Tại lễ khởi động Chương trình diễn ra gần đây, ông Samual Waetly, Giám đốc quốc gia của cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ, cho biết: Chương trình tập trung mạnh mẽ vào giảm nghèo, ưu tiên hỗ trợ nhóm dân tộc thiểu số… Thực tế, trong 5 dự án của Việt Nam tham gia chương trình thì có đến 4 dự án hỗ trợ cho lao động là người dân tộc thiểu số, như: Dự án phát triển bền vững chuỗi giá trị dâu tằm tơ; dự án phát triển chuỗi giá trị mây/lùng; dự án thúc đẩy ngành gia vị và dự án phát triển bền vững chuỗi giá trị chè chất lượng cao.
Theo ông Lê Bá Ngọc, Giám đốc dự án cải thiện sinh kế cho phụ nữ người dân tộc thiểu số thông qua phát triển bền vững chuỗi giá trị dâu tằm tơ và dệt vải: Yêu cầu tối ưu của các dự án trong Chương trình MARP là tìm mọi cách giảm nghèo cho lao động là người dân tộc thiểu số. Các dự án đều đồng hành với người dân một cách có hệ thống từ khâu nguyên liệu, sản xuất, sản phẩm cho đến khâu tiêu thụ. Điểm mới của MARP là không chỉ kết nối người dân với thị trường tiêu thụ mà còn giúp nâng cao khả năng, tự thân tiếp xúc, mở rộng thị trường. Với dự án chuỗi giá trị dâu tằm tơ và dệt vải, ông Ngọc cho biết: mục tiêu của dự án là giúp cải thiện thu nhập và tạo cơ hội có việc làm cho các hộ dân tộc thiểu số trồng nguyên liệu và dệt vải tại các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình. Theo đó, đến năm 2016, dự án dự kiến sẽ giúp tăng thu nhập từ 30 - 50% cho 1000 hộ gia đình từ sản xuất và bán vải dệt. Dự án cũng sẽ mang lại những thay đổi về kỹ năng sản xuất nông nghiệp bền vững, sử dụng công nghệ xanh và kỹ thuật sản xuất sạch hơn… Trong vai trò đại diện của đơn vị thụ hưởng, anh Lý Chòi Nhằng, thành viên Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ (thôn Làng Giàng, xã Thông Nguyên, huyện Phìn Hồ, tỉnh Hà Giang) hồ hởi chia sẻ: Phìn Hồ là nơi có cây chè Shan tuyết nổi tiếng của tỉnh Hà Giang, huyện Phìn Hồ hiện có khoảng 4.000ha chè. Mặc dù là sản vật nổi tiếng nhưng do phương thức chế biến của bà con quá thô sơ nên không giữ được “chất” của chè. Sản lượng chè lại chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết nên thu nhập từ cây chè của bà con tương đối thấp, vào những thời điểm trước năm 2008 thu nhập của bà con chỉ khoảng 2 - 3 triệu đồng/người/năm. Được sự hỗ trợ của chương trình MARP, hiện 4 thành viên của Hợp tác xã đang được tập huấn vềcách nâng cao khả năng sản xuất, chất lượng sản phẩm, khả năng tiếp cận thị trường. Và quan trọng là dự án giúp chúng tôi tìm ra cách chế biến giữ được chất thơm, ngọt tự nhiên của chè thông qua kỹ thuật sao, sấy… Được biết, dự án phát triển chuỗi giá trị chè chất lượng cao do tổ chức Helvetas Swiss Intercooperation thực hiện trên địa bàn 3 tỉnh Lào Cai, Lai Châu và Hà Giang. Dự kiến, sau khi kết thúc vào năm 2016 dự án sẽ giúp tăng thu nhập ít nhất 10% cho 3.100 hộ gia đình nghèo dân tộc thiểu số. Dự án cũng sẽ thực hiện những chính sách cấp tỉnh để tạo thuận lợi cho phát triển bền vững chuỗi giá trị chè. Giúp người dân tộc thiểu số thoát nghèo bằng chính những hoạt động gần gũi và gắn bó với họ bao đời là cách làm thông minh và hiệu quả. Thông qua phương thức này, chương trình MARP sẽ không chỉ mang lại sự thay đổi về chất lượng sống mà còn giúp người dân tộc thiểu số giữ gìn được nét văn hóa độc đáo./. Hải Linh Theo ven |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn