Đây là bệnh kém tiêu hóa của dạ dày và ruột của gia súc non. Thường gặp nhất là bệnh ỉa phân trắng của heo con và bê nghé. Bệnh được chia làm 2 thể: thể đơn giản mang tính chất viêm cata thông thường và thể nhiễm độc do kế phát các vi trùng có sẵn trong đường ruột gây nên.
Giữ vệ sinh và cho heo con bú mẹ hợp lý ảnh: ST
Nguyên nhân có thể là do bản thân gia súc non như sự phát dục của bào thai kém. Do những đặc điểm sinh lý bộ máy tiêu hóa của gia súc non như dạ dày và ruột của heo con trong 3 tuần đầu chưa có khả năng tiết dịch vị, thức ăn trực tiếp kích thích vào niêm mạc mà tiết dịch, trong dịch vị chưa có HCl, hàm lượng và hoạt tính của men pepsin rất ít. Do hệ thống thần kinh của gia súc non chưa ổn định nên kém thích nghi với sự thay đổi của ngoại cảnh.
Hoặc do gia súc mẹ không được nuôi dưỡng đầy đủ khi mang thai. Trong thời gian nuôi con không được chăm sóc nuôi dưỡng tốt hoặc bị bệnh. Cho ăn nhiều thức ăn khó tiêu. Gia súc mẹ động dục. Ngoài ra, nguyên nhân gây bệnh còn do yếu tố chăm sóc, nuôi dưỡng; vệ sinh kém, gia súc non ít được vận động và tắm nắng, dẫn đến vi trùng dễ xâm nhập.
Khi bị bệnh, đầu tiên dạ dày giảm tiết dịch vị, nồng độ axit chlohydric giảm, làm giảm khả năng diệt trùng và giảm khả năng tiêu hóa protit. Khi độ kiềm trong đường tiêu hóa tăng cao tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn trong đường ruột phát triển mạnh, làm thối rữa các chất chứa trong đường ruột và sản sinh nhiều chất độc. Những sản phẩm trên kích thích vào niêm mạc ruột làm tăng nhu động, con vật sinh ra ỉa chảy. Khi bệnh kéo dài, con vật bị mất nước (do ỉa chảy) gây nên rối loạn trao đổi chất trong cơ thể như nhiễm toan (nhiễm độc axit) hoặc mất cân bằng các chất điện giải, làm cho bệnh trở nên trầm trọng, gia súc có thể chết.
Heo con: Heo con 5 - 25 ngày tuổi dễ mắc bệnh. Trong 1 - 2 ngày đầu mắc bệnh, heo vẫn bú và chạy nhảy như thường. Phân táo như hạt đậu xanh, nhạt màu. Sau đó phân lỏng dần, có màu vàng hoặc trắng, có bọt và chất nhầy, mùi tanh khắm. Con vật có bú hoặc bỏ bú, lông xù và dựng, da nhăn nheo, nhợt nhạt, đuôi dính đầy phân. Con vật bị bệnh 5 - 7 ngày, cơ thể kiệt sức dẫn đến chết, nếu gia súc qua khỏi thì chậm lớn, còi cọc.
Bê, nghé: Bê, nghé thường mắc bệnh này sau khi sinh ra 10 - 15 ngày, thậm chí còn sớm hơn. Con vật đi ỉa phân lỏng mùi chua nhưng vẫn bú và đi lại được. Sau vài ngày con vật biểu hiện rõ triệu chứng toàn thân như: sốt 40 - 410C, giảm ăn, thích nằm, phân lỏng, có màu hơi xanh, mùi tanh khắm, bụng chướng to, thở nông và nhanh, tim đập nhanh và yếu. Bệnh nặng gia súc có thể bị hôn mê, nhiệt độ hạ dần rồi chết.
Phòng bệnh bằng cách giữ vệ sinh và thực hiện chế độ ăn, bú hợp lý cho mẹ và con. Chữa bệnh bằng tẩy nhẹ, sát khuẩn đường ruột. Chú ý phòng chống lạnh, ẩm và bẩn cho gia súc non. Chăm sóc tốt gia súc cái khi mang thai, cho gia súc non tập ăn sớm, chú ý bổ sung vào khẩu phần khoáng vi lượng và vitamin. Với heo con cần bổ sung sắt tiêm để kích thích sinh trưởng và phát triển.
Cần thực hiện việc điều trị sớm và tích cực ngay khi phát hiện ra bệnh.
Bệnh heo con: Khi heo mới mắc bệnh cần hạn chế bú mẹ, có điều kiện thì tách riêng heo bị bệnh để theo dõi và điều trị bệnh. Kiểm tra lại vệ sinh chuồng trại và chế độ chăm sóc, chú ý đến nhiệt độ và ẩm độ chuồng nuôi. Dùng thuốc làm se niêm mạc ruột: cho uống các chất có tanin để làm se niêm mạc ruột và diệt khuẩn như nước lá ổi, quả hồng xiêm xanh, bột tanin, búp sim... Dùng kháng sinh cầm ỉa chảy (dùng một trong các loại kháng sinh sau):
Cho uống sulfaguanidin 0,5 - 1 g/con/ngày.
Neomycin cho uống 25 - 50 mg/kg TT/ngày, cho uống liên tục 3 - 4 ngày.
Spectam tiêm bắp 25 mg/kg TT, 2 lần/ngày, liên tục 3 ngày.
Dùng thuốc điều chỉnh sự cân bằng hệ vi sinh vật trong đường ruột: Cho uống B. subtilis.
Bệnh bê nghé: Cách ly riêng những con bệnh, hạn chế cho bú (thậm chí bắt nhịn bú 8 - 12 giờ) cho uống nước đường pha muối hoặc dung dịch orezol. Dùng kháng sinh để điều trị chống nhiễm khuẩn đường ruột (có thể dùng một trong các loại kháng sinh sau): Sulfaguanidin 0,1 - 0,2 g/kg TT, uống 2 - 3 lần/ngày, liên tục 3 - 5 ngày hoặc Biomycin 0,02 g/kg TT, cho uống 2 lần/ngày, liên tục 2 - 3 ngày.
Dùng thuốc tăng cường trợ sức, trợ lực: Glucoza 20% với liều 300 - 400 ml; Cafein natribenzoat 20%, 5 - 10 ml; Vitamin C 5% 10 ml
Tiêm chậm vào tĩnh mạch 1 lần/ngày.
Trường hợp bê nghé ỉa phân trắng do giun đũa cần phải dùng thuốc tẩy giun.
Gia súc non trong thời kỳ bú sữa có tốc độ phát triển về cơ thể rất nhanh, đòi hỏi phải cung cấp đầy đủ đạm, khoáng và vitamin. Trong khi đó sữa mẹ ngày càng giảm về số lượng và chất lượng, nếu không bổ sung kịp thời, gia súc non dễ bị còi cọc và nhiễm bệnh. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn