Theo Chủ tịch Tập đoàn TH Thái Hương, để nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, nông nghiệp ứng dụng CNC phải trở thành một cuộc cách mạng thật sự, nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa có năng suất, chất lượng cao, đem lại thu nhập ổn định cho nông dân và sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên để thành công, bên cạnh sự nỗ lực của mỗi doanh nghiệp, rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước và cộng đồng, mà theo kinh nghiệm của Tập đoàn TH thì đó là nguồn nhân lực, chính sách về đất đai, cơ chế tài chính và cuối cùng là sự minh bạch của sản phẩm.
Một là, chính sách về đất đai. Dự án ứng dụng CNC trong nông nghiệp giai đoạn đầu cần phải có quỹ đất đủ lớn. Nhưng để huy động được nguồn lực về đất đai cho ứng dụng CNC, các đối tượng sử dụng đất đều nộp thuế sử dụng đất. Nếu doanh nghiệp nào không có khả năng đóng tiền sử dụng đất thì phải có lộ trình và kế hoạch trả lại đất cho Nhà nước, để giao cho các dự án ứng dụng CNC.
Ở giai đoạn đầu nguồn lực về đất đai chưa nên lấy từ các hộ nông dân, bởi tài sản lớn nhất của nông dân là đất đai, thu nhập chính cũng từ đây mà ra, trong khi chúng ta còn một quỹ đất vô cùng dồi dào từ các nông, lâm trường hoạt động kém hiệu quả, theo hình thức như phát canh thu tô, hoặc đất của một số tổng đội thanh niên xung phong bị bỏ hoang hóa. Hai lực lượng này từng có vai trò quan trọng trong quá khứ là cung cấp cơ sở vật chất cho chiến trường. Tuy nhiên, bây giờ vai trò lịch sử đó đã hoàn thành, cần phải tổ chức lại sản xuất. Bên cạnh đó còn nguồn đất của các công ty, tổng công ty trước đây xin trồng rừng hay chăn nuôi nhưng chưa hiệu quả, thậm chí chưa triển khai dự án. Việc sử dụng đất nông, lâm trường cho ứng dụng CNC còn có một thuận lợi nữa là đào tạo nghề cho lao động ở đây dễ dàng hơn người nông dân.
Hai là, thay đổi nhận thức của nông dân. Với truyền thống nông nghiệp lâu đời, người nông dân hiện nay chỉ suy nghĩ trên mảnh đất của mình, ít khi quan tâm đến thu hoạch xong sẽ bán ở đâu? Giá bao nhiêu? Dẫn đến tình trạng sản xuất theo phong trào, nhiều khi để ăn thì thừa, mà đem bán thì thiếu; được mùa thì mất giá mà được giá thì mất mùa... Vì vậy, phải có lộ trình để đưa nông dân vào các dự án CNC. Trong giai đoạn đầu Nhà nước cần có những cơ chế chính sách phù hợp để lôi cuốn lớp doanh nhân có đủ tâm, trí, lực vào thực hiện dự án; người nông dân đứng ngoài nhìn vào để thay đổi nhãn quan canh tác. Khi có hiệu ứng thật sự từ doanh nghiệp thì nông dân sẽ chủ động vào cuộc một cách tự nhiên, cùng doanh nghiệp thành lập các công ty nguyên liệu để các chủ thể là nông dân chủ động tham gia. Khi đó nông dân là một trong những mắt xích vô cùng quan trọng của chuỗi giá trị ứng dụng CNC.
Ba là, cần cơ chế tín dụng đặc thù. Sự thành công của các dự án ứng dụng CNC trong nông nghiệp thời gian qua có sự đóng góp rất lớn của hệ thống ngân hàng, nhất là sự đồng hành và chỉ đạo kịp thời từ Ngân hàng Nhà nước từ trung ương đến địa phương. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các chính sách về tiền tệ tín dụng và ngân hàng một cách kịp thời, quyết liệt và đã dành những khoản vốn lớn để hỗ trợ cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn, như chính sách cho vay tạm trữ thu mua 1 triệu tấn gạo quy thóc vụ đông xuân vừa qua; chính sách tín dụng hỗ trợ thủy sản đóng tàu vỏ thép vươn khơi; hỗ trợ nghề nuôi trồng thủy sản; chương trình tái canh cây cà-phê; chính sách cơ cấu nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi, khoanh nợ cho các doanh nghiệp... Đối với các ngân hàng thương mại thực hiện cho vay nông nghiệp, nông thôn đã được Ngân hàng Nhà nước xem xét để giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, trích lập quỹ dự phòng rủi ro, cho vay tái cấp vốn...
Tuy nhiên, xuất phát từ tính đặc thù của các dự án ứng dụng CNC trong nông nghiệp là cần nguồn vốn nhiều, quy mô lớn, thời gian thực hiện kéo dài, yêu cầu tính đồng bộ và chất lượng sản phẩm cao. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu để có cơ chế cho vay ưu đãi đối với các dự án nông nghiệp CNC. Nhất là, các dự án do các doanh nghiệp nông nghiệp chủ động đầu tư.
Cuối cùng là sự minh bạch và quản lý theo quy chuẩn chất lượng sản phẩm. Đó là sự minh bạch thông tin, minh bạch thị trường giá cả. Đừng bắt tất cả người tiêu dùng phải là "những người thông minh nhất", mà điều các nhà sản xuất nông nghiệp cần làm ngay là giúp người tiêu dùng hiểu rõ nguồn gốc, xuất xứ của từng loại sản phẩm, cũng như tác dụng của sản phẩm đối với sức khỏe con người theo đúng bản chất khoa học. Cần phân biệt các sản phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, được sử dụng chất kích thích quá liều để người tiêu dùng an tâm tự đưa ra quyết định lựa chọn đúng đắn nhất, bởi các sản phẩm nông nghiệp tác động trực tiếp đến sức khỏe của con người - chủ thể của xã hội.
Linh Anh
Theo nhandan.org.vn