Tại Hội thảo khoa học “Quản lý, phát triển nhãn hiệu chứng nhận Gạo Phú Thiện- Gia Lai” do Sở KH-CN Gia Lai phối hợp với UBND huyện Phú Thiện tổ chức mới đây, hầu hết các ý kiến đều cho rang, Phú Thiện hội đủ các yếu tố để phát triển nền sản xuất lúa gạo hàng hóa quy mô lớn, nâng lên tầm quốc gia, quốc tế.
Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) trao bằng công nhận “Nhãn hiệu chứng nhận Gạo Phú Thiện-Gia Lai” cho lãnh đạo UBND huyện Phú Thiện. |
Với hơn 6.000 ha lúa nước hai vụ, được tưới bằng hệ thống tự chảy của công trình đại thủy nông Ayun Hạ, đây là cánh đồng lúa tập trung, liền thửa trải dài, phù hợp cho việc tổ chức sản xuất quy mô hàng hóa lớn theo mô hình cánh đồng lúa lớn một giống, điều mà rất nhiều địa phương đang loay hoay rất nhiều năm chưa giải quyết được.
Về con người, bên cạnh người dân tộc bản địa am hiểu thổ nhưỡng, khí hậu, Phú Thiện đã từng là địa phương đón những đoàn người kinh tế mới từ đồng bằng Bắc bộ vào đây khai khẩn đồng hoang. Chính những kinh nghiệm làm lúa nước tự ngàn đời của đội ngũ này, kết hợp với sự cần mẫn, dẻo dai của người dân tộc bản địa đã làm nên cánh đồng Phú Thiện trù phú hôm nay.
Bên cạnh đó, thời tiết nơi đây chia thành hai mùa rõ rệt (mùa khô kéo dài hơn, số ngày nắng nhiều hơn ngày mưa), độ bức xạ mặt trời mạnh và biên độ chênh lệch nhiệt độ lớn trong mùa khô đã tạo cho gạo Phú Thiện có chất lượng cao, thuộc nhóm đứng đầu cả nước…
Nắm bắt được những điều kiện thuận lợi này, ngay từ năm 2012, Huyện ủy Phú Thiện đã ban hành Nghị quyết số 05-NG/HU về đẩy mạnh ứng dụng khoa học- công nghệ vào sản xuất, tiến tới xây dựng thương hiệu “Gạo Phú Thiện”. Theo đó hàng năm, địa phương luôn ưu tiên kinh phí hỗ trợ nông dân duy trì, nhân rộng diện tích cánh đồng lúa lớn một giống lên tới 1.200 ha với bộ lúa giống ổn định năng suất cao, chất lượng khá như LH12, OM4900 và TBR225.
Năng suất lúa ở đây đạt bình quân 8,5 tấn/ha; tổng sản lượng lương thục quy thóc năm 2019 đạt hơn 100.000 tấn (hầu hết lúa để bán). Bên cạnh việc nâng cao năng suất, chất lượng gạo Phú Thiện thì thị trường tiêu thụ đã được hình thành thông qua thu mua của thương lái (có trường hợp mua tới hơn 100 tấn lúa/năm). Từ đây, gạo Phú Thiện đã có mặt ở nhiều thị trường lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đăk Lăk, Kon Tum…
Đặc biệt mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp bằng chứng nhận “Nhãn hiệu chứng nhận Gạo Phú Thiện - Gia Lai” đã định danh Gạo Phú Thiện trên bản đồ lúa gạo cả nước; khẳng định quyền được bảo hộ mặt hàng gạo Phú Thiện trên toàn quốc và mở ra cơ hội để “Gạo Phú Thiện” vươn ra các thị trường lớn hơn.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thì, những thuận lợi nêu trên chính là tiền đề để xây dựng thương hiệu “Gạo Phú Thiện”, đáp ứng cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, để có nền sản xuất lúa bền vững, để có thương hiệu gạo đích thực thì ngành sản xuất lúa gạo của Phú Thiện còn đứng trước thách thức không nhỏ.
Ông Hoan cho rằng, để phát huy “nhãn hiệu chứng hận Gạo Phú Thiện- Gia Lai”, hướng đến xây dựng thương hiệu “Gạo Phú Thiện” nhằm tăng thu nhập cho nông dân, rất cần tổ chức lại sản xuất lúa gạo. Lâu nay nông dân trồng lúa theo hộ gia đình, mua bán tự do thì nay phải hình thành và đi vào hoạt động công ty chuyên biệt về sản xuất lúa, thu mua sản phẩm, chế biến và tiêu thụ lúa gạo; hình thành Hiệp hội các nhà sản xuất lúa gạo chất lượng cao.
Gian hàng Gạo Phú Thiện tại hội chợ nông sản an toàn huyện Phú Thiện năm 2019. |
PGS.TS Nguyễn Văn Hoan: “Các hộ nông dân, hợp tác xã là thành viên của hiệp hội, để đảm bảo tính bền vững của đầu vào, đầu ra. Các thành viên hiệp hội cùng cam kết và thực thi gieo cấy giống có cấp xác nhận để làm ra hạt lúa có độ đồng đều cao. Cùng nhau thực hiện “3 giảm, 3 tăng”, cùng nhau cơ giới hóa, cùng hưởng ứng bộ giống mới chất lượng gạo mềm, thơm, ngon. Bằng các giải pháp đồng bộ này, góp phần làm cho sản xuất lúa gạo bền vững". |
Còn Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện, ông Rơ Chăm La Ni cho rằng: “Đây là bước đột phá, mở ra cơ hội to lớn và là bước ngoặt đối với người dân trồng lúa, các hợp tác xã, các doanh nghiệp kinh doanh, các nhà sản xuất, chế biến gạo Phú Thiện nói riêng, và đối với người nông dân toàn tỉnh Gia Lai nói chung”.
Thương hiệu gạo là của tập thể, trong đó có 3 yếu tố cấu thành là công ty, hợp tác xã và người nông dân. Cả 3 phải cùng thống nhất tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất đó và bình đẳng về lợi nhuận thu được.
Bà Nguyễn Thị Sen, Chủ tịch Hội Doanh Nghiệp tỉnh Gia Lai, đồng thời là Thành viên HĐQT Công ty TNHH Kinh doanh và Chế biến Tây Nguyên- đơn vị chủ đầu tư Nhà máy chế biến Gạo Phú Thiện đang xây dựng, cho biết: Nhà máy có vốn đầu tư 111 tỷ đồng, công suất 6 tấn lúa/giờ. Hiện đang thi công nhà điều hành, nhà xưởng. Chậm nhất là quý III- 2020, nhà máy bắt đầu vận hành sản xuất.
“Chúng tôi đồng hành cùng với chính quyền, doanh nghiệp, các hợp tác xã và người nông dân trong hành trình xây dựng thương hiệu gạo Phú Thiện, hướng đến mục tiêu nâng cao thu nhập cho nông dân trồng lúa”, bà Sen khẳng định quyết tâm.
Ông Lưu Đức Thanh, Giám đốc Trung tâm Thẩm định- Chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu Quốc tế (Cục Sở hữu trí tuệ) cho rằng: “Trước mắt, UBND huyện Phú Thiện là đơn vị chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Phú Thiện - Gia Lai” phải bắt tay vào quảng bá rộng rãi nhãn hiệu này để gạo Phú Thiện được mọi người biết đến, vào được các siêu thị lớn, có điều kiện vươn xa ra hơn.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - ông Kpăh Thuyên thì: “UBND huyện Phú Thiện phải quản lý, khai thác tốt nhãn hiệu chứng nhận Gạo Phú Thiện - Gia Lai” để tăng thu nhập cho nông dân. Các sở, ngành của tỉnh phải vào cuộc cùng với huyện xây dựng thương hiệu gạo Phú Thiện; trước hết là kết nối với các doanh nghiệp và các nhà khoa học, hướng dẫn nông dân quy trình sản xuất theo chuỗi giá trị để tăng thu nhập”...
Ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn ThaiBinh Seed: "Việc Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng công nhận “Nhãn hiệu chứng nhận Gạo Phú Thiện - Gia Lai” mới chỉ là yếu tố ban đầu, để xây dựng thương hiệu gạo còn một chặng đường dài gian nan. Điều kiện tự nhiên thuận lợi và ý chí của chúng ta mới chỉ là yếu tố cần. Quan trọng hơn là huyện phải xây dựng được một quy trình sản xuất lúa gạo sạch, an toàn và công khai, minh bạch từ khâu gieo cấy, chăm sóc cho đến thu hoạch, chế biến, bảo quản, đóng gói đưa ra thị trường”. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn