Vấn đề đặt ra cho người chăn nuôi cũng như các nhà hoạch định chính sách chăn nuôi là cần áp dụng các biện pháp nào để giảm chi phí thức ăn trong cơ cấu giá thành chăn nuôi ?
Các biện pháp thường được đề cập, đó là:
- Sử dụng con giống có tính năng SX cao với tăng trưởng và hiệu suất chuyển hoá thức ăn cao, chống chịu bệnh tật tốt (năm 1988 khối lượng gà thịt mới đạt 2 kg, nhưng ngày nay đã đạt 3 kg và trong 10 năm tới tốc độ tăng về khối lượng sẽ đạt 0,06%/năm - dẫn theo G. Gasperoni và T. Bentley-Beal, Novus International. Inc., 2010).
- Cân đối dinh dưỡng và đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng tối ưu để phát huy tối đa tiềm năng di truyền của con giống (chăn nuôi gà công nghiệp tiên tiến hiện nay cũng mới chỉ đạt 60% tiềm năng di truyền về hiệu suất chuyển hoá thức ăn và 70% về tốc độ tăng trưởng).
- Chế biến thức ăn để làm tăng lượng thu nhận, tăng tỷ lệ tiêu hoá hấp thu, tăng hiệu suất chuyển hoá thức ăn.
- Tận dụng các nguồn thức sẵn có, rẻ tiền của địa phương.
- Tạo điều kịên môi trường nuôi tối ưu, hạn chế tối đa các stress như nóng, lạnh, khí độc… Đặc biệt trong điều kiện nóng ẩm ở Việt Nam, hạn chế tối đa tác hại của stress nhiệt có ý nghĩa quyết định đến khả năng tăng hiệu suất lợi dụng thức ăn của con vật. Ở lợn con, stress nhiệt làm giảm 15-20% hiệu quả sử dụng thức ăn; ở lợn lớn, stress nhiệt làm giảm 25 - 30% hiệu quả sử dụng thức ăn (ở lợn con, nhiệt độ chuồng nuôi > 25oC và ở lợn lớn > 20oC đã gây stress nhiệt).
- Ngoài ra còn có một biện pháp có khả năng giảm thiểu chi phí thức ăn khá hiệu quả và đang được thế giới quan tâm, đó là thay đổi cơ cấu chăn nuôi theo hướng phát triển những động vật thực phẩm có hiệu suất chuyển hoá thức ăn cao, có chi phí tài nguyên nước và năng lượng hoá thạch thấp.
Hiệu suất chuyển hoá thức ăn được tính theo chỉ tiêu tiêu tốn thức ăn cho 1 kg thịt hơi; chỉ tiêu này khác nhau theo với loại động vật nuôi, thấp nhất ở cá, tiếp đến gà, lợn và cao nhất ở bò (xem bảng 1).
Như vậy nếu cơ cấu chăn nuôi chuyển theo hướng tăng tỷ lệ SX thịt gà (và các loại gia cầm khác) hay cá thì chi phí thức ăn sẽ thấp hơn so với SX thịt lợn hay thịt bò.
Ở nước ta, sản lượng thịt lợn hơi năm 2012 đạt khoảng 3.160.000 tấn, thịt gà 730.000 tấn và thịt trâu bò 380.000 tấn (theo báo cáo SX chăn nuôi giai đoạn 2010-2012, định hướng kế hoạch phát triển giai đoạn 2013 - 2015 của Cục Chăn nuôi - Bộ NN-PTNT).
Như vậy, trong cơ cấu chăn nuôi hiện nay thì sản lượng thịt lợn SX ra chiếm tỷ lệ cao nhất (74%), thịt gà đứng thứ hai (17%) và thịt trâu bò đứng thứ ba (9%). Tổng lượng thức ăn để SX cả ba loại thịt trên sẽ là 12.840.000 tấn (tính toán dựa theo lượng thức ăn tiêu tốn để SX 1 kg thịt hơi ở bảng 1).
Bảng 1: Tiêu tốn thức ăn trung bình cho 1 kg hơi
Động vật nuôi |
Tiêu tốn TA/kg hơi |
Thịt bò Thịt lợn Thịt gà Cá | 5,0 kg 3,0 kg 2,0 kg 1,7 kg |
Nếu thay đổi cơ cấu chăn nuôi theo hướng tăng tỷ lệ thịt gà lên 40%, thịt lợn giảm còn 50% và thịt trâu bò giữ khoảng 10% thì tổng lượng thức ăn để SX cả ba loại thịt trên sẽ chỉ còn là 11.956.000 tấn. Như vậy với cơ cấu chăn nuôi này mỗi năm có thể tiết kiệm được hơn 884.000 tấn thức ăn.
Chuyển cơ cấu chăn nuôi theo hướng tăng tỷ lệ sản lượng thịt gà không chỉ tiết kiệm thức ăn mà còn giảm tiêu thụ nước, quay vòng vốn nhanh nhờ tăng chu kỳ nuôi so với nuôi lợn hay bò (xem bảng 2).
Trong chăn nuôi lợn người ta cũng tìm cách giảm chi phí thức ăn bằng cách tăng năng suất sản xuất của đàn nái (tăng tỷ lệ đẻ, tăng số lứa đẻ trong năm, tăng số lượng lợn cai sữa tính cho một đầu lợn nái mỗi năm), từ đó giảm được số lượng lợn nái nhưng không làm giảm sản lượng thịt SX.
Các nhà quản lý chăn nuôi lợn của Trung Quốc tại Hội chợ Chăn nuôi EuroTier tổ chức ở Đức năm 2010 đã cho biết rằng: Hiện nay ở Trung Quốc mỗi đầu lợn nái mỗi năm chỉ SX được bình quân 13 lợn con cai sữa có thể xuất bán được, nếu tăng lên 2 lợn con cho mỗi lợn nái thì số lợn nái có thể giảm 6,7 triệu con mà vẫn không làm giảm sản lượng thịt lợn và có thể tiết kiệm 4 triệu tấn ngô trong thức ăn nuôi lợn nái mỗi năm.
Bảng 2: Nhu cầu nước và chu kỳ chăn nuôi
Động vật nuôi | Thức ăn (kg/kg thịt hơi) | Nước (lít/kg thịt hơi) | Chu kỳ sản xuất |
Bò Lợn Gà | 5,0 3,0 2,0 | 15,4 5,0 3,6 | 18 tháng 180 ngày 40 ngày |
(Nguồn: Paul Aho; Novus International, INC., 2010)
Các nhà chuyên môn Trung Quốc còn có dự án tăng năng suất SX của lợn nái lên 20 lợn cai sữa/lợn nái/năm (mức tiên tiến của thế giới là 24,4 con) để mỗi năm tiết kiệm 10,5 triệu tấn ngô (dẫn theo www.wattagnet.com).
Ở nước ta, tỷ lệ lợn nái chiếm khoảng 16% so với tổng đàn, nếu tăng số đầu lợn con cai sữa cho mỗi lợn nái lên 2 - 3 con, tỷ lệ lợn nái có thể giảm xuống còn 13 - 14% và lượng thức ăn cũng có thể tiết kiệm trên nửa triệu tấn mỗi năm.
Thay đổi cơ cấu chăn nuôi theo hướng tăng tỷ lệ đàn gia cầm, giảm tỷ lệ đàn lợn đang là xu thế của thế giới. Tỷ lệ thịt gà, thịt lợn và thịt bò trong tổng sản lượng thịt mà thế giới SX năm 1998 lần lượt là 28,5; 43 và 28,5% thì đến năm 2030 các tỷ lệ này sẽ là 40; 35 và 25% (theo số liệu của FAO và Hiệp hội Hợp tác Quốc tế Nông lâm nghiệp của Nhật Bản, 2010).
Theo kết quả điều tra thức ăn toàn cầu của Alltech năm 2013 thì trong tổng lượng thức ăn công nghiệp là 959 triệu tấn thì thức ăn cho gia cầm chiếm cao nhất (42,85%), tiếp đến là thức ăn cho loài nhai lại (26,48%), lợn (22,73%) và các loại khác (7,94%).
Thay đổi có cấu chăn nuôi theo hướng tăng tỷ lệ sản lượng thịt gia cầm và giảm tỷ lệ sản lượng thịt lợn làm giảm chi phí thức ăn, giảm tiêu hao nguồn nước mà không làm xáo trộn thói quen ăn uống của người tiêu dùng. Trong chăn nuôi gia cầm nếu đưa được đàn gia cầm đẻ trứng lên để mỗi một nhân khẩu có được 100 quả trứng/năm (hiện nay là 80 quả/năm) thì còn tăng thêm được nguồn protein trong bữa ăn, ngoài nguồn protein của thịt lợn thịt gà.
Cần lưu ý rằng trứng là nguồn thức ăn bổ sung protein và vi chất dinh dưỡng quý cho mọi người, từ già đến trẻ, từ ngươì khoẻ đến người bênh, từ người giầu đến nghèo ở khắp mọi vùng đất nước.
GS VŨ DUY GIẢNG
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn