Khởi nghiệp từ trồng rau
Mở đầu câu chuyện nói về những khó khăn vất vả khi quay trở lại Mường Mùn làm kinh tế anh Chuyên chia sẻ: “Trong cuộc đời tôi chưa có khó khăn nào là chưa trải qua, trước đây 2 vợ chồng bán hàng ăn ở huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, nhưng làm không đủ ăn, con cái nheo nhóc. Tôi bàn với vợ về quê Vĩnh Phúc làm ăn, nhưng bàn đi tính lại, về quê đất chật người đông, mình không có vốn, lấy gì mà sống. 2 vợ chồng quyết định đưa các con về quê vợ tại xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo tìm kế sinh nhai”.
"Khởi nghiệp" từ trồng rau, sau 3 năm anh Chuyên đã chuyển hướng sang nuôi giống gà đen Tùa Chùa có chất lượng thịt thơm ngon, được khách hàng ưa chuộng
Ngày đầu mới về quê vợ, anh Chuyên vẫn đi làm thuê để nuôi 5 miệng ăn trong gia đình, vất vả nhưng vợ chồng cố gắng vượt qua. Năm 2013 anh vay vốn, mua đất ở bản Lúm để trồng rau.
“Cây rau đã giúp gia đình tôi từng bước ổn định cuộc sống và tạo bước đệm cho kinh tế gia đình. Rau trồng chỉ 1 tháng là có thu nhập, mấy nghìn mét đất trồng rau, cho tôi thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng; ngày ấy tuy vất vả nhưng thu nhập của gia đình rất ổn định” anh Chuyên chia sẻ.
Mô hình trồng rau của anh Chuyên được mở rộng, gia đình anh không phải mang ra chợ huyện để bán, mà tiểu thương đánh xe ô tô đến tận ruộng thu mua.
Đánh giá về thành công trong việc phát triển kinh tế của anh Chuyên, ông Giàng A Dơ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuần Giáo chia sẻ: “Mô hình của anh Chuyên rất thành công, chúng tôi không ngờ ở vùng xa, cách trung tâm huyện hơn 30km lại có mô hình kinh tế hay đến thế. Chúng tôi đã đến thăm mô hình trồng rau, nuôi gà, lợn của anh Chuyên, quả thật rất khoa học, bài bản và có thu nhập cao, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động, với mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng”.
Giống gà đen Tủa Chùa sau khi được anh Chuyên thuê những kỹ sư chăn nuôi lai tạo để có chất lượng gà bố mẹ thuần chủng, cho chất lượng thịt thơm ngon
Sau 3 năm gắn bó với cây rau, có nguồn thu nhập ổn định và có chút vốn liếng, anh Chuyên quyết định chuyển hướng làm ăn vừa kết hợp trồng rau với nuôi lợn, gà.
Một con dao làm nên kỳ tích
Sau một chuyến thăm thân tại huyện Tủa Chùa, nhận thấy giống gà đen bản địa, giống gà đặc sản tại đây rất thơm ngon, khác hẳn các loại gà nơi khác, anh Chuyên quyết định chuyển hướng làm kinh tế, từ trồng rau sang nuôi gà.
Thấy tôi ngạc nhiên, về con dao tuy đã cũ, nhưng được để một vị trí trang trọng trong nhà, anh Chuyên giải thích: “Anh ngạc nhiên lắm phải không? Đấy là con dao giúp tôi làm nên “kỳ tích” đấy. Lúc mới nuôi gà đặc sản, tuy điều kiện kinh tế đỡ khó khăn nhưng gia đình còn nghèo. Tôi làm cái chuồng gà đầu tiên chỉ bằng con dao này đấy. Nền chuồng gà đổ bê tông xong, tôi dùng con dao này lên rừng, chặt cây về dựng chuồng gà. Vì thế tôi giữ nó lại làm kỷ niệm cho riêng mình”.
Chuồng gà đâu tiên anh Chuyên làm chỉ với 1 con dao, đây là thời điểm anh chuyển sang nuôi gà đặc sản nhưng cũng là thời điểm kinh tế gia đình rất khó khăn
Theo anh Chuyên thì thời gian đầu nuôi gà đen Tủa Chùa gặp nhiều khó khăn về giống. Đặc biệt loại gà này ít nhiều đã bị thoái hóa giống, vì thế chất lượng con giống không tốt, hay bị dịch bệnh, con nhỏ, đẻ trứng kém. Anh quyết định về Công ty giống Hà Nội để học hỏi kinh nghiệm, từng bước cải tạo giống gà đen Tủa Chùa.
“Để có được giống gà bố mẹ thuần chủng, rất khó khăn, tôi mất gần 2 năm để lai tạo giống để có được giống gà ưng ý nhất. Nói thì dễ nhưng bắt tay vào thực hiện rất khó, tôi phải thuê kỹ sư dưới Hà Nội, mất một thời gian mới có được những con giống tốt nhưu hiện nay” anh Chuyên chia sẻ.
Mỗi năm anh Chuyên nuôi trên 4.000 con gà đen Tủa Chùa thương phẩm, đã đem lại lợi nhuận cho gia đình trên 400 triệu đồng
Như anh Chuyên nói, mỗi năm anh nuôi khoảng 4.000 con gà thương phẩm, để đàn gà nhanh lớn, chất lượng thịt tốt, cần phải có kinh nghiệm nuôi ngay từ lúc gà còn bé. Thức ăn cho gà được anh Chuyên lựa chọn kỹ, tùy từng loại tuổi, thời gian gà lớn mà anh điều chỉnh lượng, chất thức ăn cho phù hợp.
“Phải điều chỉnh thức ăn đúng thời gian để gà phát triển tốt. Từ lúc nhỏ, đến khi gà được 2 tháng tuổi, tôi sử dụng cám công nghiệp. Nhưng khi gà lớn trên 2 tháng tuổi thì thay đổi thức ăn, cho ăn tăng lượng tinh bột và cá khô. Như thế gà lớn nhanh, không bị bệnh, chất lượng thịt thơm ngon” anh Chuyên nói thêm về kỹ thuật nuôi gà.
Mỗi năm hơn 4.000 con gà anh Chuyên đã lãi được hơn 400 triệu đồng. Hiện tại anh Chuyên đang chuẩn bị mở rộng mô hình nuôi gà thương phẩm, vì hiện tại đàn gà đen Tủa Chùa của anh đã có tiếng nhất vùng. Nhiều nhà hàng ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương, thường xuyên đặt anh với số lượng lớn loài gà đen Tủa Chùa.
Mở rộng mô hình kinh tế
Không chỉ chăn nuôi gà, 3 năm gần đây anh Chuyên đã mở rộng mô hình trang trại của mình sang chăn nuôi lợn, ngan đen địa phương. Vẻ mặt hơi buồn vì dịch lợn tả châu Phi đã cướp mất của gia đình bạc tỷ trong năm nay. “Mấy trăm con lợn sắp đến lúc bán thì bị dịch tả lợn châu Phi. Tôi đầu tư vào đấy gần tỷ bạc, đến lúc sắp bán thì thành tay trắng, coi như năm nay không có lãi” anh Chuyên buồn rầu nói.
Theo anh Chuyên thì đàn lợn mấy năm trước, năm nào cũng đem lại vài trăm triệu cho gia đình. Năm nay tuy thất bại, nhưng anh Chuyên đã sửa lại hệ thống chuồng trại, khử trùng để chuẩn bị nuôi lại đàn lợn thương phẩm mới khi tình hình dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát tương đối.
Không chỉ chăn nuôi gà, lợn, anh Chuyên còn chăn nuôi thêm ngan đen bản địa để tăng thu nhập
Ước mơ làm giàu, không chỉ trông chờ vào con gà, con lợn, anh Chuyên còn muốn đưa những hộ dân trong bản Lúm cùng vươn lên làm giàu. Anh quyết định thành lập Hợp tác xã chăn nuôi Mường Mùn, với số vốn điều lệ ban đầu 2 tỷ đồng.
“Họ cũng là anh em, cùng đồng cam cộng khổ với mình, bây giờ mình đã có kỹ thuật chăn nuôi, họ cùng có trí hướng thì giúp nhau. Phải chăn nuôi có tổ chức thì mới phát triển được, hợp tác xã do tôi làm giám đốc đang đi đúng hướng. Tất cả các trong hợp tác xã cùng tập trung nguồn lực, chăn nuôi theo hướng hàng hóa, chất lượng cao. Hiện tại tôi đang làm thủ tục xin cấp phép thương hiệu cho giống gà của hợp tác xã” anh Chuyên chia sẻ thêm.
Được vinh danh là một trong 63 "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019", nhưng anh Chuyên vẫn khiêm tốn: “Ở Điện Biên còn nhiều mô hình thu nhập cao hơn của tôi, nhưng cái chính là tôi biết phát huy thế mạnh của địa phương, xây dựng thương hiệu cho riêng mình. Tôi tin với cách làm của mình Hợp tác xã chăn nuôi Mường Mùn sẽ phát triển trong những năm tới” anh Chuyên tâm sự.
Theo Vinh Duy/danviet.vn
http://danviet.vn/nha-nong/ty-phu-o-muong-mun-phat-tai-nho-nuoi-ga-dac-san-ngan-den-si-1018723.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn