Hiện nhiều địa phương không có nguồn kinh phí để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp làm cánh đồng lớn.
Mặc dù đã triển khai trong nhiều vụ nhưng việc thực hiện xây dựng cánh đồng lớn (CĐL) lúa gạo ở ĐBSCL vẫn còn ngổn ngang trăm mối, nhiều vấn đề cũ vẫn chưa giải quyết được.
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT tại Hội nghị Sơ kết thí điểm triển khai liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo vụ hè thu 2014 và kế hoạch thực hiện vụ đông xuân 2014-2015 (tổ chức tại Long An ngày 8.9), vụ hè thu 2014 ở ĐBSCL đã có tổng cộng 101 doanh nghiệp (DN) tham gia ký hợp đồng sản xuất và bao tiêu lúa gạo cho nông dân với tổng diện tích là 77.420ha. Tuy nhiên diện tích thực hiện thành công hợp đồng (DN đã thu mua lúa của nông dân) chỉ được 42.605ha, đạt 55%.
Ai hỗ trợ?
Mặc dù đã có Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 25.10.2013 về các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản, xây dựng CĐL nhưng theo các địa phương, DN phản ánh cho đến giờ các chính sách hỗ trợ này vẫn chưa đến được địa phương, DN và nông dân tham gia CĐL.
Ông Trần Quang Củi - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang nêu thắc mắc: “Quyết định 62 có quy định hỗ trợ cho nông dân tham gia CĐL 30% tiền mua giống xác nhận và hỗ trợ HTX, tổ hợp tác 50% chi phí thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, thuê máy...
Rồi hỗ trợ cho DN xây kho, tăng năng lực sấy, hạ tầng làm CĐL. Tất cả nguồn kinh phí hỗ trợ này đều do trung ương rót xuống. Thế nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy tiền đâu? Bộ Tài chính vẫn chưa có thông tư hướng dẫn. Điều này làm cho địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy phát triển CĐL”.
Ông Lê Đức Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) cho biết, Chính phủ không có kinh phí hay nguồn quỹ riêng hỗ trợ cho việc xây dựng CĐL.
Cụ thể, theo Quyết định 62, ngân sách T.Ư hỗ trợ các địa phương thông qua các chương trình, dự án trực tiếp và lồng ghép các chương trình, dự án có liên quan). Các địa phương sử dụng ngân sách địa phương, nguồn hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác, quyết định mức hỗ trợ cụ thể cho nông dân, các tổ chức đại diện nông dân...
Về yêu cầu này, đại diện các địa phương đều phản ánh rằng họ không thể đảm đương nổi. Ông Nguyễn Thanh Truyển - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Long An nói: “Năm nay chúng tôi mới chỉ hỗ trợ cho bà con 30% tiền giống làm 4.000ha/7.350ha CĐL đã mất hết 3,5 tỷ đồng.
Tiền hỗ trợ thuốc BVTV còn nhiều gấp mấy lần, địa phương đã phải “ngó lơ” vì không có đủ tiền hỗ trợ. Trong khi đó theo kế hoạch, Long An sẽ tiến tới làm đến 60.000ha CĐL thì thử hỏi tiền đâu mà địa phương hỗ trợ theo Quyết định 62?”.
Ông Đoàn Ngọc Phả - Phó Giám đốc Sở NNPTNT An Giang cũng thừa nhận tỉnh này không có đủ kinh phí để hỗ trợ nông dân, DN làm CĐL. “Theo tôi chúng ta nên làm trước việc hỗ trợ giống xác nhận để khuyến khích bà con sử dụng giống xác nhận đảm bảo chất lượng trồng lúa trong CĐL” – ông Phả kiến nghị.
Ngoài ra, những vấn đề cũ còn tồn đọng như nông dân “bẻ kèo” bán ra ngoài khi giá cao hơn, DN không có đội ngũ kỹ thuật và nhân lực để đi thu mua, DN không có đủ tài lực để hỗ trợ vật tư đầu vào cho nông dân; năng lực sấy, kho bãi còn thiếu... cho đến nay vẫn chưa giải quyết được.
Đối sách “mềm” và “cứng”
Ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty TNHH Trung An (Cần Thơ) cho biết, công ty đã thực hiện CĐL được 9 vụ và làm khá tốt, diện tích năm sau luôn cao hơn năm trước. Hiện công ty làm được khoảng 5.500ha CĐL trong năm 2014.
Ông Bình chia sẻ, để hợp đồng không bị bẻ kèo nên được ký kết giữa 3 bên- đại diện nông dân (tổ hợp tác, HTX), DN và ủy ban xã, huyện (với vai trò là người làm chứng). “Ngoài ra, DN phải thu mua lúa gạo với giá cao hơn thương lái, nếu không mua hơn dứt khoát đừng làm CĐL”– ông Bình nhấn mạnh.
Còn giải quyết đội ngũ thương lái, theo ông Bình phải vừa “mềm” vừa “cứng”. “Mềm” là phải phối hợp với họ để đi thu mua cho DN nhằm giải quyết bài toán nguồn nhân lực mà DN đang thiếu khi phải thu mua trên một diện tích lớn và đồng loạt.
Còn “cứng” là khi thương lái nhào vô mua phá giá thì DN nên để cho Ủy ban xã, huyện đứng ra gặp gỡ nông dân và thương lái, trên tinh thần là đồng ý cho thương lái thu mua với giá cao cho bà con nông dân.
Tuy nhiên vì đây là khu vực đang làm CĐL nên Ủy ban sẽ đề nghị thương lái đó thu mua hết diện tích CĐL này (từ 100 - 500ha tùy từng cánh đồng) chứ không cho phép họ chỉ mua có một vài hộ.
“Nếu họ có đủ lực mua hết CĐL đó thì quá tốt, còn nếu chỉ mua có vài hộ để phá giá thì khi yêu cầu mua hết cánh đồng họ sẽ “biến” ngay. Mình tổ chức họp công khai như thế cũng để cho bà con thấy thực chất ai mới là người gắn bó lâu dài với họ. Nhờ đó bao năm nay doanh nghiệp chúng tôi thực hiện CĐL chưa có hộ nông dân nào bẻ kèo” – ông Bình tự hào nói.
Ông Phạm Văn Bảy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định: Vấn đề liên kết với nông dân, ký hợp đồng CĐL sẽ thực hiện tốt nếu kéo vai trò của Hội Nông dân vào. Xã nào cũng có Hội Nông dân, có vấn đề gì nhờ Hội đứng ra làm trung gian giải quyết thì mọi việc sẽ ổn thỏa...
Theo Bộ NNPTNT, vụ đông xuân 2014-2015, diện tích dự kiến làm CĐL ở ĐBSCL là 91.692ha, tăng 17.692ha so với vụ đông xuân 2013-2014.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn