Tự nguyện xin thoát khỏi diện nghèo
Năm 2018, huyện Ba Chẽ có 104 hộ dân tại 8/8 xã, thị trấn tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo và không tái nghèo những năm tiếp theo. Đây là năm có số lượng hộ dân tự nguyện viết đơn thoát khỏi diện nghèo cao nhất từ trước đến nay, con số này tương đương gần 1/3 tổng số hộ mà huyện phấn đấu thoát nghèo trong năm 2018. Đây chính là động lực giúp phong trào tự nguyện thoát nghèo của huyện lan tỏa sâu rộng.
Trong số 104 hộ tự nguyện viết đơn ra khỏi danh sách hộ nghèo, có gia đình bà Tô Thị Nông 76 tuổi, thôn làng Mô, xã Đồn Đạc. Bà phấn khởi chia sẻ: Được cán bộ thôn, xã tuyên truyền vận động, năm qua, gia đình viết đơn xin ra khỏi danh sách diện nghèo. Nhiều năm trước, nhắc đến việc thoát nghèo, gia đình tôi và nhiều hộ trong thôn thấy chưa thực sự tự tin. Nhưng nay cuộc sống đã ổn định, gia đình đã có thể yên tâm để vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng
Năm qua, 1.545 hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác ở Ba Chẽ được vay 70.429 triệu đồng từ tín dụng ưu đãi, chủ yếu tập trung vào các chương trình: cho vay hộ nghèo 162 lượt hộ; hộ cận nghèo 134 lượt hộ; hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm 183 lượt hộ; hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 374 lượt hộ… Đặc biệt, huyện cũng triển khai kịp thời, có hiệu quả chương trình vay vốn hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định 2085 của UBND tỉnh Quảng Ninh cho 370 lượt hộ vay; cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở với 107 lượt hộ vay.
Gia đình anh Nịnh Văn Chính ở thôn Bắc Văn (xã Thanh Sơn) thuộc diện hộ nghèo. Khi triển khai Chương trình 135, cuối năm 2017, gia đình anh được địa phương hỗ trợ 1 con trâu giống trị giá 15 triệu đồng. Tháng 8/2018, từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, gia đình anh tiếp tục được nhà nước hỗ trợ mua 12 con bò giống trị giá hơn 200 triệu (nhà nước hỗ trợ 50%) phát triển chăn nuôi trâu, bò kết hợp. Anh Chính chia sẻ: Thông qua các dự án phát triển sản xuất đã tạo động lực để gia đình đầu tư phát triển chăn nuôi, cả trâu và bò đều phát triển tốt, nhờ đó thu nhập được cải thiện đáng kể, gia đình đã vươn lên thoát nghèo và yên tâm đầu tư phát triển sản xuất không sợ bị tái nghèo.
Bà Đinh Thị Vỹ , Phó chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ, cho biết: Mặc dù đạt được một số kết quả nhất định nhưng công tác giảm nghèo ở Ba Chẽ vẫn còn một số hạn chế như: Nguy cơ tái nghèo còn cao, nguồn lực thực hiện có hạn, một bộ phận đối tượng thụ hưởng còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước…
Để nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, thời gian tới, Ba Chẽ tập trung ưu tiên bố trí kinh phí hỗ trợ sản xuất, tăng nhu nhập cho người nghèo; tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo; thực hiện lồng ghép các chính sách, chương trình, dự án để thực hiện mục tiêu chương trình giảm nghèo…
Cùng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, tin tưởng rằng, trong thời gian tới, công tác giảm nghèo của huyện sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực.
Năm 2018, Ba Chẽ giảm được 557 hộ nghèo (hiện còn 502 hộ nghèo), đạt 157% kế hoạch tỉnh giao, đưa tỷ lệ hộ nghèo còn 9,44%, giảm 10,47% so với năm 2017; tỷ lệ hộ cận nghèo còn 10,38%, giảm 4,91% so với năm trước. Huyện đặt mục tiêu đến hết năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5%. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn