Sau khi địa phương triển khai xây dựng NTM tiến hành dồn điền đổi thửa, vợ chồng anh Phan Văn Thắm ở xóm Hòa Sơn, xã Thanh Hòa (Thanh Chương) đã mạnh dạn nhận đấu thầu đất ở vùng cao treo, hóc chọ, thê thêm vùng đất gần 2 ha dưới chân rú Ná tiếp giáp với xã Phong Thịnh để làm trang trại nuôi gà.
Với số vốn ít ỏi khoảng 40 triệu đồng ban đầu, vợ chồng anh đã từng bước xây dựng nhà trại, tìm mua con giống gây dựng đàn gà bản địa. Sau hai năm, khi trang trại đã có trên 1.000 con gà đẻ, xuất chuồng được trên 20 tấn gà thịt cũng là lúc huyện Thanh Chương triển khai đề án và thành lập Hội chăn nuôi gà, tiến tới xây dựng thương hiệu tập thể "gà Thanh Chương", vợ chồng anh Thắm đã nhanh chóng đăng ký tham gia.
Đàn gà con một tuần tuổi được chăm sóc cẩn thận trong chuồng úm. Ảnh: Đình Hà |
Nhờ bước đi đúng hướng ban đầu là chỉ tìm nuôi các giống gà bản địa như ri, cộc... phù hợp với nhu cầu thị trường, định hướng xây dựng thương hiệu gà Thanh Chương nên trang trại của anh Thắm đã được Hội chăn nuôi gà chọn làm điểm liên kết nhân giống.
Khi được huyện chọn làm điểm nhân giống gà bản địa, anh Thắm tiếp tục đầu tư hệ thống chuồng trại, lò ấp; thuê cán bộ thú y và 3 lao động thường xuyên để chăm sóc và nhân đàn.
Anh cũng được huyện hỗ trợ mỗi năm 20 triệu đồng để xây dựng đàn gà giống 300 con đạt chuẩn, phục vụ cho các trang trại thành viên của Hội chăn nuôi gà. Để đảm bảo nguồn giống đạt chất lượng, anh chia trang trại thành nhiều ô thửa biệt lập nuôi gà thịt, gà giống.
Hiện trang trại gà của anh Phan Văn Thắm xuất bán được gần 200.000 con gà giống/năm. Ảnh: Đình Hà |
Gần đây khi Hội Phụ nữ Thanh Chương được Hội Phụ nữ tỉnh giúp xây dựng Câu lạc bộ liên kết nuôi gà và triển khai chương trình 'biến rác thải thành con giống', các cơ sở hội đã liên kết nuôi gà.
Ngoài đàn gà giống bản địa phục vụ các thành viên của Hội chăn nuôi gà, trang trại còn nuôi hơn 2.500 con gà giống các loại khác để phục vụ thị trường trong và ngoài huyện. Trong một năm, trang trại xuất bán được gần 200.000 con gà giống.
Gà thịt của trang trại anh Thắm được các nhà hàng lớn ở Đà Nẵng, TP. Vinh, Nam Đàn và trong huyện tiêu thụ; mỗi năm xuất bán hàng chục tấn gà. Ảnh: Đình Hà |
Đánh giá về kết quả chăn nuôi gà liên kết, ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: Trong bối cảnh huyện đã xây dựng đề án "Phát triển một số vật nuôi gắn với xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2016 - 2020", với nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ nên việc các hộ dân phát triển trang trại liên kết nuôi gà bản địa sẽ có nhiều thuận lợi.
Nhờ thực hiện tốt các hợp đồng nên không chỉ được Hội chăn nuôi gà bao tiêu sản phẩm mà còn có nhiều mối liên kết khác cùng phát triển.
theo Trần Đình Hà
baonghean
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn