Giảm các khoản đóng góp của nông dân; bỏ tư duy sản xuất nông nghiệp “bầy đàn”; tạo ra những lợi thế riêng... Đó là những hiến kế của tiến sĩ Alan Phan trong cuộc trao đổi độc quyền với phóng viên NTNN về một vấn đề tưởng như cũ nhưng vẫn rất nóng hiện nay: Làm sao giúp nông dân, nông nghiệp “cất cánh”?
Cần từ bỏ tư duy “bầy đàn”
Ông từng phác thảo một bức tranh về kinh tế Việt Nam trong tương lai, trong đó khẳng định nông nghiệp là một trong những cơ hội để Việt Nam đột phá. Theo ông, cơ hội đó là gì và Việt Nam đã tận dụng các cơ hội như thế nào?
- Phát triển kinh tế trong đó lấy nông nghiệp là đòn bẩy, tôi nghĩ đúng với mọi thời điểm, mọi giai đoạn của Việt Nam. Nhưng phát triển nông nghiệp như thế nào lại là vấn đề khác. Những sản phẩm chính yếu của nông nghiệp Việt Nam vẫn là cà phê, hải sản, gạo... và từ trước tới giờ mình vẫn lặp lại một mô típ như vậy.
Còn bây giờ, để tạo ra một sự đột phá, cần phải suy nghĩ sáng tạo tìm ra hướng đi mới. Tôi nói riêng về cà phê, để đột phá, mình phải tách ra theo hướng: Một là phải đẩy mạnh tăng chất lượng lên cao, hai là giá thành phải thấp xuống, ba là phải tạo ra thương hiệu riêng cho cà phê Việt Nam. Thương hiệu đó phải rất đặc thù, không thể bắt chước người ta.
Để làm được 3 vấn đề trên, chúng ta cần thời gian và phải phối hợp nhuần nhuyễn với nhau. Như về chất lượng thì ngoài phát huy sự sáng tạo, các sáng kiến trong nước cần nhanh chóng mang về và áp dụng những công nghệ mới nhất từ các nước có thế mạnh về công nghệ nông nghiệp như Israel, Australia...
Về sản phẩm thì phải tìm ra những đặc thù, như thay vì trồng điều, giờ đây nên suy nghĩ chuyển sang trồng cây mắc ca, loại cây này hiện bán giá gấp 5 lần điều. Khi xác định như vậy chúng ta tập trung vào thì đường đi sẽ rộng rãi hơn, thay vì cứ đeo đuổi các loại sản phẩm cũ nhưng lại không có những điểm mới để cạnh tranh.
Sau nhiều năm hội nhập, đời sống của người nông dân vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. |
Vừa rồi có một anh bạn nước ngoài tìm đến tôi và bảo rằng, ở Việt Nam rất lý tưởng để trồng cây vani, loại cây tạo hương liệu cho các món ăn. Đó cũng là một ý tưởng mà mình cần suy nghĩ. Mấu chốt ở đây là không chỉ chờ cơ hội mà bản thân mình phải tự tạo ra cơ hội.
Nói cách khác, người nông dân phải tạo ra những sản phẩm mới. Nếu cứ thấy người ta trồng cà phê, mình cũng trồng cà phê, thấy người ta nuôi heo, mình cũng nuôi heo... thì đó chỉ là "tâm lý bầy đàn", rồi thì sẽ cạnh tranh lẫn nhau, loại bỏ nhau và sẽ không đi đến kết quả tốt.
Nhưng tại sao, trong khi nhiều nước trên thế giới đang đua nhau chạy theo công nghiệp, Việt Nam lại phải chọn nông nghiệp để phát triển. Liệu như vậy có đi ngược lại xu thế chung của toàn cầu?
- Không! Luật chơi trong kinh doanh là lợi thế cạnh tranh, mình muốn thắng người ta, muốn chiếm thị phần cao, muốn giàu phải có cái lợi thế cạnh tranh. Nếu cứ thấy người ta làm ô tô mình cũng làm nhưng thử hỏi mình có cái lợi thế cạnh tranh ở lĩnh vực này không? Hay cứ thấy người ta đóng tàu mình cũng đóng tàu, đóng nhiều nên giờ mới đổ nợ ra.
Theo tôi, vấn đề chính không phải là mình làm gì, mình làm gì cũng được, bất cứ cái gì người Việt Nam cũng có thể làm nhưng làm mà không thấy lối ra thì nên cân nhắc, suy nghĩ thật kỹ.
Tạo môi trường cởi mở cho nông dân
Hiện Quốc hội Việt Nam đang thảo luận sôi nổi về đời sống của người nông dân, rằng họ đã cày ải ra hạt lúa, con cá để cứu nền kinh tế, song đời sống của họ vẫn nghèo khổ. Con cá, hạt lúa không giúp đại đa số nông dân làm giàu được. Ông chia sẻ gì với người nông dân Việt Nam?
- Tôi đã nói trên trong “Góc nhìn Alan” rất nhiều rằng, bây giờ tinh giản mạnh bộ máy công quyền, đặc biệt là ở nông thôn thì sẽ khá ngay. Thật vô lý khi có đến 30% công chức ngồi chơi xơi nước và 1 năm Nhà nước phải trả lương cho 30% này là 1,5 tỷ USD. Tính ra 30% này là khoảng 800.000 người nên một năm phải mất khoảng từ 5-7 tỷ USD.
Số tiền đấy có thể làm được rất nhiều việc cho nông nghiệp, nông thôn, như hỗ trợ nông dân các phương pháp sản xuất mới; xây dựng, hoạch định các kế hoạch tiêu thụ sản phẩm; xây dựng hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất...
Ngoài ra, những thủ tục hành chính nhiêu khê, những khoản đóng góp, khoản thuế vô lý đang đè nặng lên đầu và cổ người nông dân thì sao họ khá lên được. Phải giải quyết ngay những bất cập này thì nông thôn, nông dân mới khá lên.
Alan Phan là tác giả 9 cuốn sách tiếng Anh và tiếng Việt về thị trường mới nổi. Ông đồng thời là bình luận gia chính cho các tạp chí Vietnam Financial Review, Robb Report, Saigon Times... kiêm giảng viên thỉnh giảng tại các trường đại học Mỹ và Trung Quốc. Ông cũng là doanh nhân với 43 năm kinh nghiệm tại Mỹ, Trung Quốc, Việt kiều đầu tiên đưa công ty tư nhân của mình lên niêm yết sàn chứng khoán Mỹ (1987), là ông chủ của Công ty Hardcourt trị giá 670 triệu USD. |
- Không phải! Vấn đề là người nông dân cũng như bất cứ người nào hễ có lời thì tự khắc họ sẽ làm. Vấn đề là mình phải tạo một môi trường thông thoáng rồi tiền nó sẽ đổ vào đấy. Như tôi đã nói, thị trường bất động sản thực ra ban đầu cũng không có gì, rất yên tĩnh, bình yên nữa là khác.
Thế nhưng, khi thấy có thể kiếm được tiền thì người dân, cộng đồng doanh nghiệp, rồi các ngân hàng đã đổ tiền vào đấy. Khoan hãy nói về những hệ lụỵ về sau nhưng rõ ràng chúng ta đã có một môi trường mới, một thị trường bất động sản mới...
Tương tự như thế, tôi nghĩ tiền, rồi các nguồn vốn đổ vào nông nghiệp không thiếu, người không thiếu, trí tuệ không thiếu nếu khu vực này có môi trường thông thoáng. Cái mà chúng ta thiếu là tạo môi trường ở nông thôn cho thật quyến rũ để nó sinh sôi, nảy nở và hội tụ trí tuệ, nguồn vốn về đây. Khi đã có môi trường tốt rồi, Việt Nam phải làm thế nào để người nông dân thừa hưởng được những thuận lợi từ môi trường này, ví như chất lượng đời sống, hạ tầng cơ sở, chính sách ưu đãi...
Cái tôi muốn nhấn mạnh là Việt Nam phải tạo ra môi trường thông thoáng, cởi mở cho người nông dân, đừng o ép họ. Phải nhớ là trước thời kỳ bao cấp, Việt Nam không sản xuất đủ gạo mà phải đi xin hạt bo bo ở bên Nga về... Tại sao vậy? Trong khi đó, hiện mình cũng chỉ có bấy nhiêu đất, bấy nhiêu người- tại sao bây giờ lại sản xuất được lương thực và cũng đã có thể xuất khẩu? Tôi nghĩ nếu có môi trường tự do, thông thoáng, người nông dân sẽ tự phát triển thôi.
Sau mấy năm hội nhập với thế giới, đặc biệt là gia nhập WTO, chúng ta lại thấy thêm những bất lợi và sự dễ đổ vỡ của nền nông nghiệp, của người nông dân. Thưa ông, có thể giải mã câu chuyện này như thế nào?
- Cá nhân tôi nghĩ rằng, từ khi Việt Nam gia nhập WTO thì đường đi có lúc chưa đúng. Việt Nam đi theo con đường mà Trung Quốc đã đi, mà con đường đó hợp với Trung Quốc chứ chưa hẳn đã hợp với Việt Nam.
Bất cứ ngành nghề gì cũng đều phải cạnh tranh chứ không phải là trước khi vào WTO hay là sau khi WTO. Trước WTO, Việt Nam chỉ quanh quẩn cạnh tranh trong nước nên thị trường không lớn được. Còn bây giờ Việt Nam xuất khẩu cà phê nhất nhì trên thế giới, gạo cũng vậy là bởi vì mình đã tham gia vào thị trường quốc tế thì khi đi ra biển lớn đương nhiên phải gặp sóng, không thể nào phẳng lặng như ở ao hồ được.
Vấn đề ở đây là làm thế nào để tạo ra những con thuyền lớn hơn để đi ra biển, chứ không thể nào vẫn dùng con thuyền nhỏ đã từng đi trong cái ao hồ để đi ra biển lớn được, chắc chắn nó sẽ bị sóng đánh chìm. Đó là cái mà Việt Nam chưa làm tốt khi hội nhập với WTO.
Nói như vậy để nhấn mạnh rằng, Việt Nam cần phải đối diện với cái khó khăn và phải tạo cho mình một sức mạnh mới, những gì đã trải qua mình sẽ không thể nào quay trở lại cái thời xưa nữa. Vấn đề là phải thay đổi để hòa nhập, thích nghi và phát triển. Nói đi nói lại thì cũng chỉ là cái tạo môi trường quyến rũ ở nông thôn mà thôi!
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn