Sắp đến vụ thu hoạch nhưng 600 trụ tiêu trồng cuối năm 2010 của gia đình chị Lê Thị Lan ở xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk) có biểu hiện chững lại rồi vàng lá và chết rất nhanh, hiện đã chết trên 400 trụ. Chị Lan cho biết, trước đây chị trồng 6 sào (1 sào Tây Nguyên = 1.000m2) càphê nhưng do càphê già cỗi, sản lượng sụt giảm nên chị phá bỏ, chuyển sang trồng tiêu. Cùng chung số phận, vườn tiêu của gia đình anh Lê Văn Dũng ở xã Quảng Phú (Cư M’gar- Đắk Lắk) cũng đã chết trên 100/300 trụ với triệu chứng tương tự. Theo anh Dũng, từ khi phát hiện vườn tiêu nhiễm bệnh, gia đình tìm mua thuốc khắp nơi để phun trừ nhưng bệnh không thuyên giảm. Không chỉ tại huyện Cư M’gar, TP. Buôn Ma Thuột, các địa phương khác trên địa bàn Đắk Lắk như Ea H’leo, Buôn Đôn, Cư Cuin… cũng xảy ra tình trạng tiêu chết hàng loạt. Theo phản ánh của người dân, khi có hiện tượng héo lá, khô dây, nhà vườn đã mua thuốc chuyên dùng phun lá, gốc nhưng vẫn không có kết quả. Tiêu chết hàng loạt cũng đang xảy ra trên địa bàn xã Đắk R’moan (TX. Gia Nghĩa - Đắk Nông). Đơn cử như gia đình chị Triệu Thị Thủy ở thôn Tân Hiệp có 1,5ha tiêu thì có trên 90% số cây bị rụng lá, thân bị khô. Trước đây, vùng đất này hầu như chỉ trồng càphê, gần đây thấy cây tiêu cho giá trị kinh tế cao nên nhiều người đã đầu tư trồng, nhưng lại không tuân thủ kỹ thuật trồng, chăm sóc dẫn đến tiêu bị bệnh và chết. Tình trạng “chặt-trồng, trồng-chặt” diễn ra như một căn bệnh khó chữa của nông dân. Việc chạy theo cái lợi trước mắt mà không tính đến những hệ lụy về sau khiến nhiều người rơi vào tình cảnh khốn đốn. Vì vậy, ngoài việc tìm biện pháp khắc phục tình hình dịch bệnh trên cây tiêu, ngành chức năng các tỉnh Tây Nguyên cần quy hoạch cụ thể vùng canh tác, đồng thời giám sát việc thực hiện quy hoạch để việc sản xuất đảm bảo tính bền vững. Bá Thăng Nguồn:kinhtenongthon.comv.n | ||
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn