Ngày 7/12, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế tổ chức hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh đồng hành cùng nông dân với chủ đề “Phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực”.
Hội nghị có sự tham gia của hơn 120 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế. Đây là lần đầu tiên UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế tổ chức hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh đồng hành cùng nông dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ trao đổi với nông dân. Ảnh: Trần Hòe.
Tại hội nghị, nhiều nông dân đã phản ánh đến ông Phan Ngọc Thọ những khó khăn trong quá trình sản xuất, tiếp cận thị trường. Đó là tình trạng thiếu nguồn giống chất lượng trong phát triển nông nghiệp, từ giống lúa, lợn, gà đến các giống cây con đặc sản, bên cạnh đó là nông sản bí đầu ra.
Theo nhiều nông dân, mặc dù họ đầu tư phát triển nông nghiệp theo mô hình VietGAP, nông nghiệp hữu cơ nhưng vấn đề đầu ra sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, mặc dù tỉnh có rất nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp nhưng để nông dân tiếp cận không phải là điều dễ dàng.
“Hiện sản xuất nông nghiệp do được áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất, sản lượng ngày càng tăng cao, nhưng tiêu thụ khó khăn, giá thấp, nhất là sản xuất lúa. Đề nghị cấp trên tạo điều kiện để áp dụng sản xuất theo chuỗi liên kết tạo đầu ra ổn định cho nông dân”- ông Nguyễn Xuân Thành (huyện Phú Vang) nêu ý kiến.
Hội nghị có sự tham gia của hơn 120 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế. Ảnh: Ngọc Minh.
Ông Huỳnh Châu (thị xã Hương Trà) thì phản ánh tình trạng giá mủ cao su không ổn định và bị tư thương ép giá khiến người nông dân phải chặt cao su để chuyển sang trồng những loại cây khác. Ông Châu đề nghị tỉnh có chính sách kịp thời để người nông dân không chặt bỏ cây cao su.
Nông dân Nguyễn Văn Phước (huyện Phú Lộc) thì phản ánh tình trạng cơ quan chức năng chậm giải quyết hồ sơ thủ tục khi ông xin cấp phép dự án nuôi tôm.
Trước những đề xuất, kiến nghị của nông dân, ông Phan Ngọc Thọ cũng lãnh đạo các sở ngành liên quan đã có những giải đáp, trao đổi thẳng thắn, cởi mở khiến nông dân hài lòng.
Theo ông Phan Ngọc Thọ, để ngành nông nghiệp tỉnh phát triển mạnh hơn trong thời gian tới cần có sự chung tay, chung sức của “5 nhà” chứ không chỉ một mình doanh nghiệp và nông dân hay sở ngành như hiện nay. Trong đó, mỗi nhà cần phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của mình, phối hợp, liên kết chặt chẽ và nhịp nhàng với 4 nhà còn lại tạo nên sức mạnh tổng hợp, hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp và kết nối cung cầu để nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp.
Nông dân Nguyễn Văn Phước phản ánh việc cơ quan chức năng chậm giải quyết hồ sơ dự án nuôi tôm với Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế. Ảnh: Trần Hòe.
Ông Thọ khẳng định, chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở tỉnh đang đi đúng hướng, tuy nhiên vẫn có nhiều định hướng cần điều chỉnh, nhất là định hướng phát triển cây ăn quả cần được chú trọng hơn. Các sở ngành liên quan cần nghiên cứu xây dựng bản đồ vùng nguyên liệu cho các sản phẩm chủ lực trên phạm vi toàn tỉnh. Trên cơ sở đó quy hoạch lại vùng sản xuất tập trung, xây dựng quỹ đất trong kêu gọi đầu tư phát triển nông nghiệp tạo động lực trong sản xuất quy mô lớn.
Ông Thọ yêu cầu các sở, ban, ngành căn cứ vào đề án để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng cụ thể, hướng tới sản phẩm cụ thể để phát huy được thế mạnh của từng vùng miền, chú trọng 10 sản phẩm chủ lực của địa phương đã quy hoạch. Theo ông Thọ, cần tập trung cho sản phẩm chủ lực về cả giống, quy trình khai thác, thu hoạch, chế biến, thương hiệu, thị trường để tạo thành chuỗi giá trị. Phải tìm mọi cách để tránh xảy ra tình trạng "được mùa, mất giá", tạo thu nhập ổn định cho người dân, hướng đến một nền nông nghiệp được phát triển bền vững.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn