Khoảng cách giữa 2 hàng là 4 mét. |
Mô hình này không trồng thanh long theo cách truyền thống là trồng từng trụ, mà trồng theo hình thức dây leo từng giàn, vừa tiết kiệm diện tích, hiệu quả kinh tế cao hơn so với truyền thống.
Mô hình này đang được triển khai tại huyện Bắc Bình, huyện Hàm Tân và huyện Hàm Thuận Nam. Thanh long trồng theo phương pháp treo giàn theo hướng công nghệ cao, nhằm tăng tối đa hiệu quả trên một diện tích, tăng sản phẩm đầu ra và thuận lợi cho việc làm cỏ, bón phân, thu hái.
Theo tính toán, trồng theo hướng treo giàn thì 1 ha đất có thể trồng gần 3.000 trụ thanh long, gần gấp 3 lần so cách trồng theo trụ truyền thống. Tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Đông Á đã triển khai 1,5 ha trồng thanh long giàn; diện tích thanh long này nằm trong dự án với quy mô 60 ha của công ty. Khoảng cách giữa 2 hàng là 4 m, khoảng cách giữa các trụ bê tông là 3 m, ở giữa các trụ có thêm 3 trụ phụ giúp cây thanh long phát triển, leo theo giàn. Năng suất thanh long đạt bình quân khoảng 60 tấn/ha, gấp đôi bình thường.
Mô hình canh tác sử dụng hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ, tạo ra sản phẩm sạch, không sử dụng thuốc hóa học… Hiện tại một đối tác ở bên nước Úc đã chấp nhận và công nhận sản phẩm thanh long của công ty là thanh long Oganic (thanh long sạch).
Để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng mô hình mới một cách toàn diện, tỉnh ta đang hình thành vùng sản xuất thanh long theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghiệp cao với quy mô 10.000 ha, tại 2 huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc. Với những tín hiệu tích cực bước đầu, Bình Thuận hứa hẹn sẽ tạo ra một nền nông nghiệp sạch, phát triển nhanh và không gây tổn hại đến môi trường.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn