|
Hiện nay, giá trứng gà công nghiệp bán ra tại các trang trại chỉ còn trung bình từ 600 - 900 đồng/quả, giá thịt gà từ 40.000 đồng/kg rớt xuống 27.000 -28.000 đồng/kg.
Dùng dịch cúm để ép giá?
Sáng 25.2, ông Nguyễn Ngọc Khoa, chủ trại gà đẻ ở Hố Nai (Đồng Nai), cho biết: “Gia đình tôi vừa bán hơn 70.000 quả trứng gà cho các thương lái ở TP.HCM và một số tỉnh lân cận với mức giá chỉ còn 600 - 900 đồng/quả. So với hồi đầu tháng 2, mỗi quả trứng đã giảm 400 đồng, giá này tôi sẽ lỗ từ 450 - 500 đồng/quả”.
Nhiều người chăn nuôi khác cũng cho biết họ được các thương lái, nhất là một số doanh nghiệp kinh doanh trứng gia cầm tại TP.HCM giải thích rằng dịch cúm gia cầm tác động rất lớn đến thị trường, người dân e sợ không dám ăn trứng nên giá giảm sâu. Điều đáng nói là những thông tin này đã được "bóng gió" tung ra từ khá lâu trước đó. “Họ giải thích thì chúng tôi biết vậy thôi vì nếu không bán cho họ thì biết đổ trứng đi đâu”, bà Hải - chủ trại gà đẻ ở TP.Tân An (Long An) cho biết. Với giá bán chưa đến 1.000 đồng/trứng, mỗi ngày gia đình bà Hải đang bị âm tới 12 triệu đồng để duy trì đàn gà đẻ hơn 60.000 con. “Đó là tui chưa tính tiền công cán, thuốc men, khấu hao gà giống bởi trước đây phải bỏ ra 150.000 đồng/con nhưng nay bán gà xác chỉ được 60.000 đồng!”, bà Hải nói thêm.
Giá trứng giảm, giá gà thịt còn giảm thê thảm hơn vì người chăn nuôi gà đã chịu lỗ suốt nhiều tháng nay. Ông Nguyễn Văn Ngọc, chủ trại gà ở H.Vĩnh Cửu (Đồng Nai), bộc bạch: “Tình hình tiêu thụ gia cầm sa sút hẳn từ khi có thông tin dịch bệnh. Giá gà lông tam hoàng bình thường trên 40.000 đồng/kg hiện nay đã giảm còn 27.000 - 28.000 đồng/kg nhưng vẫn ít người mua”. Nhiều chủ trang trại nuôi gà tam hoàng tại Đồng Nai cũng than thở vì gà hiện đang dồn ứ quá nhiều, không bán được. Thương lái chỉ trả 27.000 đồng/kg vẫn phải bán. Với mức giá này, người chăn nuôi lỗ từ 10.000 - 12.000 đồng/kg.
Cần công bố các cơ sở chăn nuôi an toàn
Ngày 25.2 Sở NN-PTNT TP.HCM đã họp về công tác phối hợp với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh để phối hợp phòng chống dịch và kiểm soát gia cầm an toàn. Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM Phan Xuân Thảo nhận định: “Mặc dù TP.HCM và các tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong công tác phòng chống dịch bệnh nhưng đến nay việc cung cấp thông tin kiểm dịch xuất tỉnh chưa được thực hiện thường xuyên, vẫn còn tình trạng giết mổ vịt không theo dây chuyền công nghiệp, giết mổ gà và vịt trong cùng một cơ sở giết mổ, là nguy cơ lây nhiễm vi rút cúm từ vịt sang gà tại cơ sở giết mổ rất cao”. Chi cục Thú y TP.HCM đề nghị các tỉnh nên kịp thời cung cấp thông tin dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, đặc biệt khi xảy ra ổ dịch ở vùng giáp ranh, cung cấp danh sách các cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung an toàn dịch bệnh để phối hợp kiểm tra giám sát khi TP tiếp nhận nguồn gia cầm đưa vào giết mổ.
Để phòng chống dịch cúm gia cầm hiệu quả và tránh tình trạng người chăn nuôi bị thương lái ép giá, việc công bố rộng rãi các cơ sở chăn nuôi an toàn hiện đang rất cần thiết.
Chiều 25.2, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, Phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) Đàm Xuân Thành, cho biết cả nước đang có 67 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 ở 21 tỉnh thành phố, làm chết trên 63.000 gia cầm. Nhưng hiện tại chỉ có 9 địa phương tiến hành công bố dịch. Qua theo dõi từ sau tết đến nay, trung bình mỗi ngày cả nước phát sinh thêm 2 ổ dịch mới. Cũng tại cuộc họp, đại diện các ngành cho rằng nhiều địa phương chậm, thậm chí không công bố khi có dịch cúm gia cầm gây khó khăn trong kiểm soát, ngăn chặn tình trạng vận chuyển gia cầm, làm gia tăng khả năng lây lan bệnh dịch giữa các địa bàn. Bên cạnh đó, ông Vũ Ngọc Long, Phó trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết diễn biến dịch cúm A/H7N9 ở Trung Quốc vẫn rất phức tạp. Đến ngày 25.2, Trung Quốc có 365 người nhiễm vi rút cúm A/H7N9, trong đó 116 người đã tử vong. P.Hậu |
Quang Thuần
Theo thanhnien.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn