Sâu cuốn lá nhỏ và ốc bươu vàng xuất hiện nhiều
Gia đình bà Nguyễn Thị Vụ ở xóm An Lập xã Ngọc Lý (Tân Yên, Bắc Giang) cấy 4 sào lúa, trong đó có 2 sào giống lúa chất lượng cao theo hợp đồng với doanh nghiệp thu mua và 2 sào lúa BC 15 cho biết: “Lúa chỉ mới cấy được sang tuần thứ 3 nhưng đã thấy xuất hiện rất nhiều sâu cuốn lá và ốc bươu vàng. Chưa có năm nào sâu cuốn lá và ống bươu vàng lại xuất hiện sớm và nhiều như năm nay. Dù đã phải giặm đến lần thứ 2 rồi nhưng vẫn nhiều diện tích bị chết, có thể sẽ ảnh hưởng tới năng suất”- bà Vụ nói.
Còn ông Lê Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Phúc thì cảnh báo, ốc bươu vàng, sâu cuốn lá nhỏ, bọ xít… là các loại dịch hại thường xuất hiện ở nhiều nơi từ ngay đầu vụ cấy, nhưng năm nay do thời tiết ấm nên có nguy cơ bùng phát mạnh hơn. Do đó, các địa phương, cán bộ khuyến nông cần thường xuyên kiểm tra sát sao đồng ruộng để nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch.
Theo ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), thời tiết năm nay ấm hơn trung bình nhiều năm nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh sẽ rất cao. Đặc biệt là từ thời gian lúa làm đòng trở đi là thời điểm nguy cơ bị thiệt hại cao nhất, ảnh hưởng tới năng suất. Do vậy, Cục Trồng trọt đã có văn bản yêu cầu các địa phương cần tăng cường giám sát đồng ruộng, phát hiện sâu bệnh kịp thời, khoanh vùng để tiêu diệt sớm, không để lây lan, phát sinh thành dịch.
Đề phòng nhiều dịch bệnh cùng xuất hiện
Quan điểm Ông Ngô Tiến Dũng Ngoài việc các cán bộ địa phương tăng cường kiểm tra theo dõi sát sao đồng ruộng thì điều quan trọng hơn cả là phải tăng cường tuyên truyền, tập huấn để nâng cao nhận thức về phòng chống dịch bệnh cho người dân để tự người dân có các biện pháp phòng trừ dịch hại. |
Đối với bệnh rầy nâu, rầy lưng trắng, rầy xanh, dự báo diện tích nhiễm khoảng 260.000ha, trong đó nhiễm nặng 55.000ha, cao hơn trung bình các năm gần đây. Cục Bảo vệ thực vật cũng đưa ra dự báo đối với bệnh đạo ôn, trong đó đạo ôn lá có thể gây hại nặng từ giữa tháng 3 và cao điểm vào cuối tháng 4, đạo ôn cổ bông phát sinh gây hại trên lúa trỗ đến chắc hạt tại những vùng đã bị đạo ôn lá chưa được phòng trừ, vùng bị thiếu nước trong điều kiện trời âm u, mưa, ẩm.
Cục Bảo vệ thực vật cũng lưu ý, các địa phương cần tập trung theo dõi và phòng chống tích cực chuột phát sinh và gây hại tăng ngay từ đầu vụ (nhất là đối với vùng lúa gieo sạ và trên lúa giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng) và một số các bệnh khác như bạc lá, đốm sọc vi khuẩn… Ông Ngô Tiến Dũng – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, do thời tiết ấm nên sâu bệnh sẽ phát sinh phức tạp, đặc biệt từ giai đoạn lúa làm đòng trở đi. “Giải pháp phòng chống dịch bệnh là người dân không bón phân đạm kéo dài trong thời gian lúa làm đòng, vì giai đoạn này lúa rất mẫn cảm với dịch hại, hạn chế sử dụng thuốc giai đoạn đầu vụ để bảo vệ con thiên địch, các loại này sẽ ăn rầy nâu vào cuối vụ. Đồng thời, khi có dịch phải khoanh vùng dập dịch, tuỳ vào loại bệnh mà có phương án cụ thể. Ví dụ vùng sâu bệnh thì không nên bón thêm đạm, vì như vậy cây lúa phát triển mạnh lên, sâu bệnh cũng bùng phát theo”.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn