Do đó, sự ra đời của VietGAP là bước cần thiết nhằm đưa nghề NTTS nước ta vào trong khuôn khổ, đồng thời từng bước thay thế những tiêu chuẩn quốc tế mà nhiều nhóm hộ nuôi trồng thuỷ sản trong cả nước đang áp dụng như SQF, GlobalGAP, MSC, ASC..., tiến tới thống nhất theo một quy chuẩn chung.
Muốn đạt chứng nhận MSC của Hội đồng Bảo tồn biển quốc tế (Marine Stewardship Council) thì phải trả 100.000 USD cho lần chứng nhận đầu với thời hạn 1 năm và 12 ngàn USD/năm trong những lần chứng nhận sau. Còn để đạt được chứng nhận GlobalGAP lần đầu phải trả trên 15.000 USD và gần 5.000 USD cho mỗi năm tái chứng nhận.
Nuôi cá tra ở ĐBSCL
Trong khi đó, tuy hiện nay chưa có quy định cụ thể về mức phí cấp chứng nhận VietGAP đối với cơ sở NTTS, nhưng chắc chắn mức phí áp dụng sẽ thấp hơn nhiều so với các loại chứng nhận khác. Hơn nữa, những cơ sở đăng ký áp dụng quy chuẩn VietGAP trong thời gian đầu sẽ được Nhà nước cấp chứng nhận miễn phí.
Lợi ích khác mà người NTTS sẽ được thụ hưởng trực tiếp đó là các sản phẩm có nguồn gốc từ vùng NTTS được cấp chứng nhận VietGAP sẽ có giá trị cao hơn so với các sản phẩm thông thường và đương nhiên cơ hội xâm nhập vào các thị trường khó tính trên thế giới như Mỹ, EU... cũng sẽ lớn hơn.
Ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Cần Thơ nói: SX sạch, an toàn là xu thế tất yếu của ngành nông nghiệp VN và thế giới. Vì vậy, quy trình nuôi cá tra phải áp dụng theo VietGAP. Các DN muốn XK sản phẩm cá tra có giá trị cao phải tùy vào từng thị trường tiêu thụ yêu cầu mà tìm hiểu kỹ rào cản kỹ thuật của họ để điều chỉnh tiêu chuẩn chất lượng cho phù hợp. Tuy nhiên, cái khó đối với DN hiện nay là giá cả đầu ra, chứ không phải các yêu cầu kỹ thuật.
DN có thừa khả năng áp dụng chuẩn VietGAP trong nuôi trồng, chế biến cá tra, nhưng đây lại là trở lực đối với nông dân, bởi việc chuyển đổi từ nuôi cá đơn thuần sang nuôi theo chuẩn VietGAP không phải dễ. Do cơ sở vật chất, như ao nuôi, hầm xử lý nước thải, tập quán SX... của người dân đã được xây dựng từ nhiều năm trước, nên khi xây dựng lại theo chuẩn VietGAP sẽ tốn kém nhiều. Khi tiêu chuẩn VietGAP ra đời, nhiều nông dân không đủ vốn để cải tạo hệ thống ao nuôi phát triển theo chuẩn. Có thể nói, tình trạng phát triển SX cá tra theo chuẩn VietGAP trong nông dân chưa được nhiều người hưởng ứng và còn rất bấp bênh.
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX cá tra Thới An, Ô Môn (Cần Thơ) nói rằng: Chưa năm nào người nuôi cá tra khốn khó như năm nay. Cứ mở mắt ra là phải lo tiền lãi ngân hàng, tiền thức ăn, nhân công. Cái gì cũng tăng, chỉ có giá cá là giảm. Nhiều lần chúng tôi cũng muốn chuyển sang nuôi cá cá tra theo tiêu chuẩn VietGAP, nhưng giá cá liên tục xuống mà chi phí đầu tư ban đầu cho nuôi theo GAP cao hơn 20 - 25% so với các phương pháp truyền thống thì nông dân chúng tôi có muốn cũng không làm nổi. |
Ông Trần Văn Hậu, GĐ điều hành Cty TNHH Hùng Cá, Đồng Tháp thì cho biết: Cty đang có khoảng 100 ha SX cá tra theo chuẩn VietGAP tại các huyện Thanh Bình, Tam Nông và TP Cao Lãnh. Nếu tính về chi phí SX thì việc áp dụng chuẩn VietGAP không cao hơn so với bình thường là mấy. Tuy nhiên, trước mắt đối với DN XK cá tra là phải đảm bảo SX sạch, an toàn. Đó là xu thế tất yếu để ngành cá tra VN vươn ra thế giới.
Ngoài áp dụng quy trình nuôi theo VietGAP, nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn mục đích bán được giá cao, thị trường chấp nhận làm ăn lâu dài, Cty còn phải phấn đấu đạt thêm nhiều chứng nhận khác cao hơn như GlobalGAP, SQF, MSC, ASC… để đáp ứng thị trường XK khi muốn xuất cá vào nước của họ.
Theo đó, việc thực hiện chuẩn VietGAP là điều cần thiết bước đầu khi tham gia vào sân chơi XK cá tra. Từ đó dần thay đổi tập quán sản xuất, suy nghĩ của nông dân cũng như DN về SX bền vững.
Hiện nay, một số hộ có áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật vào SX như ở An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ… đã mạnh dạn thực hiện thí điểm áp dụng và chứng nhận tiêu chuẩn SQF 1000CM hoặc VietGAP cho vùng nuôi cá tra với diện tích hàng chục ha, chi phí bỏ ra đến hàng tỷ đồng.
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn