Điểm đặc biệt, năng suất của hầu hết các giống tham gia thí nghiệm, khảo nghiệm đều cao hơn giống đối chứng Bắc thơm 7.
Định hướng của Sở NN-PTNT Nam Định, trong thời gian tới là bổ sung vào cơ cấu giống lúa của tỉnh các giống có khả năng chịu mặn, hạn cao, nhất là những giống lúa lai cao cây ở vùng ven biển.
Biến đổi khí hậu đe dọa
Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã tác động trực diện đến SX nông nghiệp và sinh kế của người dân. Ông Nguyễn Sinh Tiến, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN-PTNT Nam Định) chia sẻ: Ở Nam Định, hàng năm có khoảng 38.000 ha đất canh tác tại các huyện ven biển (Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Trực Ninh) bị ảnh hưởng do xâm thực mặn và triều cường.
Trong đó, có trên 12.000 ha bị ảnh hưởng mặn nặng (độ mặn trong đồng phổ biến từ 1,2 - 3‰) nên việc canh tác lúa gặp vô vàn khó khăn, nhất là trong vụ xuân. Năng suất lúa ở những nơi này thường giảm 20 - 30% so với những nơi khác, trong khi các chi phí thủy lợi lại cao hơn.
Riêng tại Hải Hậu, 16% diện tích có số đất âm 0,3 m so mực nước biển. Nước mặn xâm nhập sâu vào lục địa qua hệ thống sông Ninh Cơ, sông Sò từ 15 - 20 km. Nước mặn leo cao thông qua mạch nước ngầm (cao điểm vào tháng 3, tháng 4 hàng năm). Thậm chí, ở Thịnh Long, mặn còn có thể xâm nhập qua không khí.
Theo ông Mai Văn Quyết, Phó chủ tịch UBND huyện Hải Hậu: Khoảng 3.000 ha lúa cần phải được cải tạo trong thời gian ngắn. Điều đó ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lúa. 4 năm qua, đã có 200 ha đất trồng lúa kém hiệu quả phải chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản.
Là tỉnh được lựa chọn triển khai dự án ClimaViet: “Biến đổi khí hậu và tác động đến SX lúa tại Việt Nam: Thử nghiệm giải pháp tiềm năng về thích ứng và giảm thiểu”, do Đại sứ quán Na Uy tài trợ, Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đã xây dựng hai mô hình khảo nghiệm tính chịu mặn của các giống lúa mới trong điều kiện đồng ruộng tại thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu và thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng. Độ mặn dao động ở hai vùng từ 2 - 3,5‰. 5 giống lúa khảo nghiệm là Thái Xuyên 111 (TX111), M14, M15, LTH134 và Bắc thơm 7 (đối chứng) với cùng một điều kiện chăm sóc trong vụ xuân và vụ mùa năm 2014.
“Việc bước đầu xác định được giống lúa lai TX111 thích ứng tốt với đặc điểm nhiễm mặn tại đồng ruộng ở các huyện ven biển của Nam Định là một tín hiệu tốt, giúp tỉnh có thêm cơ sở để điều chỉnh cơ cấu giống phù hợp với điều kiện đồng ruộng. Tuy nhiên, TX111 là giống lúa của Trung Quốc, giá lúa giống đắt gấp 3 lần giá lúa giống thông thường. Vì thế, tôi mong muốn các cơ quan trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và Đại sứ quán Na Uy tiếp tục hỗ trợ Nam Định tìm ra các giống lúa và biện pháp hữu hiệu hơn trong canh tác lúa để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và nâng cao thu nhập cho nông dân”, ông Đỗ Hải Điền, PGĐ Sở NN-PTNT Nam Định.
Các giống M15, TX111 bị khô đầu lá và cuốn lá nhẹ (từ điểm 1 đến điểm 3) trong điều kiện đồng ruộng ở các điểm nghiên cứu, chứng tỏ những giống này có khả năng chịu mặn tốt hơn các giống khác. Các giống lúa còn lại đều bị khô đầu lá ở mức cao hơn trong giai đoạn từ 15 - 30 ngày sau cấy (từ điểm 3 đến điểm 5).
TX111 dẫn đầu
Điểm đặc biệt, năng suất của hầu hết các giống tham gia thí nghiệm, khảo nghiệm đều cao hơn giống đối chứng Bắc thơm 7.
Tại Nông trường Rạng Đông, năng suất thực thu của các giống thí nghiệm dao động từ 6,60 - 8,02 tấn/ha trong vụ xuân và 4,56 - 5,91 tấn/ha trong vụ mùa.
Ở vụ xuân, giống TX111 có năng suất cao nhất, sau đó đến các giống M15, M14, LTH134. Thấp nhất là giống đối chứng Bắc thơm 7; vụ mùa chỉ có giống TX111 và giống M14 có năng suất cao hơn giống đối chứng Bắc thơm 7.
Tại thị trấn Thịnh Long, năng suất thực thu của các giống thí nghiệm dao động từ 5,26 - 6,22 tấn/ha trong vụ xuân và 4,01 - 5,88 tấn/ha trong vụ mùa. Ở vụ xuân, giống TX111 có năng suất cao nhất, sau đó đến các giống LTH134, M15, Bắc thơm 7, giống M14 cho năng suất thấp nhất. Vụ mùa chỉ có TX111 là giống có năng suất cao nhất, M14, M15 có năng suất tương đương đối chứng Bắc thơm 7, giống LTH134 có năng suất thấp nhất.
Bà Nguyễn Thị Phương, đại diện nhóm thực hiện dự án cho biết: "Chúng tôi bước đầu xác định được 3 giống lúa TX111, M15, LTH134 có khả năng chịu mặn khá (trong cả điều kiện đồng ruộng), sinh trưởng và phát triển bình thường, cho năng suất cao hơn giống đối chứng Bắc thơm 7 trong điều kiện mặn trên đồng ruộng ở Nghĩa Hưng, Hải Hậu".
Lúa xuân - lúa chét - cây vụ đông
Ngoài việc nghiên cứu các giống lúa chịu mặn; nghiên cứu hiệu quả của phân đạm, phân hữu cơ tới sinh trưởng của cây lúa và giảm phát thải khí nhà kính; một trong những hợp phần quan trọng của dự án là “Nghiên cứu các công thức chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở vùng nhiễm mặn” cũng được Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và khuyến nông tiến hành.
3 công thức được đưa ra thí nghiệm. Thứ nhất: lúa xuân - lúa mùa - bỏ hóa (đối chứng). Thứ hai: lúa xuân - lúa mùa - cây vụ đông. Thứ ba: lúa xuân - lúa chét - cây vụ đông sớm. Kết quả cho thấy giống TX111 ở công thức thứ 1, thứ 2 có năng suất thực thu cao nhất, đạt từ 5,45 - 5,46 tấn/ha. Giống TX111 ở công thức thứ 3 (lúa chét) cho năng suất thực thu đạt thấp nhất đạt 41,2 tạ/ha.
Tuy nhiên, năng suất thực thu ở cơ cấu thứ 2 thấp hơn ở cơ cấu thứ 3 là 2,3 tạ/ha, do trong cơ cấu thứ 3, cây đậu tương được gieo trồng sớm hơn nên tránh được đợt mưa nhiều trong tháng 9 của năm nên tránh được hiện tượng đóng váng, thối hạt làm giảm tỉ lệ nảy mầm của hạt.
Khi so sánh hiệu quả kinh tế ở các cơ cấu cây trồng trong 1 năm cho thấy: Lãi ròng đạt được ở công thức thứ 3 (lúa xuân - lúa mùa (lúa chét) - cây đậu tương đông) đạt cao nhất là 36.787.800 đồng/ha, thấp nhất là cơ cấu đối chứng, chỉ đạt 19.870.000 đồng/ha.
Như vậy, khi áp dụng phương pháp trồng lúa tái sinh (lúa chét) đã rút ngắn được thời vụ SX lúa trong vụ mùa, SX vụ đông sớm gặp nhiều thuận lợi hơn, đem lại hiệu quả cao hơn SX lúa thông thường trong vụ mùa.
Theo: nongnghiep.vn