Một gương hộ nông dân sản xuất và tiêu thụ RAT giỏi cho thu nhập cao đáng được học tập, đó là hộ vợ chồng anh Nguyễn Văn Thơ, ở xã Long Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Hộ anh Thơ có diện tích đất sản xuất RAT khoảng 1.000m2, được một dự án sản xuất RAT tập huấn về kỹ thuật, đầu tư hỗ trợ xây dựng nhà màng áp dụng công nghệ cao trong việc tưới tiêu nước, làm đất, bón phân, chăm sóc, bảo vệ thực vật an toàn cho rau không bị nhiễm hóa chất độc hại.
Vì có hệ thống tưới tự động theo yêu cầu, không phải thuê lao động tưới thủ công và rau sản xuất trong nhà màng tránh được côn trùng tấn công nên hoàn toàn không cần phun thuốc, giảm rất nhiều công lao động và chi phí. Đồng thời, sản xuất rau trong nhà màng che được mưa nên chủ động thời vụ trồng luân canh liên tục gần 20 loại rau khác nhau. Nếu trồng loại rau ngắn ngày, có thể trồng từ 8 - 10 vụ/năm.
Trong diện tích 1 công đất, sản xuất rau liên tục nhiều loại và đảm bảo lúc nào cũng có rau nhiều lứa cung cấp cho thị trường như vừa mới trồng, gần thu hoạch hay đã thu hoạch… Có rau suốt năm trong vụ thuận lẫn vụ nghịch như thế đã giúp hộ anh nâng cao thu nhập đáng kể.
Sau khi trừ chi phí, anh chị thu lãi khoảng 10 triệu đồng/tháng/1.000m2, những tháng mùa nghịch lãi 15 triệu đồng (500.000 đồng/ngày). Tuy khối lượng công việc nhiều như vậy, nhưng về lao động, anh Thơ cho biết chỉ cần 2 người (anh và vợ anh) đảm đương toàn bộ. Chị Thơ còn trực tiếp vừa thu hoạch, vừa vận chuyển tiêu thụ ở chợ gần nhà của anh chị.
Tuy nhiên trên thực tế RAT đang gặp nhiều khó khăn. Người sản xuất RAT trong các chương trình, dự án phải tự lo đầu ra và chịu thiệt thòi bán với giá ngang với rau sản xuất không an toàn. Hộ vợ chồng anh Thơ cũng dựa vào mối buôn bán thân quen của mình ở chợ truyền thống để tiêu thụ chứ vẫn chưa mở rộng được các kênh khác. RAT của anh cũng chưa có nhãn mác, logo nhận diện thương hiệu để có được giá bán cao hơn.
Về mặt quản lý và kỹ thuật, chúng tôi thấy nếu sản phẩm RAT của anh Thơ được một công ty hoặc siêu thị nào đó bao tiêu sản phẩm và gắn nhãn mác/logo để cung ứng cho người tiêu thụ thì hoạt động sản xuất RAT như của gia đình anh Thơ hoặc nhiều nơi khác mới trở nên hiệu quả và bền vững hơn.
TS Nguyễn Công Thành (Viện KHKT nông nghiệp Miền Nam)
Nguồn danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn