Với quỹ đất hạn hẹp, địa điểm chăn nuôi xen lẫn khu dân cư, người dân xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy (Nam Định) khó có thể mở rộng quy mô chuồng trại để tăng số lượng đàn gia súc, gia cầm do ảnh hưởng đến môi trường sống của cộng đồng.
Ông Cao Xuân Chiến, Phó chủ tịch UBND xã Giao Tiến chia sẻ: “Mặc dù là một xã thuần nông, đời sống của người dân phụ thuộc vào SX nông nghiệp là chính, nhưng so với mặt bằng chung, hoạt động chăn nuôi của xã lại rất yếu.
Theo số liệu thống kê, cả xã chỉ có khoảng 12 gia trại với quy mô rất khiêm tốn (từ 30 - 50 con lợn hoặc 500 - 1.000 con gà), còn lại là chăn nuôi nhỏ lẻ 1 - 2 lợn nái và dưới 100 con gà, vịt. Rà soát các thôn trong xã không tìm thấy nổi 1 trang trại. Tổng đàn trâu, bò cũng dưới 200 con".
Giải thích về nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, ông Chiến cho rằng quỹ đất của địa phương hạn hẹp, lại đông dân.
Do đó, các hộ gia đình thường tận dụng khoảng vườn trống trong nhà để xây dựng chuồng trại. Nếu chăn nuôi với số lượng lớn thì phải có giải pháp xử lý chất thải rắn do gia súc, gia cầm thải ra môi trường.
Đây là bài toán khó, bao nhiêu năm qua địa phương vẫn loay hoay tìm hướng giải nhưng chưa có kết quả. Bên cạnh đó, một vài năm trở lại đây, giá cả thực phẩm gia súc, gia cầm trên thị trường xuống thấp và bấp bênh, nhiều hộ không mặn mà chăn nuôi.
Thực tế có không ít hộ chăn nuôi quy mô từ 30 con lợn trở lên chưa đầu tư xây dựng được hệ thống xử lý chất thải hiệu quả.
"Hiện tại nhiều hộ vẫn chưa có đủ kiến thức về xử lý chất thải trong chăn nuôi, đặc biệt là tính năng và cách vận hành công trình khí sinh học, vì thế họ chưa dám đầu tư xây dựng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ thu thập tài liệu và phát lên loa phát thanh của xã về các giải pháp xử lý chất thải chăn nuôi để người dân được tiếp cận những thông tin bổ ích", ông Cao Xuân Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Giao Tiến. |
Nguồn nước thải chăn nuôi thường đổ trực tiếp ra kênh mương dẫn đến những tác động tiêu cực về môi trường. Đối với lượng phân thải lớn, người chăn nuôi thường trộn bùn hoặc rơm để ủ. Tuy nhiên, quỹ đất để đào hố ủ phân cũng là vấn đề nan giải.
Bà Nguyễn Thị An, một hộ chăn nuôi lợn quy mô nhỏ (2 lợn nái) ở thôn Quyết Thắng, xã Giao Tiến chia sẻ: “Đợt này giá lợn khoảng 50.000 đ/kg hơi, như vậy là nông dân có lãi. Lâu nay gia đình tôi rất muốn xây thêm chuồng để tăng số lợn nái lên khoảng 6 con lấy giống nuôi lợn thương phẩm.
Đáng tiếc là khu đất chăn nuôi bị kẹp giữa khu dân cư. Tôi tính đầu tư xây bể biogas nhưng không biết phải vận hành như thế nào? Tốn bao nhiêu tiền? Thời gian sử dụng được bao nhiêu năm và hiệu quả ra sao? nên cứ ngần ngừ không làm”.
Tại xã Giao Tiến, đã có những hộ chăn nuôi xây dựng công trình khí sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi. Tuy nhiên do chưa tính toán hợp lý kích cỡ của hầm chứa biogas so với lượng phân chuồng gia súc, gia cầm thải ra, nên hiệu quả hoạt động chưa cao.
Ông Hoàng Văn Quyền, xóm 2, thôn Hùng Tiến cho biết: "Năm 2000, gia đình tôi xây dựng khu chuồng nuôi lợn quy mô 40 con, sử dụng hầm chứa biogas thể tích 9 m3 để xử lý chất thải rất hiệu quả. Đến năm 2005, tôi tiếp tục xây thêm 4 gian chuồng để mở rộng quy mô chăn nuôi.
Khi ấy, tôi cứ nghĩ hầm biogas của gia đình đủ sức chứa và xử lý lượng phân thải phát sinh từ 40 con lợn nên không xây thêm hệ thống xử lý chất thải. Thực tế, hầm biogas luôn trong tình trạng quá tải do kích cỡ quá nhỏ, phân không đủ thời gian lắng và phân hủy nên khi thải ra ngoài vẫn có mùi hôi thối rất khó chịu. Mỗi khi có gió tạt vào hàng xóm lại chạy sang than vãn".
Ông Quyền dự tính sẽ xây thêm hầm biogas để giải quyết dứt điểm lượng phân thừa, tuy nhiên vì lợi nhuận từ nuôi lợn những năm gần đây không cao, có thời điểm còn thua lỗ, vì thế để huy động khoảng 10 triệu để xây hầm biogas là một bài toán khó.
Theo Nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn