hồ lô; nhưng thất bại. Kế đến, tôi dùng dây kim loại cũng không thành công”.


Ông Võ Trung Thành bên sản phẩm bưởi hồ lô

Từ việc thay đổi hàng chục loại vật liệu làm khuôn; cuối cùng ông Thành mới có được vài trái bưởi hồ lô ưng ý, nhưng tỉ lệ thành công rất thấp, chỉ 15-20%. Đưa bưởi hồ lô ra bán, tưởng chừng bán cho vui thôi, ai ngờ người mua nườm nượp, dù giá 2-3 triệu đồng/cặp. Thấy người ta chuộng nên ông tiếp tục mày mò hoàn thiện trái bưởi hồ lô, đúc hẳn khuôn nhựa để ép trái bưởi. Đến năm 2011, tỉ lệ sản xuất bưởi hồ lô của ông thành công đến 80%. Từ khi sử dụng khuôn nhựa, ông còn tạo ra những trái bưởi hồ lô có chữ tài, lộc, hình rồng, hình phụng nổi trên vỏ trái bưởi rất đặc sắc.

Tháng 4/2012, bằng độc quyền về nhãn hiệu “Bưởi hồ lô Thành Huy” của ông Võ Trung Thành được công bố trên Công báo Sở hữu Công nghiệp. Ông Thành cho biết lẽ ra ông đăng kí “Bưởi hồ lô Trung Thành”, nhưng Cục bảo rằng có người khác bán cây giống đã đăng ký tên Trung Thành rồi. Vì vậy, ông chọn tên Thành Huy (Huy là tên con trai ông). Để nhân rộng thành công, ông Thành còn lập câu lạc bộ Khuyến nông Phú Trí A với 26 hội viên để sản xuất bưởi hồ lô.

Thời tiết năm nay có gây khó khăn cho các nhà vườn “nặn” ra trái bưởi hồ lô. Tuy nhiên trong dịp Tết Nguyên đán 2013 này, cơ sở ông sẽ tung ra thị trường khoảng 8.000 trái bưởi hồ lô. Tính đến thời điểm này, toàn bộ số bưởi đã được các khách hàng đặt mua hết. Ông Thành cho biết thêm: “Năm nay, toàn bộ số bưởi đúng chuẩn chia thành 3 loại: 1, 2, 3. Mặc dù, chi phí sản xuất tăng, tỉ lệ hao hụt tăng; nhưng cam kết các nhà vườn là vẫn bán đúng giá như năm rồi”.

Với bưởi hồ lô loại 1 có giá 700.000 đồng/trái; loại 2: 500.000 đồng/trái và loại 3 là 300.000 đồng/trái. Theo ông Thành, quá trình sản xuất bưởi hồ lô khắc chữ nổi này đảm bảo các tiêu chuẩn cũng như quy trình sản xuất. Nghĩa là, trái bưởi vẫn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không chứa chất kích thích, chất bảo quản. Ngoài sản phẩm bưởi hồ lô, câu lạc bộ Khuyến nông Phú Trí A còn sản sinh ra các quả dưa hấu mang hình hồ lô độc đáo. Hiện 3.500 trái dưa hấu sẽ thu hoạch vào ngày 20-23 ÂL và sẽ cung ứng cho thị trường nhân dịp Tết này.

Tiếp xúc với những nhà vườn sáng tạo, họ cho hay: “Trong những năm sắp tới, chúng tôi sẽ tiến hành tạo hình trên nhiều loại trái cây khác để tạo thích thú cho khách hàng”.

Theo nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 351


Hôm nayHôm nay : 51713

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1110973

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 72793682