Đó là một trong những đề nghị được Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh nêu ra tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2017 ngành Nông nghiệp phát triển nông thôn, ngày 4.1.
Theo ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tình ủy Hà Giang là một địa phương miền núi biên giới phía Bắc có nguồn cây dược liệu tự nhiên phong phú và đa dạng. Đây là một trong những loài cây có giá trị kinh tế cao góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Cây dược liệu góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Ảnh: Tà Giàng.
Lâu nay, dược liệu được quy hoạch chủ yếu là theo sinh thái và theo sản phẩm. Tại phiên đối thoại, ông Vinh đề nghị Chính phủ và các bộ ngành thay đổi cách tiếp cận quy hoạch phát triển dược liệu.
Cụ thể, với điều kiện có sẵn 6 khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng, ông Vinh đề nghị nên cho Hà Giang được quy hoạch phát triển theo sinh thái; chọn quy hoạch các khu bảo tồn sinh thái thành khu bảo tồn dược liệu.
Với Bộ NNPTNT, ông Vinh đề nghị Bộ rà soát lại các thông tư, quy định để tạo điều kiện cho phép Hà Giang và các địa phương khác được trồng cây dược liệu dưới rừng phòng hộ, rừng khép tán. Vì nếu không cho phép trồng dược liệu dưới rừng khép tán sẽ gây khó khăn cho không ít nông dân vùng này.
Ông Triệu Tài Vinh, Bí thư tỉnh Hà Giang đề nghị thay đổi cách tiếp cận quy hoạch phát triển dược liệu. Ảnh: Nguyên Vỹ
Bản thân Hà Giang là tỉnh nghèo, đã nhiều lần được Chính phủ ban hành các quyết định cá biệt cho tỉnh. “Lần này, chúng tôi tiếp tục đề nghị xin cho Hà Giang được xây dựng đề án quy hoạch dược liệu trong đó có đề xuất cơ chế bảo tồn phát triển”, ông Vinh nói.
Tỉnh Hà Giang có 3 tiểu vùng sinh thái: vùng núi đá cao phía bắc, vùng núi đất phía tây và cùng núi đất phía nam. Mỗi vùng, tỉnh này đều có chính sách và quan điểm tiếp cận riêng để phát triển.
Với vùng núi phía bắc, tỉnh tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc, chủ yếu là bò vàng vùng cao (còn gọi là bò Mông); vùng núi đất phía tây thì phát triển cây chè shan tuyết và cây dược liệu (tập trung ở Tây Côn Lĩnh, Chiêu Lầu Thi); vùng núi thấp phía nam chú trọng cây ăn quả với các sản phẩm đặc hữu là cam sành.
Phát triển cây dược liệu làm cao atiso. Ảnh: Tà Giàng
Thời gian qua, tỉnh Hà Giang cũng đã ban hành nhiều chính sách tập trung cho phát triển nông nghiệp; du lịch; hỗ trợ kinh biên mậu dọc cửa khẩu biên giới quốc gia; từ đó phát động phong trào khởi nghiệp sôi nổi trong thanh niên, nông dân toàn tỉnh tham gia.
Đến nay, tỉnh đã hình thành vùng cam VietGAP, vùng dược liệu ở Quảng Bạ, Hoàng Su Phì; 4 vùng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm đặc hữu, 8 sản phẩm được công nhận và 21 sản phẩm dược liệu đã hình thành.
“Đó là kết quả cụ thể nhất, minh chứng cho việc phân định vùng lãnh thổ, liên kết liên vùng và khởi nghiệp tạo ra sản phẩm địa phương”, ông Vinh chia sẻ.
Đối với ngành nông nghiệp nói chung, tỉnh ủy Hà Giang cũng đề nghị nên đánh giá lại tiềm năng lợi thế từng vùng để có quy chế phối hợp liên vùng. Chương trình phối hợp tổ chức du lịch ở lòng hồ Na Hang hay chuỗi cam sành Hà Tuyên (Hà Giang và Tuyên Quang) là ví dụ cụ thể.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao những nỗ lực của Hà Giang trong thời gian qua. Ảnh: Nguyên Vỹ
Tiếp thu những đề nghị nêu trên, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, thời gian qua Hà Giang là một tỉnh khó khăn nhất nước nhưng đã tự tìm ra lối mở, và những bước đi đầu tiên đã có kết quả.
Những thành quả nổi bật trong năm 2017 cho thấy ngoài sự quyết tâm của nông dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị sẽ tạo ra động lực và cảm hứng để ngành nông nghiệp phát triển.
“Một trong những hạn chế trong năm qua là nhiều tỉnh thành còn lơ là chỉ đạo; cơ cấu lại nông nghiệp chưa đồng đều, triển khai còn lúng túng và kết quả chưa rõ ràng. Điều này cần khắc phục và cải thiện sớm trong thời gian tới”, Bộ trưởng nói. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn