Chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, trước tình hình cây lúa bấp bênh, lợi nhuận thu được từ lúa thường thấp hơn một số cây trồng khác là hoàn toàn hợp lý.
Đặc biệt là một số vùng chuyển qua canh tác cây bắp (ngô) để đáp ứng nhu cầu cho chăn nuôi, khi hàng năm phải nhập khẩu một lượng khá lớn. Ở ĐBSCL, đã từ lâu bà con có kinh nghiệm trồng bắp trên vùng đất màu hay 1 lúa 1 màu như vùng Châu Phú, Phú Tân hay vùng Đức Hòa và các vùng khác ở Đồng Tháp, Vĩnh Long… và bà con thu được năng suất khá cao, nông dân cũng biết rõ là cần trồng bắp trên các loại đất phù sa, tránh mùa ngập lũ chứ không phải đất nào cũng trồng được bắp thuận lợi. Bắp có khả năng cho năng suất cao và lợi nhuận hơn cây lúa với điều kiện thỏa mãn nhu cầu sinh lý, sinh thái cho bắp và giá cả hợp lý. Ví dụ bắp không chịu được ngập úng, nhất là giai đoạn cây con, cũng không chịu được điều kiện đất bị phèn hay mặn. Chính điều này nên từ xa xưa ông cha ta chỉ trồng bắp ở vùng đất phù sa, ven sông bãi hay vùng đất đỏ bazan. Khi đưa bắp xuống ruộng phải kèm theo điều kiện kiến thiết đồng ruộng sạch sẽ và có chế độ dinh dưỡng cho bắp đầy đủ mới đạt hiệu quả cao. Còn trên đất đã trồng 1 vụ lúa kém hiệu quả có nghĩa là đất có vấn đề về chế độ nước hay phèn, mặn thì không dễ cho năng suất cao. Bên cạnh đó còn phụ thuộc khá nhiều vào đầu ra và giá cả thế giới kể cả quy trình sau thu hoạch để có mẫu mã đẹp, bảo đảm vệ sinh, độ ẩm tốt để không bị nhiễm nấm aflatixin là loại nấm dễ gây ung thư. Các năm trước ngay ở ĐBSCL đã không đáp ứng được các điều kiện này nên các doanh nghiệp từ chối thu mua dẫn đến tình trạng bà con bị thua lỗ.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phụ thuộc rất lớn vào việc cơ cấu cây trồng đó vào loại đất, vùng đất, nhu cầu của thị trường, giá cả và chất lượng của các loại cây chuyển đổi có thể là bắp hoặc bất kỳ cây, con gì phù hợp mà có lợi hơn lúa. Việc chuyển đổi phải mang tính ổn định và bền vững, tránh tình trạng chạy theo thị trường và khi không được giá thì chặt bỏ như đã xảy ra trước đây.
Theo Lê Quốc Phong/Nguoitieudung.com.vn