Ngư dân Quảng Trị lao đao vì giá cá quá thấp và bán không ai mua. |
Anh Lê Văn Quý, chủ một tàu cá đánh bắt xa bờ ở khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh cho biết, mặc dù thời gian gần đây đánh bắt được nhiều mẻ cá nục lớn nhưng vẫn không có lãi do giá bán ra rất thấp, chỉ 10 ngàn đồng/kg, có lúc chỉ 8 ngàn đồng/kg, cộng thêm chi phí dầu, tiền công lao động lên đến 30 triệu đồng mỗi chuyến nên anh phải tiếp tục đánh bắt để cầm chừng đợi giá lên.
Anh Lê Văn Chiến trú tại khu phố 2, thị trấn Cửa Việt hết sức đau đầu chia sẻ: Cá nục, cá hố tươi gia đình đánh bắt được đều bán cho các cơ sở cá hấp sấy khô nhưng mặt hàng này đang tồn đọng quá nhiều nên giá bán vì thế giảm mạnh.
Ông Trần Đình Cảm, Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt cho biết, đội tàu đánh bắt xa bờ của thị trấn có 165 chiếc, mỗi chiếc có công suất trên 90CV đến 800 CV đang đánh cá nục, hố… của vụ cá Nam.
Vụ cá Nam năm 2018 đội tàu này khai thác được hơn 10 ngàn tấn cá nục tươi, bán với giá 20 ngàn đồng/kg. Năm nay bà con ngư dân và các chủ cơ sở chế biến rất khó khăn vì giá bán cá tươi quá thấp, chỉ còn từ 9 đến 10 ngàn đồng/kg; sản phẩm xuất khẩu thì bán không ai mua.
Thông thường sản lượng cá nục, cá hố ngư dân thị trấn khai thác về bán cho 40 cơ sở trên địa bàn chế biến thành sản phẩm. Sở hữu lò sấy công suất trên 120 tấn cá hấp sấy thành phẩm mỗi năm, cơ sở cá của gia đình chị Nguyễn Thị Hồng ở khu phố 3, lớn nhất ở thị trấn Cửa Việt.
Chị Hồng cho biết từ trước đến nay tất cả các sản phẩm cá hấp sấy khô đều được bán cho các thương lái Trung Quốc xuất qua đường tiểu ngạch với giá cao, bây giờ chỉ còn 45 ngàn đồng mỗi kg, giá đã giảm mạnh mà cũng không thể bán được nên chị phải sản xuất cầm chừng. Các thương lái Trung Quốc không mua hàng, yêu cầu chất lượng hàng cao hơn.
Một địa phương khác rất mạnh trong việc khai thác, chế biến thủy sản, là xã Gio Việt. 19/42 chủ tàu đánh bắt xa bờ hành nghề vây rút chì của địa phương này đang khai thác cá nục, cá hố cũng gặp hoàn cảnh khó khăn. Nhiều tàu ra khơi phải nợ tiền dầu, tiền nhân công, lương thực, thực phẩm, tiền đá lạnh trữ cá của các nhà cung cấp dịch vụ...
Ngoài đội tàu trên, xã Gio Việt có gần 80 cơ sở chế biến, trước tình hình hàng hóa ế đọng, nhiều cơ sở tạm nghỉ, chỉ còn gần 1/2 cơ sở hoạt động.
Anh Nguyễn Công Khương ở thôn Xuân Tiến, xã Gio Việt, làm nghề thu mua cá hấp sấy khô bán cho các thương lái Trung Quốc cho biết, đã vận động thêm các tiểu thương trong xã mua cá từ các cơ sở chế biến về trữ đầy hàng chục kho bảo quản đợi khi giá lên sẽ bán.
Tuy mua hàng nhưng anh Khương và các tiểu thương khác chưa có tiền trả cho các chủ cơ sở chế biến vì họ chưa bán hàng được.
Khối lượng cá được các thương lái Trung Quốc thu mua thời gian qua của các cơ sở chế biến đang bị ứ đọng lại ở cửa khẩu Lạng Sơn, chưa xuất bán được vào thị trường Trung Quốc nên các thương lái không thu mua thêm sản phẩm cho ngư dân Quảng Trị, dẫn đến cả ngư dân, chủ cơ sở hấp sấy cá và tiểu thương điêu đứng.
Các chủ cơ sở nợ tiền mua cá tươi của các chủ tàu cá, tiền nhân công lao động làm việc hấp sấy cá, tiền mua muối ướp cá, tiền mua củi đốt lò…
Ngư dân vẫn phải đánh bắt và bán để cầm chừng dù cá rẻ như cho. |
Ông Phan Văn Nghi, Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết, sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh Quảng Trị phần lớn được ngư dân hai xã Gio Việt và thị trấn Cửa Việt đánh bắt; 100% cơ sở chế biến cá hấp sấy khô xuất khẩu cũng tập trung ở vùng này.
Trước tình hình ngư dân gặp khó khăn về giá bán cá tươi và đầu ra của sản phẩm cá xuất khẩu huyện cũng đã nắm bắt được. Nguyên nhân do từ trước đến nay hàng xuất khẩu cá của Quảng Trị qua Trung Quốc bằng được tiểu ngạch. Nay nước bạn thắt chặt chất lượng, mẫu mã, nguồn gốc truy xuất sản phẩm thì hàng hóa chưa đáp ứng kịp đòi hỏi của thị trường Trung Quốc.
Trước tình hình này huyện đã đề nghị các sở, ban ngành kịp thời hướng dẫn bà con ngư dân khắc phục khó khăn để hướng đến khai thác thủy sản bền vững, xuất khẩu sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc, không ngừng nâng cao giá trị sản phẩm cho ngư dân.
Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển rất lớn với bờ biển dài hơn 75km, ngư trường rộng trên 8.400 km2, trữ lượng thủy hải sản khoảng 60 nghìn tấn/năm. Toàn tỉnh có 4 huyện với 16 xã, thị trấn ven biển, gần 16 ngàn lao động hoạt động thủy sản, trong đó có hơn 7 ngàn lao động trên biển. Hiện ngư dân Quảng Trị đang vào vụ khai thác cá Nam, tập trung nhiều nhất ở vùng biển thị trấn Cửa Việt và xã Gio Việt của huyện Gio Linh, nơi chiếm hơn 60% sản lượng đánh bắt toàn tỉnh. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn