Đầu tư “nhỏ giọt”
Thực tế cho thấy, hầu hết các bệnh viện trong tỉnh đều có quy hoạch chắp vá. Nguyên nhân là do sự đầu tư “nhỏ giọt”. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Cẩm Xuyên Phan Thanh Minh cho biết: “Mỗi năm, huyện cấp cho bệnh viện khoảng 100 triệu đồng. 2 năm gần đây, theo tinh thần Nghị quyết 03, bệnh viện mới được quan tâm đầu tư 1,6 tỷ đồng, nhưng số tiền này chỉ đủ để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các khu vệ sinh. Bệnh viện đã chủ động đưa ra 2 phương án, một là chuyển địa điểm để có khuôn viên rộng hơn, xây dựng mới theo tiêu chí quy định của Bộ Y tế. Phương án 2 là cải tạo tại chỗ khối nhà 5 tầng có đầy đủ công năng. Bệnh viện đã làm rất nhiều đề án, trình đi trình lại; tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa có đáp án cuối cùng”.
Trạm Y tế xã Sơn Thủy xuống cấp từ nhiều năm nay nhưng chưa có kinh phí để xây dựng.
Không có nguồn hoặc nguồn đầu tư quá ít nên các bệnh viện luôn phải “gồng mình” để chống lại sự xuống cấp, đảm bảo duy trì hoạt động khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế. Giám đốc BVĐK
Nghi Xuân Hà Thanh Sơn cho biết: “Lâu nay, huyện không có ngân sách hỗ trợ. Để duy trì hoạt động phòng mổ, chúng tôi đã cố gắng kêu gọi, vận động nguồn xã hội hóa. Vừa rồi, một doanh nghiệp đã tài trợ 200 triệu đồng, chúng tôi ốp lại tường phòng, lợp mái chống dột và thay hệ thống cửa. Giải pháp trước mắt là vậy, chứ so với yêu cầu hoạt động phòng khám hiện nay không thể đáp ứng”.
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Văn Lượng cho biết, đầu tư tại Hà Tĩnh lâu nay có sự chênh lệch khá lớn giữa khối kinh tế với khối y tế, văn hóa, xã hội. Nếu so sánh về nguồn vốn, đầu tư 5 năm cho lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục nói chung chưa bằng 1 năm đầu tư cho lĩnh vực kinh tế.
Cần cái nhìn chiến lược
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Đoàn Đình Anh cho rằng: Nhiều trạm y tế vùng sâu, vùng xa chưa được đầu tư nhưng nhiều trạm ở vùng phụ cận thành phố, dự án vẫn “đổ về” đó. Đã đến lúc cần có sự cân đối lại trong đầu tư, quan tâm đến lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, cần có sự cam kết mạnh mẽ từ nhiều phía, đảm bảo tính hiệu quả cả sau thực hiện các dự án.
Trạm xuống cấp, hệ thống đường dây điện cũng hư hỏng nên tranh thủ những thời gian không có bệnh nhân, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thượng Lộc lại làm thợ điện để khắc phục những vấn đề trước mắt
Còn theo Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Văn Lượng, trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, UBND tỉnh cần chỉ đạo quyết liệt, bắt buộc các địa phương lồng ghép các nguồn lực khác, nhất là nguồn lực từ xây dựng NTM cho các chương trình y tế để đảm bảo điều kiện cho các hoạt động CSSK nhân dân trong những năm tới.
Giám đốc Sở Y tế Lê Ngọc Châu chia sẻ: Để tiếp tục tạo điều kiện làm tốt công tác CSSK nhân dân, gần đây, ngành Y tế đã trình UBND tỉnh 2 đề án, đó là: tăng cường năng lực hệ thống y tế tuyến xã gắn với xây dựng NTM bền vững tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2016-2020 và phát triển kỹ thuật cao chuyên sâu tại BVĐK tỉnh, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế đáp ứng yêu cầu hội nhập giai đoạn 2016-2020. Tổng hợp nhu cầu đầu tư kinh phí cho 2 đề án này ước tính hơn 400 tỷ đồng, trong đó, đầu tư cho y tế cơ sở trong 5 năm tới là gần 364 tỷ đồng, đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ tại BVĐK tỉnh 50 tỷ đồng.
Trong điều kiện nguồn đầu tư trung hạn còn nhiều khó khăn, ngành Y tế rất mong được tỉnh quan tâm dành kinh phí hàng năm theo tinh thần Nghị quyết 144/2015/NQ-HĐND tỉnh để triển khai xây dựng các trạm y tế không còn đảm bảo yêu cầu theo chỉ tiêu từng năm và hỗ trợ các bệnh viện chống xuống cấp... Mặt khác, ngành cũng sẽ thúc đẩy chính sách giao quyền tự chủ cho các bệnh viện hướng đến tạo nguồn đầu tư cho các bệnh viện theo hướng ngân sách tỉnh một phần, các đơn vị sự nghiệp một phần và có thể vay thêm vốn ngân hàng, nhằm tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, đáp ứng các điều kiện CSSK ngày càng cao của nhân dân.
Triển khai Nghị quyết 03 của BCH Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác CSSK nhân dân đến năm 2015 và những năm tiếp theo, từ Nghị quyết 144/2015/NQ-HĐND tỉnh, 2 năm gần đây, tỉnh trích ngân sách hỗ trợ xây dựng, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị cho ngành Y tế. 2 năm 2015, 2016, ngành Y tế được cấp trên 10 tỷ đồng. Số tiền này được ngành phân bổ cho các cơ sở y tế theo từng năm, phục vụ sửa chữa, chống xuống cấp. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn