Trận lũ đầu mùa vừa qua (từ ngày 4 - 7/9) - gây ngập úng hơn 3.800 ha lúa hè thu và gần 800 ha cây trồng khác, đồng thời làm chậm tiến độ thu hoạch lúa hè thu - thêm lần nữa nhắc nhở bà con nông dân tỉnh ta tuân thủ phương châm "xanh nhà hơn già đồng". Bởi, đã vào mùa mưa lũ chính vụ nhưng đến ngày 11/9, toàn tỉnh mới thu hoạch trên 8.000 ha lúa hè thu (đạt trên 20% diện tích), trong đó: Cẩm Xuyên thu hoạch 3.000 ha, Đức Thọ 1.200 ha, Can Lộc 1.200 ha, Thạch Hà 1.200 ha, Hương Sơn 800 ha...
Gặt nhanh để bảo vệ thành quả sản xuất |
Trong lúc tiến độ thu hoạch lúa hè thu còn chậm thì Trung tâm Khí tượng Thủy văn trung ương lại vừa đưa ra dự báo xấu: "Từ ngày 13 - 17/9 tới tiếp tục có những đợt mưa vừa, mưa to, nguy cơ ảnh hưởng xấu đến kết quả sản xuất hè thu". Vậy nhưng, thời tiết hiện rất thuận lợi cho việc thu hoạch lúa hè thu và để đảm bảo an toàn kết quả sản xuất của vụ gieo trồng chính thứ 2 trong năm thì vấn đề đặt ra hiện nay cho cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố, thị xã là phải chỉ đạo Phòng NN&PTNT cùng các phòng, ban liên quan và UBND các xã/phường/thị trấn tập trung mọi biện pháp tiêu úng kịp thời số diện tích lúa, màu hè thu đang bị ngập trong đợt mưa lũ vừa qua; chỉ đạo thu hoạch nhanh gọn các đối tượng cây trồng, vật nuôi, thủy sản trước mùa mưa lũ.
Đối với cây trồng chủ đạo như lúa thì cần tranh thủ tối đa điều kiện thời tiết nắng ráo, chỉ đạo, đôn đốc bà con nông dân tập trung tối đa lao động, ngày công, công cụ, máy móc hoạt động hết công suất, tranh thủ mọi thời gian cùng giúp đỡ nhau đảm bảo thu hoạch nhanh gọn trong thời gian sớm nhất (thu hoạch khi lúa chín trên 85%), không để lúa chín bị ngập khi mưa lũ xảy ra trong thời gian gần; phấn đấu cơ bản thu hoạch lúa hè thu xong trước ngày 25/9 và không quên tiếp tục chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho những diện tích lúa mùa.
Từ chủ trương "gặt nhanh thu gọn", các địa phương cần xem xét hạn chế các cuộc họp không cần thiết để dồn sức, thậm chí huy động tối đa các lực lượng (quân đội, đoàn thanh niên, dân quân tự vệ, cựu chiến binh, phụ nữ...), thành lập các đoàn công tác, cử cán bộ bám sát cơ sở chỉ đạo các xã/phường/thị trấn, thôn/xóm đến tận người dân và trực tiếp xuống đồng cùng tham gia thu hoạch nhanh gọn các đối tượng cây trồng, con nuôi thủy sản trước mùa mưa lũ.
Song song với khẩn trương thu hoạch lúa hè thu là chuẩn bị đầy đủ giống, vật tư, phân bón nhằm tranh thủ thời tiết thuận lợi để triển khai kịp thời sản xuất vụ đông với quan điểm "đa cây, đa con, đa thời vụ, né tránh thời tiết bất lợi"; dồn sức cao nhất tập trung chỉ đạo triển khai trồng khoai đông, rau vụ đông và ngô trên đất vàn cao.
Hoạt động sản xuất nông nghiệp đang phải chạy đua với mưa lũ nên ngoài nỗ lực của cấp ủy, chính quyền cấp huyện, xã, bà con nông dân đang cần sự hỗ trợ tích cực của ngành nông nghiệp trong việc hướng dẫn thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật cũng như khâu nối các địa chỉ cung ứng các dịch vụ, nhất là giống cây trồng vụ đông.
Những năm gần đây, công tác lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực và linh hoạt hơn, qua đó, góp phần giảm thiểu tối đa những thiệt hại có thể lường tránh. Phương châm hành động "xanh nhà hơn già đồng" tuy không mới nhưng sẽ không bao giờ cũ trong hoạt động sản xuất nông nghiệp ở mảnh đất "chưa mưa đã ngập" như Hà Tĩnh xưa nay.
Hải Xuân
Nguồn: baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn