11:13 EST Thứ ba, 24/12/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Nhiều người quan tâm


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Đào tạo cán bộ Hợp tác xã : Thiếu chiến lược!

Chủ nhật - 07/08/2016 20:08
Đồng ý kiến về việc hợp tác xã (HTX) kiểu mới hiện chỉ có trên 9% cán bộ trình độ đại học, 12% cao đẳng, Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Lê Đức Thịnh cho rằng, cần thiết phải nâng cao năng lực điều hành, đào tạo nghề theo hướng đặc thù cho cán bộ quản lý HTX kiểu mới nếu Việt Nam muốn thành công trên sân nhà và theo kịp bạn bè quốc tế.

Xã viên HTX Dịch vụ Tổng hợp Đan Phượng (Hà Nội) thu hoạch ổi.

“Trông người, ngẫm ta”

Không riêng Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn coi HTX là giải pháp để phát triển kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, buổi đầu hình thành họ cũng không tránh khỏi những sai sót.

Nước Pháp, năm 1962, khi tái cơ cấu nông nghiệp, đã kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, nhưng lại không thúc đẩy tổ chức nông dân cùng phát triển, dẫn đến việc nông dân không còn đất sản xuất.  Vì vậy, bài toán về nông nghiệp, nông dân, nông thôn chưa được giải quyết triệt để.

Nước Pháp cũng như nhiều quốc gia ở châu Mỹ (Mỹ, Canada), đã bồi dưỡng tinh thần HTX cho con em mình từ rất sớm. Ngay khi còn ở cấp 2, học sinh lớp 6, 7 đã là 1 HTX: nếu các em góp tiền lại để mua bút, sách vở cho cả lớp, thì rẻ hơn mua lẻ từng người một, đấy chính là công việc của HTX.  Lớn lên, nhiều học sinh trong số này đã vào đại học chuyên ngành HTX, và ra trường quản lý HTX khá tốt. Ở Mỹ, chương trình HTX được đưa vào giảng dạy trong trường đại học từ năm 1930.

Tại châu Á, hình thức HTX cũng ra đời rất sớm, từ năm 1916. HTX đầu tiên của Thái Lan được thành lập gồm 16 thành viên; đảm nhận dịch vụ tín dụng, cung cấp vốn với lãi suất thấp để giúp đỡ xã viên, từ đó các HTX từng bước ra đời. Ở Nhật Bản, HTX là nhân tố tích cực để phát triển kinh tế; có 2 loại hình: HTX nông nghiệp và HTX tiêu dùng. Từ năm 1961 trở về đây, chính phủ khuyến khích hợp nhất các HTX nông nghiệp nhỏ thành HTX nông nghiệp lớn, nên mô hình HTX Nhật Bản hiện nay là đa chức năng. Giống như Việt Nam, HTX ở Trung Quốc cũng nhanh chóng phát triển ngay sau khi đất nước giành được độc lập (1949).

Mô hình HTX ở Việt Nam ra đời từ những năm 1950. Có những bản chất tốt đẹp được thế giới công nhận như: “Dân chủ, tự nguyện, tự chủ, bình đẳng”; đảm bảo 2 vai trò: phát triển kinh tế, an sinh xã hội qua nhiều thời kỳ và giữ nguyên giá trị đến ngày nay. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế như: xuất phát từ nền kinh tế tiểu nông nên tư tưởng tư hữu còn nặng nề trong thành viên HTX. Tính tự giác, tự nguyện chưa cao; nhiều thành viên trước đây vào HTX do phong trào; có lúc bị ép buộc, nên chưa hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ của mình. Vào HTX chỉ để đòi hỏi lợi ích và chờ sự hỗ trợ của nhà nước là chính. Vì vậy, HTX kiểu cũ không phát huy được nội lực, do thiếu chiến lược bồi dưỡng, đào tạo dài hơi.

HTX kiểu mới ra đời đã trên 3 năm, nhưng vẫn còn 50% số HTX chưa chuyển đổi. Động lực để thúc đẩy HTX phát triển còn non kém: trên 9% cán bộ có trình độ đại học; 12% cao đẳng; 49% chưa qua đào tạo. Nếu như bạn bè quốc tế đã chú trọng đưa chương trình HTX vào bậc đại học, hoặc nuôi dưỡng tinh thần HTX cho con em từ hơn nửa thế kỷ trước, thì Việt Nam, đến năm 2015, duy nhất mới có Trường Đại học Thái Nguyên “dũng cảm” đưa chuyện này ra bàn. Kết quả là, nhà trường có thêm bộ môn tự chọn để học sinh tham gia, dự kiến, năm 2016 có lớp học đầu tiên.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đức Thịnh, Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, cho biết: “Chúng ta thiếu chiến lược lâu dài trong công tác đào tạo nhân lực cho HTX; nuôi dưỡng tinh thần HTX trong nhân dân. Chưa đào tạo kiến thức kinh tế, kỹ thuật cho cán bộ HTX một cách bài bản, đủ thời gian để “chín”, mới dừng lại ở mức tập huấn dài ngày/ngắn ngày. Thiếu chuyên gia giỏi; thiếu cơ chế chính sách, kinh phí đào tạo cán bộ HTX… Vì vậy, để đi tắt đón đầu, cách tốt nhất là đào tạo tại chỗ, từ chính con em địa phương mình, “trăm hay không bằng tay quen”. Nay, cán bộ huyện xuống tập huấn kỹ thuật cho bà con rất tốt, còn lãnh đạo HTX thì không làm được. Mặt khác, để HTX phát triển bền vững, “lãnh tụ” của nông dân phải do họ chọn, chọn rồi thì phải đào tạo kiến thức quản lý, kinh doanh. Trước mắt, ngoài chương trình dạy nghề theo Đề án 1956 vẫn duy trì hàng năm, Cục sẽ huy động các trường đại học, dạy nghề, đào tạo tiểu giáo viên cho các địa phương, coi HTX là địa bàn để dạy nghề. Các thành viên HTX có thể học và thực hành ngay trên cánh đồng mẫu lớn, đó cũng là một lớp học”.

Tăng cường đào tạo tại chỗ…      

Nói về điểm khác nhau giữa HTX và doanh nghiệp, ông Thịnh ví von: Nếu như doanh nghiệp may đồng phục, thì HTX là may/đo, với nhiều bộ quần áo to, nhỏ, dài ngắn, màu sắc khác nhau. Vì vậy, phải tăng cường đào tạo tại chỗ cho họ để cùng trao đổi kinh nghiệm. Hiện, Cục đã tập hợp được 1 diễn đàn trên 200 HTX do Trung tâm Fano, IFOAM đồng phối hợp và hỗ trợ. Bước đầu đã có nhiều HTX xuất sắc trên địa bàn cả nước tham gia như: Hà Nội, Lào Cai, Sơn La, Bình Dương, Lâm Đồng, An Giang… Tại đây, các thành viên trao đổi với nhau theo nhóm, vùng, và các loại HTX: nông nghiệp, dịch vụ, chăn nuôi, thủy sản… Diễn đàn xoay quanh những vấn đề: hỗ trợ năng lực kinh doanh; lập phương án sản xuất theo kiểu cầm tay chỉ việc, thế nào là phương án sản xuất kinh doanh? Điều kiện cần và đủ để kinh doanh dài hạn…  

Mặt khác, cần chú trọng các lớp học đào tạo tình huống, ví dụ: Cục sẽ cử chuyên gia đến 1 HTX cụ thể (sản xuất nấm, rau sạch...) để giảng dạy. Đồng thời, đứng ra làm trọng tài, tạo thành cuộc tranh luận, phổ biến kinh nghiệm, góp ý cho HTX ấy. Cục lo giáo viên, nuôi dưỡng tinh thần HTX, ai yêu HTX thì đến nghe giảng; người đi học tự lo kinh phí ăn, ở, đi lại. Nếu HTX có nhu cầu lên phương án sản xuất, Cục sẽ hỗ trợ tư vấn Luật HTX năm 2012. Hiện, Cục đã có 5 - 6 địa điểm tại Lâm Đồng, Hà Nội, Sơn La; dự kiến, tháng 9/2016, sẽ hỗ trợ Bình Dương về định hướng quản lý sản xuất an toàn. Về lâu dài, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT đã soạn 1 bộ giáo trình đào tạo HTX, cho 3 chức danh (chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc, kế toán); giáo án đào tạo riêng cho HTX nông nghiệp…, bao gồm 26 hạng mục để các HTX lựa chọn. Nội dung xoay quanh những vấn đề như: Đường lối phát triển HTX của Đảng/Nhà nước; nâng cao năng lực HTX: lập phương án sản xuất kinh doanh (nhiều địa phương yếu khâu này); phương án cung ứng/tiêu thụ tập trung. Tín dụng nội bộ; công tác quản lý HTX; phương pháp điều khiển cuộc họp; nâng cao uy tín cán bộ lãnh đạo; quản lý minh bạch; quản trị nội bộ HTX, hoặc quan hệ nhân dân với HTX… Nghĩa là HTX cần bồi dưỡng khâu nào, Cục sẽ đáp ứng khâu đó. Ngoài ra, Cục còn đào tạo 293 người ở các Chi cục PTNT, các trường quản lý ở địa phương, phòng nông nghiệp huyện, để tiện việc đáp ứng nhu cầu học viên. 

Bên cạnh kênh đào tạo của Cục, cả nước còn có 2 trường quản lý cán bộ ở 2 miền Nam - Bắc (trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT), cũng giảng dạy theo yêu cầu của HTX. Đáng ghi nhận là, thời gian qua, Trường Đại học An Giang đã có 1.200 kỹ sư ký hợp đồng sản xuất trực tiếp với nông dân và hướng dẫn tận tình trên đồng ruộng. Đi đôi với công việc này, Cục cũng đã nhiều lần đề xuất các trường đại học ở cả 3 miền nên có chương trình đào tạo sinh viên HTX: Quản trị kinh doanh; kinh tế đầu tư - vốn; kinh tế thể chế, kinh tế tương trợ… là những lĩnh vực Việt Nam cực kỳ yếu (bạn bè quốc tế rất mạnh khâu này). Song, mới có Trường Đại học Thái Nguyên “rục rịch”.    

Xoay quanh công tác đào tạo, ông Thịnh còn cho biết, Nhà nước đã có nhiều chính sách cho HTX, nhưng còn chồng chéo; khả năng tiếp cận chính sách của HTX rất khó khăn. Ngân sách đào tạo hàng năm của các địa phương từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng/tỉnh, nên chuyển kinh phí này cho ngành nông nghiệp, hoặc Liên minh HTX Việt Nam, để các đơn vị chủ động công tác giảng dạy. Hiện, có 3 đơn vị tham gia quản lý HTX (Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Nông nghiệp và PTNT; Liên minh HTX Việt Nam), thời gian qua, đã có sự phối hợp tốt giữa 3 bên. Nay cần làm rõ hơn trách nhiệm của từng đơn vị; việc xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện của các bên phải rõ ràng. Cụ thể hóa chính sách đất đai, HTX như thế nào thì được xây trụ sở. Tránh tình trạng, các thành viên tách ra khỏi HTX lại xin đất xây trụ sở. Công tác đào tạo không dừng lại ở tập huấn trong 3 hay 5 ngày, mà phải đào tạo dài hạn 1 năm, ngắn hạn 6 tháng để đảm bảo yêu cầu.  

Về vấn đề này, trong báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam, nhiệm kỳ 2016 -2020, cũng nêu rõ: Công tác đào tạo thời gian qua chưa có quy hoạch, thống nhất từ Trung ương đến địa phương; chưa có tài liệu dành riêng cho HTX. Nội dung đào tạo còn nặng về lý thuyết, một số chưa sát thực tiễn; sự gắn kết, phối hợp giữa các cơ sở bồi dưỡng, dạy nghề trong hệ thống chưa chặt chẽ. Mặc dù vẫn “một vai 2 gánh”: vừa phát triển kinh tế, vừa làm công tác xã hội, song, để đáp ứng nhu cầu hội nhập, thỏa chí làm giàu, Liên minh cũng đã chú trọng công tác dạy nghề cho các thành viên và người lao động. Theo đó, ở miền Bắc có Trường Kinh tế Kỹ thuật (Gia Lâm); miền Nam: Trường Trung cấp nghề và 1 trường đào tạo cán bộ HTX. Tuy nhiên, để không “lỗi nhịp” với bạn bè quốc tế, Liên minh sẽ đổi mới chương trình, phương pháp, đối tượng, cách thức đào tạo và xây dựng bộ giáo trình khung, theo các chức danh cán bộ chủ chốt HTX, phù hợp với thực tiễn và nhu cầu HTX.         

Được biết, chỉ tiêu phấn đấu của Liên minh HTX Việt Nam đến cuối 2020 là 100% xã có HTX (khoảng 38.000 - 45.000HTX); 100 - 150 Liên hiệp HTX. Tỷ lệ cán bộ quản lý HTX có trình độ đại học đạt 40%; trung cấp 50 -55%...   

Dương An Như

Nguồn: kinhtenongthon.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 322

Máy chủ tìm kiếm : 4

Khách viếng thăm : 318


Hôm nayHôm nay : 51314

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1057016

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 72739725