Diện tích mì ở Bình Định phát triển ngoài tầm kiểm soát của ngành chức năng. |
Khi diện tích mì “nở” ra thì diện tích rừng và đất lâm nghiệp “teo” lại, bởi nạn phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép để trồng mì. Hệ lụy nhãn tiền, do đó ngành chức năng ở Bình Định đang ra sức kìm hãm sự tăng trưởng diện tích trồng mì.
Một điều không thể chối cãi là những năm vừa qua cây mía ở Bình Định bị “thất sủng”, do đó, nhiều diện tích trồng mía trước đây đã bị cây mì chiếm ngự, nhất là khi thu nhập từ cây mì mấy năm qua khá ổn định. Thêm vào đó, ở những vùng miền núi, nạn lấn chiếm đất lâm nghiệp và phá rừng để trồng mì diễn ra rộng khắp, khiến quy hoạch cây mì bị “vượt rào”.
Sau khi tính toán nhu cầu về nguyên liệu cho những nhà máy chế biến tinh bột mì trên địa bàn, Bình Định đã quy hoạch đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, diện tích mì trên địa bàn tỉnh này sẽ dừng lại và duy trì ổn định ở mức 11.000ha. Trong đó, huyện Phù Cát và Vân Canh mỗi huyện có 2.000ha, huyện Phù Mỹ và Tây Sơn mỗi huyện 1.800ha, huyện Vĩnh Thạnh 1.250ha, huyện Hoài Nhơn 1.000ha, huyện An Lão 650ha và huyện Hoài Ân 500ha.
Bên cạnh đó, Bình Định chỉ đạo ngành chức năng hướng dẫn nông dân phương pháp thâm canh, đưa các giống mì mới có tiềm năng năng suất cao vào SX để đảm bảo đến năm 2020 năng suất mì đạt bình quân 304 tạ/ha.
Tính toán là vậy, nhưng những năm qua diện tích mì trên địa bàn Bình Định phát triển tự phát vượt quá tầm kiểm soát của ngành chức năng, phần lớn diện tích mì phát triển tại các địa phương đều nằm ngoài quy hoạch.
Ví như tại các huyện Phù Cát, Vĩnh Thạnh và An Lão, những địa phương bị khống chế tăng trưởng diện tích mì thì cây mì lại đang phát triển ồ ạt. Riêng tại huyện Phù Cát, vụ ĐX 2018 - 2019 nông dân đã trồng đến 2.300ha mì, và chắc chắn sẽ tăng thêm 300ha trong vụ HT tới.
Ông Ngô Văn Sinh, nông dân ở xã Cát Hiệp chia sẻ: “Từ khi có hệ thống kênh mương Văn Phong đảm bảo nước tưới, tôi đưa hơn 1ha đất vào trồng đậu phụng xen mì, làm vậy đạt hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng thuần mì”.
Ông Nguyễn Văn Lê, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng NN-PTNT huyện Phù Cát bộc bạch: “Đất đai, khí hậu ở Phù Cát phù hợp cho cây mì phát triển. Chi phí đầu tư trồng mì không cao, đầu ra sản phẩm khá thuận lợi. Ở nhiều địa phương người dân đã kết hợp trồng đậu phụng xen mì mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên những năm qua diện tích mì ở Phù Cát không ngừng tăng trưởng”.
Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định rất quan tâm đến thực trạng cây mì trên địa bàn đang phát triển “vượt rào” quy hoạch. Bởi, theo ông Châu, mì là loại cây trồng có sức hủy hoại dinh dưỡng trong đất rất cao, khiến cho đất bị thoái hóa nhanh, rất khó cải tạo để trồng các loại cây trồng khác. Hơn nữa, phát triển cây mì không theo quy hoạch như đang diễn ra dễ dẫn đến tình trạng chặt phá cây lâm nghiệp, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép để trồng mì, tác động rất xấu đến môi trường sinh thái.
“Tỉnh đã chỉ đạo các ngành chuyên môn lưu tâm hỗ trợ nông dân triển khai thực hiện tốt các biện pháp canh tác hợp lý, tăng năng suất và hiệu quả SX cây mì. Công tác nghiên cứu, khảo nghiệm, nhân các giống mì mới cũng phải được quan tâm hơn. Đồng thời, tỉnh cũng yêu cầu ngành chức năng, chính quyền các địa phương kiểm tra, rà soát lại diện tích trồng mì trên địa bàn và thực hiện đúng quy hoạch vùng nguyên liệu mì”, ông Châu chia sẻ.
“Theo chỉ đạo của tỉnh, Sở NN-PTNT sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát lại diện tích vùng nguyên liệu mì. Đồng thời vận động người dân chuyển đổi các diện tích đất trồng mì trên nương rẫy, đất có độ dốc trên 150 sang trồng các loại cây ăn quả, cây công nghiệp hoặc trồng rừng, nhằm tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Sở sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, SX khảo nghiệm và chọn ra một số giống mì có tiềm năng năng suất cao chuyển giao cho nông dân nhằm tăng hiệu quả SX”, ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn