LTS: Tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, Quốc hội đã nhất trí lùi thời hạn thông qua Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tới kỳ họp thứ 6. Với quyết định này, Dự án Luật Đất đai trở thành dự luật phải trải qua 3 kỳ họp mới có thể được thông qua.
Từ nay tới kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII còn 4 tháng nữa. Sẽ không ngoa khi nói rằng đây là “cơ hội vàng” để Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), xóa bỏ những khúc mắc, bất cập trong dự thảo, để luật thực sự thành một “luật vàng” với nhân dân và Nhà nước khi áp dụng vào thực tiễn...
Giáo sư - TSKH Đặng Hùng Võ (chuyên gia nghiên cứu độc lập về chính sách đất đai) cho rằng, để có thay đổi đột phá thì “một ngày cũng có thể có thay đổi được, miễn là phải tách nhóm lợi ích ra khỏi vấn đề đất đai”.
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, các quyền của người dân đối với đất đai trong dự thảo luật còn chưa rõ... |
Quyết định rất trách nhiệm
Giáo sư bình luận như thế nào về việc Quốc hội lùi thời hạn thông qua Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vào kỳ họp cuối năm nay?
- Không chỉ tôi mà rất nhiều người khác chia sẻ với tôi rằng, Quốc hội đã có quyết định rất trách nhiệm. Quốc hội đã nhìn thấy có nhiều vấn đề, có nhiều điểm trong dự thảo chưa trúng so với thực tế, những vấn đề logic pháp lý trong trường hợp thông qua luật mà chưa thông qua Hiến pháp sửa đổi. Đặc biệt, có nhiều điểm trong dự thảo luật đang gặp phải 2-3 luồng ý kiến khác nhau, hoặc nhìn nhận dưới những góc độ khác nhau, cần phải đạt đến một kết luận thống nhất, sao cho phù hợp với thực tế. Để có được điều đó, phải có thêm thời gian.
Với thời gian 4 tháng (từ nay đến khi trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 6), liệu Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có cơ hội được hoàn thiện và đạt được bước tiến đột phá?
- Điều quan trọng là chúng ta có muốn làm hay không và chúng ta đứng trên góc độ nào để nhìn vấn đề đất đai, góc độ lợi ích của toàn dân hay lợi ích nhóm... Bộ phận tiếp thu hoàn thiện dự thảo luật để trình ra Quốc hội có đủ công tâm để nói lên tiếng nói của tất cả mọi người hay không, việc tiếp thu ý kiến của nhân dân như thế nào để ý kiến của đại đa số phải được thể hiện trong luật…
Tất cả câu chuyện này đang nằm ở đó! Tôi cho rằng, để thay đổi thì một ngày cũng có thể thay đổi được, nhưng miễn là phải tách “nhóm lợi ích” ra khỏi vấn đề đất đai, tiếng nói về đất đai phải là tiếng nói của đại đa số nhân dân. Chúng ta phải xác định đất đai là vấn đề quan trọng trong quá trình xác lập thế phát triển bền vững.
Cần coi trọng quyền của dân
Vậy theo Giáo sư, những vấn đề nào nên được ưu tiên làm rõ?
- Theo tôi, thứ nhất là vấn đề quyền tham gia của người dân về quản lý đất đai và cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước. Ban soạn thảo Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã rất “chăm lo” cho quyền lực của Nhà nước, thậm chí có tới 2 chương về quyền lực Nhà nước. Trong khi đó, các quyền của người dân đối với đất đai thể hiện trong dự luật còn yếu kém.
Đây là câu chuyện phải xem xét. Sở hữu toàn dân không phải chỉ là tập trung quyền lực cho Nhà nước. Người dân phải được tham gia vào quyết định về đất đai, quản lý đất đai, tham gia giám sát thực thi pháp luật đất đai, tham gia vào việc nâng hiệu quả sử dụng đất… Nhưng vấn đề này đang được thể hiện rất yếu kém, mờ nhạt trong luật, và tôi cho rằng đây là điểm rất lớn.
GS Đặng Hùng Võ
Vấn đề thứ hai, quan niệm về bồi thường hỗ trợ tái định cư, theo tôi Dự thảo luật đang “lệch hướng”. Các quy định trong dự thảo luật cho thấy tư duy làm luật theo hướng cố gắng bồi thường làm sao cho nhiều tiền nhất, tức là giá trị bồi thường ngày càng cao hơn. Điều này tất nhiên là tốt nhưng chưa được. Góc nhìn đó vẫn là góc nhìn bị khiếm khuyết…
Vì sao Giáo sư cho rằng điều này là “lệch hướng” và “khiếm khuyết”?
- Chúng ta cần nhìn đất đai dưới 3 góc độ: Thứ nhất, đất đai là tài nguyên, vậy khi lấy tài nguyên, nhà đầu tư phải bù tài nguyên đó ở đâu, lấy đất lúa làm dự án thì phải bóc lớp đất mặt đổ vào những nơi không có ruộng lúa để khôi phục lúa như thế nào. Thứ hai, nhìn đất đai dưới góc độ tư liệu sản xuất, chúng ta phải bồi thường sinh kế cho người bị mất đất, bồi thường thu nhập cho người bị mất đất ít nhất phải ngang như lúc họ đang sử dụng đất.
Rồi việc chuyển nghề nghiệp, thay đổi sinh kế phải giải quyết tiếp cho đến khi họ chuyển sang nghề mới. Vì vậy với vai trò là tư liệu sản xuất, chúng ta không thể chỉ coi đất đai là tài sản. Thứ ba, khi coi đất đai với tư cách là tài sản, chúng ta phải bồi thường đúng giá trị thị trường, đúng quy luật thị trường…
Còn một vài việc tiếp theo nữa cần có góc nhìn thỏa đáng, ví dụ về quyền quyết định giá đất, làm sao chúng ta quyết định giá đất cho khách quan, làm sao kiểm soát được quyết định này. Một điểm khác là sự tham gia của người dân trong các vấn đề về đất đai. Cần phải có tiêu chí cụ thể, bao nhiêu phần trăm người dân đồng ý thì mới được coi là sự đồng thuận cộng đồng. Một xã hội muốn phát triển bền vững phải được xây dựng trên nguyên tắc đồng thuận của cộng đồng.
Cơ chế nào cho dân giám sát?
Tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang nói rằng, Ban soạn thảo đã tiếp thu kiến nghị “người dân được giám sát về đất đai”. Nhưng khi luật không quy định cụ thể cơ chế giám sát thì người dân liệu có cách nào giám sát hiệu quả?
- Tôi đồng ý với ý kiến cần phải có cơ chế cụ thể. Người dân giám sát bằng cái gì, ai trao cho người dân điều kiện, cơ chế để thực thi việc giám sát này? Theo tôi, rất cần những quy định cụ thể chứ không thể chỉ nói suông rằng người dân được quyền giám sát việc thực thi pháp luật bằng cách trực tiếp hoặc thông qua đại diện, vì nói như thế chưa đủ. Công cụ nào để người dân giám sát, ai nghe kết luận người dân giám sát, ai xử lý kết luận người dân giám sát? Chúng ta đang cần luật ở những điều cụ thể như vậy, nhưng trong dự thảo luật chưa có.
Về nội dung thu hồi đất, vẫn còn các luồng ý kiến trái ngược nhau. Theo Giáo sư, cần phải sửa đổi vấn đề này theo hướng nào để có thể thông qua vào kỳ họp tới cùng với việc thông qua Hiến pháp sửa đổi?
- Tôi cho rằng thận trọng nhất là Quốc hội thông qua Hiến pháp trước, bởi vì nhiều ý kiến nói rằng, dự thảo như vậy nhưng đến khi thông qua, Quốc hội liệu có thông qua được không, trong khi việc Nhà nước can thiệp lấy đất người này giao cho người khác vì mục đích kinh tế của người khác là một cơ chế không công bằng.
Chúng ta cứ nói chung chung rằng đất đai thuộc sở hữu toàn dân và có vẻ như đây là điều hợp lý, thế nhưng đến khi xem xét quyền sở hữu đất là một tài sản thì cảm thấy vô lý. Nếu muốn bảo vệ “quyền tài sản” trong Hiến pháp, vậy cứ thảo luận dứt điểm chuyện Hiến pháp đi đã, sau đó Luật Đất đai sẽ phải xây dựng dựa trên cơ sở quy định của Hiến pháp đã ban hành.
Để tranh thủ thời gian 4 tháng tới, theo Giáo sư, bộ phận biên tập Dự thảo Luật Đất đai và những cơ quan liên quan cần làm những gì?
- Quốc hội đã quyết định lùi thời điểm thông qua đến kỳ họp thứ 6, có nghĩa là Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) và Quốc hội đã ý thức được việc này rất mạch lạc. Vậy Ủy ban TVQH và Quốc hội hãy tiếp tục có những quyết định cụ thể như sửa thế nào, sửa chính sách gì, cái gì cần thảo luận tiếp, cái gì cần tiếp tục lấy ý kiến của dân...
Nói một cách hình ảnh, lúc này “quả bóng” đang nằm trong “chân” của Ủy ban TVQH. Đây là cơ quan duy nhất trình dự thảo luật ra Quốc hội và giải trình trước Quốc hội tại sao luật này lại quy định như vậy, chỗ nào được tiếp thu, chỗ nào giữ nguyên. Những phần việc này giờ không nằm ở Ban soạn thảo nữa. Quyết định hoàn chỉnh dự thảo luật như thế nào và thời gian ngắn hay dài, nhanh hay chậm phụ thuộc vào Ủy ban TVQH.
Xin cảm ơn Giáo sư!
Hoàng Sơn - Đình Thắng
theo danviet
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn