Tàu cá của ngư dân rời cảng Sa Kỳ, Binh Châu, Quảng Ngãi ra khơi đánh bắt xa bờ (ảnh minh hoạ).
Cầu nhiều hơn cung
Đến nay, Quảng Nam có 112 hộ, nhóm hộ ngư dân trong tỉnh đăng ký đóng mới tàu thuyền đánh bắt xa bờ với tổng số 115 tàu (41 tàu vỏ thép và 74 tàu vỏ gỗ), vượt 24 chiếc so với chỉ tiêu Trung ương phân bổ. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh, để Nghị định 67 sớm được triển khai và thực hiện có kết quả, tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố ven biển tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung nghị định và các văn bản hướng dẫn liên quan đến các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức ngư dân, chủ tàu đăng ký đóng mới, nâng cấp tàu cá...
Tương tự, tại Quảng Trị, hiện nhu cầu đóng tàu xa bờ của ngư dân cũng đang gấp 6-7 lần chỉ tiêu. Theo số liệu từ Sở NNPTNT, nhu cầu đăng ký đóng mới, nâng cấp tàu công suất từ 400CV trở lên theo Nghị định 67 là trên 215 chiếc (phân bổ của Bộ NNPTNT là 32 chiếc). Còn các địa phương ven biển của tỉnh Phú Yên đã đăng ký đóng mới 58 tàu cá (trong đó có 43 tàu vỏ thép, 10 tàu composite, 5 tàu vỏ gỗ) và nâng cấp, cải hoán 37 tàu với tổng vốn đầu tư khoảng 642 tỷ đồng theo Nghị định 67.
Tỉnh Quảng Ngãi là một trong những địa phương được Bộ NNPTNT phân bổ số lượng đóng tàu mới theo Nghị định 67 nhiều nhất nước, với số lượng được giao 189 tàu, trong đó có 174 tàu đánh cá. Lần này, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể có lộ trình về thời gian, nguồn vốn vay, loại tàu... Theo đó, trong giai đoạn 2014 - 2016, tỉnh sẽ đóng mới 189 chiếc tàu đánh cá và dịch vụ hậu cần với kinh phí hơn 1.600 tỷ đồng, trong đó có 72 tàu vỏ gỗ, 117 tàu vỏ thép và vật liệu mới. Tỉnh này dự kiến sẽ làm từng bước và rất thận trọng, năm 2014 dự định đóng thí điểm 20 chiếc cho 4 ngành nghề, mỗi nghề 4 - 5 chiếc.
Chọn đúng đối tượng
Ngay sau khi Nghị định 67 được ban hành và liên tiếp các thông tư hướng dẫn được đưa ra (có hiệu lực thi hành từ 25.8.2014), các địa phương trong cả nước đã tổ chức hàng loạt các hội nghị để quán triệt thực hiện. Ông Nguyễn Hoài Nam - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Trị cho biết, Sở NNPTNT đã hướng dẫn và khẩn trương thống kê, rà soát lập danh sách nhu cầu vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá đúng đối tượng, có hoạt động đánh bắt hiệu quả, được chính quyền địa phương xác nhận, giới thiệu để vay vốn, trình UBND tỉnh phê duyệt...
Ghi nhận của phóng viên tại nhiều tỉnh, do nhu cầu vay vốn của ngư dân vượt quá chỉ tiêu được giao, các địa phương đang tính đến việc kiến nghị T.Ư điều chỉnh chỉ tiêu theo hướng tăng thêm số tàu gắn với giao quyền cho các ngân hàng thương mại thẩm định dự án, chủ động làm việc với các ngư dân có nhu cầu vay vốn đóng tàu xa bờ và chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ, thu hồi vốn vay.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Lê Văn Trúc cho biết, tỉnh sẽ thành lập hội đồng, tổ tư vấn, trong đó có ngân hàng nhằm thực hiện Nghị định 67 chặt chẽ, hiệu quả. Khi tổ tư vấn xem xét, có ý kiến thống nhất thì ngân hàng sẽ giải ngân, tránh tình trạng “tỉnh bảo được, ngân hàng bảo không”. Còn ông Phùng Tấn Viết - Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho hay, địa phương sẽ xây dựng bộ tiêu chí riêng; sẽ tự kiểm định năng lực tài chính và vốn vay của các doanh nghiệp và cá nhân có nhu cầu vay vốn đóng mới tàu...
Nhằm ngăn chặn “cò” vốn theo Nghị định 67, một số địa phương đang tích cực hướng dẫn bà con nộp các phương án sản xuất để giải ngân theo đúng quy định. Như tỉnh Khánh Hòa đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ; đồng thời tổ chức tập huấn cho 1.200 chủ tàu cá, thuyền trưởng tàu từ 90CV trở lên. “Nếu bà con được hướng dẫn cách đánh giá phương án sản xuất của mình thì “cò mồi” sẽ hết “đất sống””- một lãnh đạo của tỉnh này cho biết.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn