Nông dân ít quan tâm đến AEC sẽ bỏ qua nhiều lợi thế. Trong ảnh: Một trang trại chăn nuôi tại xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom).
Khi AEC chính thức thành lập, khoảng 99% các dòng thuế hàng nhập khẩu nội khối sẽ về 0%. Còn lại khoảng 1% các mặt hàng có thuế từ 1-5% sẽ giảm theo lộ trình trong 5-7 năm. Việc giảm thuế thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường ASEAN tăng cao, nhưng hàng hóa trong khối cũng sẽ tràn ngập thị trường trong nước.
* Thông tin quá ít
Thực tế đáng băn khoăn là phần lớn DN, nông dân sản xuất lớn cũng không quan tâm dù AEC đã cận kề và ảnh hưởng rất lớn đến thị trường đầu ra của nông sản, thực phẩm, hàng hóa.
Ông Hoàng Văn Đảm ở ấp 2A, xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc) cho hay: “Tôi cũng nghe đài, báo nhắc đến cuối năm nay Việt Nam sẽ chính thức tham gia AEC. Nhưng tại sao phải tham gia và khi tham gia nông dân được hưởng những lợi thế nào cũng như mất những gì thì không rõ. Tôi cũng có tìm hiểu qua mạng xem nông dân phải chuẩn bị những gì, thì chỉ nghe nói chung chung. Do đó, tôi vẫn đầu tư sản xuất theo kinh nghiệm của mình là chính”. Hiện ông Đảm có 7 hécta trồng xoài, quýt, cam, mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng. Lo lắng của ông là không biết sắp tới, những loại trái cây trên có bị cạnh tranh bởi hàng nhập khẩu từ các nước trong khối ASEAN hay không.
“Tôi chỉ biết khi AEC chính thức thành lập, thuế nhiều dòng hàng xuất nhập khẩu sẽ giảm về 0% nên rất muốn tìm hiểu kỹ xem nuôi heo có bị ảnh hưởng nặng nề từ thịt heo nhập ở những quốc gia trong khối hay không. Ngoài ra, chúng tôi muốn biết những dự báo về mặt hàng này khi gia nhập AEC cùng với các thuận lợi, khó khăn gì” - bà Nguyễn Thị Sao, chủ trang trại heo ở ấp Đức Long 2, xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất) chia sẻ.
Ông N.C.T., chủ DNTN chuyên mua bán sơ chế nông sản tại xã Bảo Bình (huyện Cẩm Mỹ) cho biết: “Mỗi năm, cơ sở mua gần 10 ngàn tấn nông sản các loại, sơ chế qua rồi bán lại cho các công ty xuất khẩu nên tôi cũng chưa biết AEC và các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết có ảnh hưởng gì đến hoạt động cụ thể của mình hay không”.
Theo các chuyên gia kinh tế, khi AEC chính thức thành lập, khi ấy một vài mặt hàng nông sản đang có lợi thế xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN sẽ tăng sức cạnh tranh. DN nước ngoài cũng sẽ vào Việt Nam hợp tác đầu tư để nâng cao giá trị gia tăng cho những mặt hàng có ưu thế xuất khẩu, DN nhỏ có sự chuẩn bị sẵn từ trước có thể liên kết tạo chuỗi cung ứng nguyên liệu, đầu ra sẽ ổn định hơn.
* Dễ hơn cho xuất khẩu
Theo Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, AEC chỉ là tiến thêm một bước trong quá trình thực hiện các hiệp định về thương mại hàng hóa của các nước trong khối ASEAN. Vì từ năm 2010 đến nay, nhiều dòng thuế xuất nhập khẩu của các nước trong ASEAN đã giảm dần theo lộ trình xuống còn 5-10% và khi AEC chính thức thành lập, sẽ được giảm về 0%.
Cụ thể, nhiều mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam, như: dệt may, thủy sản, gạo, cà phê, cao su, gỗ, sản phẩm từ gỗ, máy móc, thiết bị phụ tùng... ngay lập tức giảm về 0%. Thực tế, những mặt hàng này sẽ không biến động lớn vì thuế đã giảm dần từ năm 2010, đến nay xuống còn rất thấp. Tuy nhiên việc xóa hẳn thuế, đơn giản các thủ tục về hải quan sẽ giúp cho DN xuất khẩu tốt hơn. Hàng hóa xuất khẩu tốt, tăng về số lượng, nông dân, DN sản xuất sẽ có đầu ra ổn định, yên tâm đầu tư tăng năng suất, chất lượng để nâng cao uy thế trên thị trường AEC.
Ông Trịnh Minh Anh, Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, nhấn mạnh khi AEC chính thức thành lập sẽ không gây xáo trộn nhiều cho thị trường hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, nông dân, DN cần nắm rõ những lợi thế của mình và biết được đâu là điểm yếu để sửa đổi hoàn thiện, cố gắng ở thế chủ động.
Cũng theo ông Anh, nông dân muốn nông sản làm ra giữ được thị trường trong nước và xuất khẩu thì cần liên kết lại với nhau, ứng dụng khoa học - công nghệ để có số lượng lớn, chất lượng đồng đều. “Nếu hướng đến xuất khẩu, tìm hiểu trước xem thị trường đó đang cần sản phẩm gì, quy định về chất lượng và giá thành có cạnh tranh được với những sản phẩm cùng loại của các nước khác. Thực tế, mỗi nông dân rất khó có thể tìm hiểu nắm bắt rõ được thị trường trong nước, xuất khẩu trong tương lai cần gì để sản xuất. Việc này cần có các chuyên gia kinh tế tìm hiểu và dự báo thường xuyên để nông dân, DN biết” - ông Trịnh Minh Anh nói.
Th.S Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, theo điều tra sơ bộ của VCCI, hầu hết nông dân không hiểu rõ về AEC, còn DN nhỏ và vừa có đến 70% không biết vì sao có ASEAN rồi lại có AEC. Thời gian Việt Nam chính thức gia nhập AEC chỉ còn gần 4 tháng nữa, trong khi nông dân, DN nhỏ và vừa chưa nắm rõ AEC sẽ khiến Việt Nam rơi vào thế bị động, nắm bắt được rất ít lợi thế do AEC mang lại.
Theo Cục Hải quan Đồng Nai, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai vào thị trường ASEAN 8 tháng của năm 2015 gần 800 triệu USD, chiếm gần 10% kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh. Nhóm hàng Đồng Nai xuất khẩu vào ASEAN nhiều là: may mặc, nông sản, thiết bị điện, điện tử, linh kiện điện tử... Đồng Nai nhập khẩu từ thị trường này trong 8 tháng chỉ hơn 122 triệu USD. Như vậy, khi AEC chính thức thành lập, các DN, nông dân Đồng Nai có thêm nhiều cơ hội đầy mạnh xuất khẩu vào thị trường này.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn