Ông Hà Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Khê, Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đánh giá: “Trong số các mô hình chuyển đổi sinh kế sau sự cố môi trường biển của xã Hải Khê thì mô hình trồng cỏ nuôi bò nhốt của anh Trần Quang Huấn là thành công nhất”.
Anh Trần Quang Huấn đang chăm sóc đàn bò của mình.
Cơ ngơi của anh Huấn rộng gần 0,5 ha với 2 dãy chuồng nuôi bò nhốt cùng với gần 8 sào cỏ VA06 trồng trên cát trắng. Anh Huấn cho biết, anh vốn là ngư dân, mưu sinh bằng thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Sau sự cố môi trường biển, thực hiện chủ trương chuyển đổi sinh kế của UBND xã, anh viết đơn xin cấp 0,5 ha đất cát trắng bỏ hoang để xây dựng mô hình trồng cỏ nuôi bò nhốt chuồng.
Sau khi được cấp đất, anh Huấn đã gom góp hết vốn liếng của gia đình, vay thêm tiền ngân hàng được gần 350 triệu đồng tập trung xây dựng chuồng trại, mua 10 con bò mẹ sinh sản. Để đảm bảo thức ăn cho bò, anh đã lên xã Cam Tuyền, Cam Lộ mua giống cỏ VA06 về trồng trên diện tích gần 8 sào. Đến nay, sau chưa đầy một năm, đàn bò của anh đã sinh sản thêm được 4 con bê và 2 bò mẹ sắp sinh.
Theo anh Huấn, trước đây khi nuôi theo hướng bán chăn thả, tận dụng nguồn cỏ tự nhiên sẵn có ở địa phương, bò thường chậm lớn, hay bị các bệnh như đầy bụng chướng hơi, tiêu chảy…do nguồn thức ăn không đảm bảo, trung bình mỗi con phải nuôi gần 2 năm mới có thể xuất bán. Từ khi chuyển sang mô hình trồng cỏ nuôi bò nhốt chuồng, anh thấy bò phát triển rất nhanh.
Việc trồng cỏ nuôi bò nhốt chuồng đem lại lợi ích nhiều mặt, đó là đỡ mất công cắt cỏ, không tốn thời gian chăn dắt, bảo đảm được nguồn cỏ sạch và chất lượng. Hơn nữa cỏ khi trồng tốt thì thu hoạch quanh năm, cứ cắt cuốn chiếu khoảng 30 - 40 ngày sau là có cỏ để cắt lại. |
Theo anh Huấn, trong quá trình nuôi, để bò phát triển nhanh và hạn chế dịch bệnh, cần bổ sung chất dinh dưỡng, tiêm vắc xin phòng bệnh như tụ huyết trùng, lở mồm long móng... Ngoài ra, người nuôi bò phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tạo môi trường sạch sẽ, thoáng mát cho bò.
Theo tính toán của anh Huấn, với 10 con bò mẹ sinh sản lai Zebu này ít nhất mỗi năm anh cũng thu được từ 60 - 80 triệu đồng. Ngoài nguồn lợi về kinh tế, nuôi bò nhốt còn tận dụng được nguồn phân bón cho các loại cây trồng.
Hiện anh đang lắp đặt hệ thống tưới nước tự động để tăng năng suất cho vườn cỏ, xin cấp thêm đất để trồng cây xoan nhằm chuẩn bị cho mô hình nuôi dê nhốt. Trồng thêm các loại cây trồng ngắn ngày khác như ném, mướp đắng, dưa hấu… để lấy ngắn nuôi dài.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Khê cho biết, hiện trên địa bàn xã có gần 50 hộ gia đình nuôi bò trên vùng cát với tổng đàn bò gần 300 con. Tuy nhiên hầu hết người dân nuôi theo hướng bán chăn thả, tận dụng nguồn cỏ tự nhiên có sẵn ở địa phương. Trong điều kiện các đồng cỏ tự nhiên ngày càng cạn kiệt, thực hiện đề án chuyển đổi kinh tế vùng cát sau sự cố ô nhiễm môi trường biển, UBND xã đã tiến hành quy hoạch khu chăn nuôi tập trung với diện tích 10 ha với 8 hộ đăng ký tham gia.
Hiện trên địa bàn xã Hải Khê đã có 2 mô hình nuôi bò nhốt chuồng, 1 mô hình nuôi lợn thịt và 1 mô hình nuôi gà đã đi vào hoạt động. Các hộ còn lại đang tiến hành xây dựng chuồng trại. Để thực hiện tốt các mô hình này bên cạnh việc hỗ trợ mỗi hộ từ 15 - 100 triệu đồng, UBND xã còn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Trạm Khuyến nông huyện mở các lớp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, cách trồng cỏ, làm chuồng trại, chăm sóc phòng trị bệnh cho gia súc, hỗ trợ công tác tiêm phòng.
"Thực hiện chủ trương chuyển đổi sinh kế sau sự cố môi trường biển, thời gian qua trên địa bàn xã đã có nhiều hộ mạnh dạn triển khai các mô hình chăn nuôi có giá trị kinh tế cao, trong đó có mô hình chăn nuôi của anh Trần Quang Huấn...", ông Hà Văn Hiếu-Phó Chủ tịch UBND xã Hải Khê. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn