Rác thải chất đống trước cổng Bệnh viên đa khoa huyện Hương Sơn |
Cha ông vẫn thường nói “đẹp khoe, xấu che”. Thế nhưng, điều này lại chẳng đúng ở huyện Hương Sơn, bởi ngay trước cổng Huyện ủy, Bệnh viện đa khoa, Nhà văn hóa huyện Hương Sơn lại là những điểm tập kết rác thải của người dân địa phương.Thời điểm chúng tôi có mặt (9 giờ ngày 18/9), “mặt bằng sạch” ở Huyện ủy và Nhà văn hóa đã được trả trở lại nguyên hiện trạng, nhưng khu vực trước cổng Bệnh viện huyện vẫn còn hiện diện một đống rác to tướng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc đã bị đơn vị có trách nhiệm thu gom rác thải “bỏ quên” từ nhiều ngày qua.
“Thực trạng này đã kéo dài từ nhiều năm qua khiến chúng tôi rất bất bình. Mặc dù đã kiến nghị rất nhiều lần, nhưng chẳng mấy ai thèm bận tâm. Cổng bệnh viện là nơi tập kết rác có chăng chỉ huyện Hương Sơn mới có” - Trưởng phòng Tổ chức Bệnh viện đa khoa huyện Hương Sơn Nguyễn Dương Phúc không giấu nổi bức xúc. Trong khi đó, Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn Nguyễn Duy Trinh lại tỏ ra ngạc nhiên cho rằng. “Rác thải bị ứ đọng nhưng chẳng thấy đơn vị chủ quản báo cáo.
Không chỉ đối mặt với nỗi lo rác thải ngập tràn trước cổng bệnh viện mà hàng ngày vào buổi sáng trước khi bước chân vào cổng bệnh viện, người nhà và bệnh nhân phải trải qua màn “tra tấn” khủng khiếp. Đó là tình trạng chèo kéo mời mọc của những người bán hàng ngay tại chợ trước cổng bệnh viện. Có đủ loại hàng hoa được bày bán tại khu chợ này như: thịt, cá… Dù tan vào khoảng hơn 8 giờ sáng nhưng sự nhếch nhác để lại là rác thải vung vãi khắp nơi.
"Bây giờ còn đỡ chứ trước đây sau khi chợ vãn trước cổng bệnh viện vẫn còn khoảng 4-5 lều bạt chẳng ra hình thù gì của những người bán hàng trông thật nhức mắt” - ông Phúc cho biết thêm.
Không thể tồn tại một chợ cóc, điểm tập kết rác thải ở nơi cần không khí trong lành và không gian tĩnh lặng như bệnh viện |
Bệnh viện đa khoa huyện Hương Sơn hiện có hơn 100 giường bệnh bệnh với xấp xỉ 200 bệnh nhân đang điều trị. Hàng ngày bệnh viện tiếp nhận từ 180 đến 250 người đến khám và chữa bệnh. Từ năm 2008 đến nay, bệnh viện đã và đang được nâng cấp cải tạo với tổng trị giá nguồn vốn lên đến hơn 40 tỷ đồng. Ở thời điểm hiện tại, một số công trình đã được đưa vào sử dụng tạo nên một diên mạo khác so với cảnh bẩn thỉu và hôi hám ở ngoài cổng bệnh viện như: khu vực khám và điều trị ngoại, sản và y học dự phòng.
“Theo quy định địa điểm “mượn” làm nơi chứa rác chỉ tồn tại từ buổi tối hôm trước đến 7 giờ sáng hôm sau nếu vào mùa đông, 6 giờ nếu là mùa hè. Tuy là những khu vực khá nhạy cảm và gây phản cảm, nhưng được cái là thuận tiện cho những người thu gom rác thải” - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phố Châu Trần Quốc Hoàng thẳng thắn thừa nhận.
Ông Hoàng còn cho biết thêm: “Cũng xuất phát từ việc “thu không đủ chi”, 6 lao động nữ phải đảm nhận một khối lượng công việc khá nặng nề là thu gom và đưa về bãi tập kết một khối lượng rác khoảng 8m3 mỗi ngày, nên tình trạng rác thải bị ứ đọng đã gây nên nỗi bức xúc không chỉ người dân thị trấn mà ngay cả những ai có mặt đều cảm thấy ái ngại”.
HTX Môi trường đô thị huyện Hương Sơn được thành lập vào năm 2002 do Công ty CP Trung Kiên đảm nhận. Nhưng năm trước rác thải được thu gom rồi ném lên xe công nông đưa về bãi tập kết. Tuy nhiên sau khi Chính phủ cấm xe công nông lưu thông (đầu năm 2008) thì việc thu gom rác trở nên khó khăn hơn. Từ đầu năm đến nay, công tác thu gom rác thải do UBND thị trấn đảm nhận. Theo những người trong cuộc thì thiếu phương tiện vận chuyển là nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng rác thải bị ứ đọng. Nhưng chính Chủ tịch UBND huyện lại khẳng định: “Huyện vừa mới hỗ trợ thị trấn nguồn kinh phí trị giá 180 triệu đồng để mua sắm xe vận chuyển rác chuyên dụng”. Phải chăng “quả bóng” trách nhiệm được đá qua đá lại để biện minh cho tình trạng rác thải bị ném bừa bãi mà không có người thu gom.
Cho dù thiếu phương tiện hay lý do gì đi chăng nữa cũng không thể duy trì, tồn tại một chợ cóc, điểm tập kết rác thải ở nơi cần không khí trong lành và không gian tĩnh lặng như bệnh viện.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn