Ruộng chờ nước…
Hoàn tất thu hoạch vụ xuân từ ngày 20/5, chẳng chờ nước đổ về, bà con nông dân xã Tượng Sơn (Thạch Hà) bắt tay ngay vào công việc làm đất, cày ải chuẩn bị cho vụ hè thu. Hơn ai hết, họ tự ý thức được rằng, đối với vùng bãi ngang này, nếu không chớp lấy thời gian thì sản xuất cũng chỉ “cho thấy chứ chẳng cho ăn” vì mưa bão ập xuống vào cuối vụ. Dù cho những đường cày đặt xuống nền đất pha cát như muốn bật ngược trở lại vì khô hạn nhưng bà con nông dân vẫn kiên trì “bám ruộng”. Thế nên, chẳng mấy chốc ruộng đồng đã được cày bằng phẳng, chỉ cần chờ nước đổ về nữa là có thể xuống giống.
Chờ nước làm đất |
Ông Dương Kim Huy - Phó Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn cho biết: “Nước Kẻ Gỗ đã mở cả tuần lễ mà chẳng thể chảy nổi về cuối kênh, hiện nguồn nước chỉ mới đáp ứng được 10% diện tích. Bà con trong xã đã phải huy động cả máy bơm dã chiến để chắt nốt chút nước còn lại ở ao hồ. Bây giờ phải chờ nước Kẻ Gỗ chảy về tạo nguồn cho 2 đập trên địa bàn mới đủ cung cấp nước tưới cho vụ gieo hè thu. Sớm nhất cũng phải đến 20/6, xã mới hoàn thành gieo cấy”.
Tình trạng này xảy ra khá phổ biến đối với tất cả các xã vùng cuối kênh. Nguyên nhân chính là do thời vụ xuống giống hè thu đồng loạt nên nhu cầu nguồn nước tưới tăng vọt. Trong khi đó, tình trạng nắng nóng kéo dài, không có mưa đã làm mực nước, ngay cả hệ thống hồ, đập lớn trên địa bàn cũng liên tục xuống thấp.
Ông Đồng Xuân Anh - Cụm thủy lợi 579 (Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh) cho biết: “Kênh chính Kẻ Gỗ đã mở cốt 29 m3, xấp xỉ đạt thiết kế nhưng nguồn nước phân bổ về các kênh chỉ mới đạt 20% nhu cầu”.
Tại hồ Vực Trống (Can Lộc), nước chỉ còn có thể đáp ứng được 2 đợt tưới nữa là cạn hết. Trong khi đó, theo ghi nhận của chúng tôi, không ít nơi nước đã đổ về tận ruộng mà công việc làm đất vẫn ì ạch, đủng đỉnh. Thậm chí, nhiều chân ruộng vẫn trơ rạ cũ như: Song Lộc, Hồng Lộc (Can Lộc); Tùng Ảnh, Bùi Xá (Đức Thọ)… Thế mới thấy, ý thức của một bộ phận người dân lẫn sự chỉ đạo thiếu chặt chẽ của chính quyền sở tại đã gây thất thoát một nguồn nước lớn.
Tiết kiệm nhưng phải điều tiết đủ cho sản xuất
Đó là tinh thần của các công ty thủy nông vào thời điểm này. Theo ông Nguyễn Duy Hoàn - Phó Giám đốc Công ty TNHH Thủy lợi Nam Hà Tĩnh: “Bắt đầu mở cống từ ngày 24/5, theo kế hoạch chúng tôi sẽ đổ nước đến ngày 10/6 kết thúc. Bên cạnh xây dựng sơ đồ tưới một cách hợp lý nhằm tiết kiệm tối đa nguồn nước, đồng thời đảm bảo bà con có đủ nước sản xuất, phương án tối ưu nhất của Công ty đó là ưu tiên vùng xa, cao trước; vùng thấp, gần sau. Trong điều kiện căng thẳng, Công ty sẽ huy động lực lượng tổ chức ép nước về các xã cuối kênh; đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức chia sẻ nguồn nước cho nhau. Đặc biệt, sẽ ưu tiên cho vùng gieo cấy sớm trước rồi tập trung dồn nước cho vùng muộn sau”.
Trạm bơm Linh Cảm được huy động tối đa công suất để bơm nước phục vụ sản xuất. |
Ông Đặng Quốc Hải - Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình cho biết: “Chúng tôi hưởng nguồn nước từ kênh N5 Kẻ Gỗ, suốt 5 ngày mở cống, nước không về nổi ruộng khiến bà con như ngồi trên đống lửa. Rất may có sự vào cuộc kịp thời, điều tiết hợp lý nên bây giờ thì yên tâm rồi. Xã phấn đấu khoảng 8/6 là gieo cấy xong”.
Khác với Kẻ Gỗ, Trạm bơm Linh Cảm, do Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh quản lý lại hoàn toàn phụ thuộc vào mực nước sông La. Hơn 20.500 ha lúa hè thu của vùng Bắc Hà những ngày nay cũng đang phập phù cùng nước sông. Ông Trần Quốc Hùng - Giám đốc Công ty cho biết: “So với năm ngoái, mực nước Linh Cảm tụt sâu, ở mức - 0,27 m, tại trạm bơm là - 1,23 m. Do vậy, công tác điều tiết hết sức khó khăn, dù đã tăng ca, tăng máy bơm liên tục nhưng không phải lúc nào tất cả các máy cũng phục vụ cùng một lúc. Bên cạnh đó, tình trạng mặn xâm nhập đã bắt đầu đe dọa tại cống Trung Lương càng khiến nguồn nước tưới khó khăn hơn”.
Với quan điểm không thể để thiếu nước sản xuất, Công ty sẽ bơm nước về ruộng đến bao giờ người dân đủ nước sản xuất mới thôi. Công ty sẽ đồng loạt mở các hồ, đập trên địa bàn, tạo điều kiện cho người dân lấy đủ nước, sau đó tổ chức ép nước cho vùng xa để đảm bảo kịp thời vụ hè thu.
Nắng nóng vẫn còn kéo dài, cuộc chiến chống hạn vừa mới bắt đầu. Không thể chậm trễ, các cấp chính quyền cần có động thái tích cực, phối hợp với các công ty thủy lợi nhằm quản lý, điều tiết nguồn nước đúng, đủ và tiết kiệm nhất cho thời kỳ quan trọng nhất của vụ hè thu.
Ông Ngô Đức Hợi - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi: "Mực nước các hồ đập thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái" Bước vào vụ hè thu, mực nước ở các hồ đập đều xuống thấp hơn nhiều so với dung tích thiết kế và cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, mực nước tại một số công trình thủy lợi lớn so với dung tích thiết kế: Kẻ Gỗ chỉ đạt 44,3% (chỉ bằng 76,5% so với cùng kỳ năm 2012), Sông Rác đạt 58,9%, Cửa Thờ - Trại Tiểu đạt 72,5%. Đối với các hồ đập nhỏ, dung tích đạt thấp, thậm chí chỉ bằng 1/3 thiết kế như: hồ Vực Trống, Cơn Trường, Khe Cò. Bên cạnh đó, do nắng nóng kéo dài, không có mưa nên nguồn nước mặt ở các ao, hồ, sông, suối xuống nhanh khiến cho nguy cơ thiếu nước sản xuất hè thu đáng báo động. Do vậy, các địa phương cần phối hợp với các công ty thủy nông trong việc điều tiết, quản lý nguồn nước hợp lý, tiết kiệm; đồng thời tổ chức nạo vét kênh mương, chia sẻ nước để đảm bảo nước tưới cho cả vụ sản xuất. Ông Trần Đức Bá - Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh: "Lượng mưa trong vụ hè thu không đủ cải thiện nguồn nước tưới" Theo dự báo, năm nay không phải là năm đỉnh điểm của nắng nóng nhưng tình trạng nền nhiệt cao, mưa ít sẽ kéo dài trong suốt cả vụ hè thu. Trong khi đó, lượng mưa 6 tháng đầu năm nhích hơn trung bình nhiều năm không đáng kể và không đủ để cải thiện nguồn nước tưới tại các hồ đập thủy lợi. Bắt đầu từ ngày 3 - 4/6, Hà Tĩnh sẽ đón đợt mưa giông ở cường độ nhỏ, nơi cao nhất chỉ đạt khoảng 50 mm. Ngay sau đó, nắng sẽ tiếp tục quay trở lại với nhiệt độ từ 37 - 390C và kiểu thời tiết này sẽ lặp lại trong cả mùa hè năm nay. |
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn