Về tình hình sản xuất lúa vụ mùa, bà Nguyễn Thị Thoa - Trưởng phòng Trồng trọt Sở NNPTNT Hà Nội cho biết: “Thời tiết thuận lợi, thỉnh thoảng lại có mưa làm cho không khí dịu mát, nước đủ, mạ non nên lúa bén rễ hồi xanh rất nhanh.
Trà lúa cấy sớm từ 15 – 20.6 đã bắt đầu đẻ nhánh, do vậy sau cấy 10 ngày cần bón thúc và cào cỏ cho lúa. Đất trồng lúa chủ yếu là đất chua nên loại phân bón phù hợp là phân đa yếu tố NPK Văn Điển. Bón phân này giúp cây lúa tốt bền khỏe mạnh, ngoài giúp tăng năng suất và chất lượng còn làm cho cây lúa cứng cây chống đổ và hạn chế bệnh bạc lá thường gây hại nhiều trong vụ mùa”.
Phân đa yếu tố NPK Văn Điển chuyên dùng cho lúa có 2 loại: Phân bón lót và phân bón thúc. Loại phân bón lót NPK 6.11.2: 1 sào bón 20kg, bón trước khi bừa cấy hoặc bón xong cào một lượt trước khi cấy. Bón phân phải vùi sâu vào trong đất để rễ dễ hấp thu được phân bón và đỡ mất phân vì bón trên mặt ruộng thì phân đạm và kali hòa tan nhanh với nước, thời tiết nắng nóng, hay có mưa rào sẽ khiến phân bị bốc hơi và rửa trôi. Bón lót cũng không sợ mất phân vì khi bừa hoặc cào ruộng phân được vùi sâu, có tác dụng giữ phân rất tốt.
Phân đa yếu tố NPK Văn Điển 6.11.2 có thành phần các chất dinh dưỡng cao, với tỷ lệ nhiều lân (P2O5: 11%) phù hợp với giai đoạn đầu cây lúa cần nhiều lân để thúc đẩy phát triển bộ rễ và đẻ nhánh. Tỷ lệ canxi (CaO) cao: 20%, có tác dụng cải tạo đất chua và giúp phân hủy nhanh rơm, rạ chưa kịp mục nát vì vụ mùa gặt lúa xuân xong làm đất vội và cấy ngay.
Ông Đỗ Xuân Quân - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Thanh Oai chia sẻ: “Diện tích lúa đã cấy vụ mùa đa số được bón lót bằng phân đa yếu tố NPK Văn Điển, nhất là những diện tích đồng trũng. Qua từng vụ, diện tích sử dụng phân Văn Điển ngày càng tăng vì nông dân thấy cây lúa tốt bền, đẻ nhánh khỏe, khi thu hoạch cây óng, vàng lá gừng nên lúa đẫy hạt, sáng quả, năng suất cao”.
Có phân tốt nhưng phải bón đúng kỹ thuật mới đem lại hiệu quả, vì theo đánh giá của các nhà kỹ thuật thì hiện nay trong thâm canh lúa khâu làm sai nhất, gây lãng phí nhất là sử dụng loại phân bón và cách bón không thích hợp. Do nhiều năm qua đa số nông dân Hà Nội đã làm quen với phân Văn Điển và qua nhiều lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng phân bón NPK Văn Điển do công ty phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tổ chức, nên nhìn chung bà con đã bón phân đúng cách. Ông Mai Trung Trực - Chủ nhiệm HTX Dân Hòa, huyện Thanh Oai cho hay: “HTX bắt đầu cấy từ 22.6, đến nay cơ bản đã cấy xong 364ha lúa. Nhiều vụ qua, khoảng 70% diện tích lúa của HTX được bón NPK Văn Điển. Vụ mùa này hầu hết diện tích lúa đã bón lót phân NPK Văn Điển 20kg/sào. Hiện nay lúa trà đầu đã đẻ nhánh nên HTX chỉ đạo cần bón thúc ngay 7 - 8kg phân NPK Văn Điển 1 sào”.
HTX Đông Phương Yên (Chương Mỹ) mới làm quen với phân NPK Văn Điển từ năm 2013, nhưng đã có 1/3 diện tích lúa vụ mùa này được bón lót phân NPK Văn Điển. Ông Đỗ Văn Dũng - Chủ nhiệm HTX cho hay: “Đa số nông dân đã bón phân lót và phân thúc đúng kỹ thuật, nhưng vẫn còn một số hộ do sợ mất phân nên không bón lót, cá biệt vẫn còn diện tích bón thúc muộn: Lúa mùa sau cấy 15 - 20 ngày mới bón thúc. Thời gian này ban quản lý HTX thường xuyên tuyên truyền, phổ biến trên loa truyền thanh để khuyến cáo bà con sử dụng phân NPK Văn Điển và bón đúng kỹ thuật”.
Còn ông Nguyễn Duy Nam - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Chương Mỹ cho biết: “Vụ xuân vừa qua thời tiết âm u kéo dài nên bón phân NPK Văn Điển cho lúa càng phát huy hiệu quả vì trong phân có magiê giúp cây lúa tăng cường khả năng quang hợp. Ngoài ra phân còn có silic tăng khả năng kháng sâu bệnh, nên diện tích lúa bón phân NPK Văn Điển bệnh bạc lá giảm hẳn. Với kết quả như vậy nên diện tích bón phân NPK Văn Điển vụ mùa này tăng lên nhiều”.
Bón phân đa yếu tố NPK Văn Điển chuyên dùng loại bón lót và bón thúc cho lúa đủ số lượng sẽ không phải bón thêm một loại phân bón nào khác. Tính ưu việt của phân NPK Văn Điển bón cho lúa là lúa lên chậm nhưng tốt bền, thân lá màu xanh sáng, thoáng cây, đẻ nhánh khỏe, tỷ lệ bông hữu hiệu cao, lá đòng tươi vàng lá gừng đến lúc chín, bông to, hạt mẩy, năng suất tăng và hạn chế sâu bệnh.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn