Muốn xây dựng một nền công vụ “chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả” theo tinh thần dự án cải cách chế độ công vụ, công chức thì việc cực kỳ quan trọng là kiên quyết đưa số “sáng cắp ô đi, tối cắp về” ra khỏi cơ quan công quyền.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
"Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào". Đó là lời phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp đầu tiên của Ban chỉ đạo đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức mới đây.
Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên có người nói tới con số 30% công chức không được việc. Có điều, ông Phúc là quan chức cao cấp nhất đề cập tới tỷ lệ này. Theo số liệu, hiện cả nước có khoảng 2,8 triệu công chức. Nếu lấy tỉ lệ 30% của 2,8 triệu thì con số này là khoảng 840 ngàn người. Tuy nhiên, nhiều người còn cho rằng đó vẫn là con số khiêm tốn bởi trong thực tế, nó có thể là 40%, 50%... Xin làm một phép tính đơn giản. Nếu lương cộng với các khoản chi khác như lễ, tết, điện nước, văn phòng… tính bình quân mỗi người 5 triệu đồng/tháng thì mỗi năm, ngân sách nhà nước chi cho số người “sáng cắp ô đi, tối cắp về” khoảng 50.000 tỉ đồng (2,5 tỉ USD). Giả sử đem số tiền này dành tăng lương, có lẽ sẽ tăng gấp đôi hiện nay. Một khoản tiền khổng lồ được chi tiêu lãng phí từ nguồn đóng thuế của người dân. Thế nhưng, cái nguy hại từ con số 840 ngàn này không chỉ là tiền bởi họ không chỉ “sáng cắp ô đi, tối cắp về, làm việc không hiệu quả” mà còn là những vật cản, thậm chí những “quả bom mìn” tiềm ẩn.Lý do không khó để chỉ ra bởi trong số 840 ngàn người này nếu không bất tài thì họ cũng là kẻ lười biếng. Mà gần như một qui luật, trong một tập thể những kẻ lười biếng luôn ghen ghét với người chăm chỉ. Nguyên nhân, bởi chính những người chăm chỉ là những “tấm gương” phản chiếu làm lộ rõ chân tướng của kẻ lười biếng. Tương tự như vậy, kẻ bất tài luôn kèn cựa, ghen ghét với người có năng lực bởi chính những người có năng lực làm lộ rõ cái sự bất tài của họ. Đã vậy, kẻ bất tài thường hay nhòm ngó, bới lông tìm vết những người có năng lực. Họ còn hay tỏ vẻ ta đây là “ông quan trọng”, từ đó dẫn tới quan liêu, hách dịch. Kẻ bất tài và lười biếng lại thường khéo nịnh cấp trên, giỏi “tô vẽ” nên gặp những vị sếp quan liêu, khó có thể nhận biết và điều này gây ức chế cho tập thể.Kẻ bất tài, lười biếng còn là “động lực” làm thui chột những người chăm chỉ và có năng lực. Không ai muốn chăm chỉ, phát huy hết năng lực khi mà bên cạnh mình có những kẻ bất tài, lười biếng làm ít lại được hưởng nhiều.Trong một cơ quan, những ai lười biếng và bất tài thường là những người hay kêu ca, đòi hỏi và yêu sách.Nghiêm trọng hơn, trong đó là lũ “Lý Thông” luôn luôn rình rập tranh công lao, cướp thành quả của các bậc hiền tài.Vì vậy, 840 ngàn nhân tố “sáng cắp ô đi, tối cắp về” không chỉ là những kẻ ăn bám mà còn là những “quả mìn” thật sự. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến nền hành chính quốc gia trì trệ, “hành dân là chính”?Do đó, muốn xây dựng một nền công vụ “chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả” theo tinh thần dự án cải cách chế độ công vụ, công chức thì việc cực kỳ quan trọng là kiên quyết đưa số “sáng cắp ô đi, tối cắp về” ra khỏi cơ quan công quyền. Theo Dantri